Xưa nay người ta thường nói làm dâu khó, không ai nói làm mẹ chồng khó. Những nghề được ví như "làm dâu trăm họ" vì phải vừa lòng hết thảy già trẻ gái trai, như kiểu nghề khách sạn, nghề taxi, bán hàng...
Thời đại truyền thông, một blogger nổi tiếng có người khen kẻ chê, không biết thế nào cho phải, báo chí cũng viết là: Blogger nổi tiếng - làm dâu trăm họ! Câu cửa miệng ấy bắt nguồn từ phận làm dâu, không phải những cô dâu thời nay mà từ số phận của hàng thế hệ cô dâu thời phong kiến. Làm dâu khổ sở trăm bề, hầu chồng, hầu mẹ chồng, anh chị em chồng, hầu nhà chồng từ ông bác, ông cụ, bà cố... Nhất nhất theo nếp nhà chồng, vừa lòng nhà chồng là khó; không được sống cho mình, không ai vì mình, thiếu thốn, thiệt thòi cả vật chất lẫn tinh thần, là khổ. Cho nên kho tàng ca dao dân ca của nước nhà mới có hàng trăm câu xót xa về thân phận và tâm trạng người phụ nữ làm dâu. Người Mông có một trường ca được xếp vào loại các di sản bất hủ là Tiếng hát làm dâu. Còn các bài ca về cô gái làm dâu do Quang Linh, Minh Vương ca thì không biết đã lấy bao nhiêu nước mắt của người đời.
Trong nhà chồng, đối tượng các cô dâu sợ nhất là bà mẹ chồng: bà mẹ xét nét, bắt ne bắt nạt con dâu, cô con dâu có hết lòng hết sức thế nào cũng không thể bằng lòng bà mẹ chồng. Cô dâu muốn yêu chồng mình, bà mẹ cũng lườm nguýt. Nên trong văn học nghệ thuật, chân dung bà mẹ chồng nói chung là xấu, đối lập với cô dâu yếu thế, đáng thương.
Xã hội Việt Nam trong mấy chục năm qua đã có những thay đổi sâu sắc, mô hình gia đình nhiều thế hệ không còn nhiều. Mô hình gia đình phổ biến ở các đô thị ngày nay là cha mẹ một nhà, con lấy vợ lấy chồng ra ở riêng, thậm chí con còn độc thân cũng thuê nhà (hay mua nhà) ở riêng. Tự do cá nhân được tạo điều kiện ở mức cao nhất có thể. Thế nên mặc dù trên các trang báo hay website mục dành cho bạn trẻ có hướng dẫn, tư vấn cho cô dâu thời @, nhưng xem ra cảnh cô con dâu xung khắc hay chịu đựng bà mẹ chồng dưới một mái nhà đang là cảnh hiếm. Trong các gia đình hiện đại, vật chất ngày càng sung túc, xem ra tình thế đang ở chiều ngược lại: bà mẹ chồng lúng túng xoay xở không biết thế nào để cô con dâu hiểu được thiện ý của mình.
Mẹ chồng ngày nay là ai? Là viên chức nhà nước, là cử nhân, tiến sĩ, có trình độ bằng cấp... vừa về hưu hay còn đang đi làm, nhiều người là thương gia, chủ doanh nghiệp..., có địa vị xã hội cao. Trong gia đình, họ chấp nhận cô dâu không do họ chọn, chấp nhận đời sống của các cặp đôi hay các cá thể con không thích chung nhà phụ thuộc bố mẹ. Các bà tân tiến, biết làm việc và biết hưởng thụ. Các bà là hình mẫu khác hẳn bà mẹ chồng trong quá khứ. Lắm khi không vừa lòng cô con dâu, nhưng thôi thế tất, các giá trị xã hội có mẫu số chung, các giá trị gia đình cũng thế, nhưng tính cách con người thì vô vàn