Thời đại công nghệ thông tin phát triển, kéo theo nhiều thứ phát triển, kể cả sự lường gạt đủ mọi hình thức, kiểu cách. Đặc biệt là sự lừa gạt qua Facebook, mạng xã hội được số người sử dụng đứng đầu thế giới.
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, nhắc nhở, thậm chí có nhiều bài báo đi kèm những câu chuyện đau thương xảy ra từ những sự lừa gạt này, thế nhưng số người nhẹ dạ, cả tin để mắc bẫy vẫn hãy còn nhiều. Vì thế, sự lên tiếng chia sẻ câu chuyện “dại dột làm con thiêu thân” của các nạn nhân vẫn rất cần thiết để cảnh tỉnh những “con nai ngơ ngác.”
Lời ‘kêu cứu’ từ một độc giả xa xôi
“Xin nêu sự việc này lên để cho nhiều người khác không bị như mình” là lời nhắn của một độc giả người dân tộc có nick name J.N ở tận Đắk Lắk gửi vào trang Facebook Người Việt.
Một cách vắn tắt, chị J.N cho biết chị vừa bị một nhóm người ở Mỹ và Việt Nam gạt mất 170 triệu đồng (khoảng $7,500), một số tiền lớn đối với người lao động nơi “vùng sâu vùng xa,” với lý do “tiền đóng thuế, đóng phạt để lãnh một thùng quà trong đó có chứa rất nhiều tiền đô la Mỹ.”
“Tôi như người bị thôi miên, con tôi thì đang nằm bệnh viện để mổ, vừa phải xoay sở tiền để đóng viện phí, rồi lại bị nhóm người kia thúc hối nộp tiền phạt nếu không sẽ bị công an điều tra vì thùng hàng gửi tên tôi. Tôi sợ quá, không nghĩ được gì sáng suốt, nên đi vay ‘nóng’ để đóng tiền, lên tới 170 triệu. Khi nhận ra mình bị lừa, thì bọn người kia biến mất, người thì đóng facebook tôi không liên lạc được, người thì tôi không gọi điện thoại được,” người phụ nữ cho biết.
Chị nói trong đau khổ, “Giờ tôi chỉ muốn chết thôi, vì không biết kiếm đâu ra tiền để trả nợ. Tôi không dám nói với ai trong nhà, sợ mẹ tôi biết sẽ lên máu.”
Facebook của người làm quen với nạn nhân J.N ở Đắk Lắk (Hình chụp qua Facebook)
Bắt đầu từ sự làm quen trên Facebook
Bằng sự bàng hoàng, thảng thốt như người vừa qua cơn mê, chị J.N kể, “Đầu Tháng Mười Một vừa qua, có một ông từ Mỹ vào làm quen với tôi qua Facebook, nói rằng ông ta làm việc cho chính phủ.”
Người đàn ông này có nick name là Oliver Johnny. Theo những gì ghi trên Facebook, ông ta hiện sống ở San Francisco, tiểu bang California.
Dĩ nhiên, chị N.J không hề biết trò chuyện bằng tiếng Anh và thắc mắc sao ông Mỹ kia lại có thể “chat” bằng tiếng Việt. Câu trả lời rất đơn giản, “ông ta nói dùng Google để dịch,” chị N.J cho biết.
Chỉ sau một tuần quen biết, thấy chị J.N đăng trên Facebook hình ảnh đứa con trai đang học đại học năm thứ ba bị tai nạn khi chơi thể thao ở trường, giờ phải nằm bệnh viện chờ mổ, “ông ta hỏi thăm, rồi tỏ lòng thương tôi và con trai tôi. Ông ta nói những lời ngon ngọt khiến tôi cảm thấy xiêu lòng. Ông ta hỏi tiền viện phí nộp mổ bao nhiêu. Tôi trả lời, xong ông ta nói sẽ gửi tiền cho tôi để lo chi phí cho con tôi. Tôi nửa tin nửa ngờ, nhưng lại giống như bị thu hút vì lời của ông ta,” chị J.N kể.
Một, hai ngày sau, ông Oliver nhắn tin nói với chị J.N rằng “đã gửi tiền rồi.”
Chị J.N còn chưa kịp ngạc nhiên thì “sáng hôm sau có một phụ nữ gọi điện thoại cho tôi, xưng là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất chi nhánh Hà Nội. Cô ta bảo tôi có hàng nước ngoài gửi về và yêu cầu tôi cho địa chỉ rõ ràng để gửi hàng đến nhà.”
Theo lời chị J.N, ngày hôm sau, cũng người phụ nữ xưng là “nhân viên Tân Sơn Nhất” gọi điện thoại trở lại cho biết “bưu kiện của chị đang được kiểm tra, khi xong sẽ gửi.”
“Thùng hàng nhiều tiền ‘đô,’ phải đóng cước phí, đóng tiền phạt”
Tuy nhiên, chỉ một lúc sau, “nhân viên Tân Sơn Nhất” lại gọi cho chị J.N nói rằng “thùng hàng có rất nhiều tiền bên trong, cho nên phải nộp tiền cước phí thì họ mới gửi hàng đi.”
Số tiền chị J.N phải nộp ngay trong ngày 13 Tháng 11 là 19 triệu, vào tài khoản của một người tên Lê Tấn Đạt ở ngân hàng ACB Hà Nội.
Tin vào lời nói của “nhân viên Tân Sơn Nhất” rằng “nộp tiền là hàng gửi đi liền,” nhưng chờ qua ngày hôm sau cũng không nghe thấy tin tức gì, chị J.N chưa kịp sốt ruột thì “nhân viên Tân Sơn Nhất” lại gọi đến báo tin “công an kiểm tra hàng thấy có rất nhiều tiền đô bên trong nên họ phạt thêm 90 triệu.”
“Tôi đâu có tiền để nộp như vậy, ngày hôm trước có được 19 triệu để dành đóng tiền bệnh viện cho con, đã mang đi đóng cước phí, giờ tiền đâu mà đóng tiếp. Tôi năn nỉ nhờ cô ấy giúp,” chị J.N tiếp tục kể.
Đồng thời lúc đó, ông Oliver lại nhắn tin cho chị J.N, đại loại “nếu không nộp thì họ sẽ điều tra địa chỉ và số điện thoại của tôi và công an sẽ bắt tôi. Tôi nghe vậy sợ quá, sợ không có người chăm nom con, mà bệnh viện thì lại cách xa nhà. Ông ta bảo cứ vay mượn của anh chị em, bạn bè, rồi khi nhận được thùng hàng, lấy tiền trong đó trả nợ.”
“Như người bị thôi miên, tâm lý vừa lo vừa sợ, nhưng tôi vẫn đi vay 90 triệu đồng để gửi tiếp, cũng vào tài khoản của Lê Tấn Đạt ở ngân hàng ACB Hà Nội hôm 14 Tháng 11,” chị J.N tiếp tục.
Trước khi gửi, chị J.N cũng “cẩn thận” hỏi “cô nhân viên Tân Sơn Nhất” và được trả lời là nộp tiền xong thì thùng hàng sẽ gửi đi liền.
Nhưng rồi chị lại cứ chờ trong sự lo lắng, thùng quà không thấy đâu, chỉ thấy “nhân viên Tân Sơn Nhất” tiếp tục gọi cho chị, rằng “tiền trong thùng nhiều quá, phải đóng thêm 70 triệu nữa.”
Một trong những tin nhắn được “Google dịch” của nickname Oliver Johnny gửi cho chị J.N (Hình: J.N cung cấp)
Chị chưa biết xoay sở thế nào thì ông bạn Oliver Johnny của chị cũng liên tục gửi tin nhắn, thúc hối chị “Bây giờ bạn đang ở đâu? bạn đã mượn tiền chưa? Bạn có thể gửi đến công tay sáng mai.”
Không chỉ vậy, ông ta còn tỏ ra lo lắng về số tiền rất lớn của mình. Ông ta gửi tin cho chị J.N “Tôi rất lo lắng và tức giận. Tôi không có niềm vui hay sự yên tâm một lần nữa. Kể từ khi tôi gửi tiền cho bạn của tôi $1.5 triệu đô la Mỹ, tôi không có hạnh phúc một lần nữa, tôi nghĩ nhiều và rất buồn. Tôi không ngủ và bệnh rất nặng.” Như con thiêu thân lỡ phóng lao thì theo lao, chị lại đóng tiền thêm 10 triệu vào ngày 22 Tháng 11, và 50 triệu vào ngày 27 Tháng 11, cũng cùng lên người nhận là Lê Tấn Đạt, chi nhánh ngân hàng ACB Hà Nội.
“Mỗi lần nộp tiền là ông ta đều nói tôi chụp hình phiếu chuyển tiền gửi ông ta xem,” chị cho biết.
Không chỉ vậy, ông ta còn nói khi nào nhận được thùng hàng nhớ chụp hình gửi cho ông ta luôn.
Theo lời chị J.N, trong thời gian này, chị có thấy nhiều cuộc gọi nhỡ của Oliver Johnny qua Facebook, nhưng máy chị không nghe được.
“Chỉ duy nhất một lần ông ta gọi qua video call, cũng bằng Facebook, thì tôi có nhìn thấy mặt ông ta, chính là gương mặt đại diện trên Facebook. Nhưng ông ta chỉ nói một vài câu bằng tiếng Anh, rồi sau đó nhắn tin cho biết đang lái xe,” chị J.N nhớ lại.
Tiền gửi đi, mãi vẫn không thấy hàng họ đâu, chị J.N nhắn tin than thở, ông Oliver cũng tỏ vẻ lo lắng, tức giận, vì cho rằng trong thùng đó có đến 1.5 triệu đô la của ông ta.
“Khi tôi nhắn cho ông ta hỏi có phải ông ta lừa tôi không, ông ta bảo không bao giờ lừa ai, chỉ vì thương hoàn cảnh của tôi nên mới gửi tiền lo cho con, số tiền còn lại thì tôi giữ đó khi nào ông ta sang Việt Nam sẽ lấy để mua đất mở công ty,” chị cho biết.
Thùng hàng chưa thấy, nhân viên Tân Sơn Nhất lại gọi báo cho chị biết số tiền bên trong thùng lên đến 1.5 triệu đô la nên chị phải đóng 2 tỉ đồng Việt Nam (khoảng hơn $90,000) thì mới lấy được thùng tiền ra. Chị nói không có tiền, chị không thể vay mượn thêm nữa thì ông Oliver Johnny nói để ông ta sẽ đích thân về Việt Nam lấy, chị không cần đóng nữa.
Chị J.N kể tiếp, “Ông ta nói sẽ thuê luật sư cùng về Việt Nam kiện để lấy lại thùng hàng trả tiền cho tôi, đưa tôi $100,000. Tuy nhiên, tôi phải mua vé máy bay cho ông ta, vì toàn bộ tiền của ông đã nằm hết trong thùng hàng kia rồi.”
Khi nghe nói chị không còn tiền nữa, ông ta lại thuyết phục “Honey bạn có thể trở lại nơi bạn đã mượn tiền hôm qua để hỏi mượn thêm lần nữa. Tôi có thể mượn mẹ tôi $3,000. Bạn hãy đi mượn $4,000.”
Sau đó, ông ta lại nói ông đã kiếm được $3,500, giờ chị chỉ cần gửi thêm $800 nữa là đủ chi phí để ông về lấy lại số tiền đã gửi. Dĩ nhiên là chị J.N đã không thực hiện lời đề nghị này vì “tôi không còn vay mượn được nữa.”
Một trong những tin nhắn của người tên Oliver Johnny gửi thuyết phục chị J.N đi mượn tiền. (Hình: J.N cung cấp)
Mất trắng
Những ngày sau đó, ông và chị J.N vẫn nhắn tin qua lại, người nào cũng bày tỏ sự lo lắng về số tiền mình bị mất. Tuy nhiên, đến khi chị J.N nói với ông ta rằng chị cảm thấy chị đã bị lừa, chị sẽ cố gắng nhờ cảnh sát Mỹ hoặc báo công an tìm ra những kẻ chuyên lừa đảo để bắt họ ngồi tù và bồi thường cho chị thì ông ta chặn luôn Facebook của chị, không liên lạc được nữa. Đó là ngày Chủ Nhật đầu Tháng 12.
Chị J.N cũng nhiều lần thử gọi lại vào ba số máy mà “nhân viên Tân Sơn Nhất” đã gọi cũng không liên lạc được.
Theo số điện thoại của người tên Oliver Johnny từng gửi cho chị J.N, phóng viên Người Việt thử tìm trên Google thì ra một nơi cho thuê nhà kho chứa hàng. Tuy nhiên, khi gọi vào số đó, một người đàn ông đã nhấc phone “alo.” Khi Người Việt hỏi “Tôi muốn nói chuyện với Oliver Johnny thì người đàn ông kia ậm ừ ậm ừ rồi tắt máy.”
Với ba số điện thoại của “nhân viên Tân Sơn Nhất,” khi chúng tôi gọi đến thì số 01658448960 đã khóa máy, hai số còn lại 01626922089 và 841628990381 có tiếng chuông nhưng không có người trả lời.
Với người nhận tiền chuyển khoản tên Lê Tấn Đạt, qua tìm hiểu, đó là một người đàn ông sanh năm 1983, hiện đang có địa chỉ trú ngụ tại Hóc Môn, Sài Gòn.
Chị J.N thật sự tin rằng mình đã bị lừa, và như chị nói “tôi sợ nhưng tôi sẽ đi báo công an.”
Tình tiết câu chuyện của chị J.N rất giống với vụ án mà báo Tuổi Trẻ từng nêu lên cách đây hơn một năm, trong đó kẻ chủ mưu là một người Nigieria, dùng Facebook giả làm doanh nhân thành đạt để làm quen với hàng trăm phụ nữ Việt Nam, sau đó lừa đảo trên 20 tỉ đồng. Cùng tham gia lừa đảo với tên này là một nhóm những phụ nữ Việt Nam sống tại Sài Gòn.
Những người theo dõi câu chuyện này, ngay từ đầu chắc cũng thốt lên “Bị lừa rồi!” Vâng, biết rồi, nhưng vẫn có người đã “cắn câu” một cách dễ dàng. Và sẽ còn nhiều người nữa sa bẫy của kẻ bất lương nếu như chúng ta không nhắc nhở, cảnh giác cho nhau về những chiêu trò tương tự.
Ngọc Lan
Ngưoi-viet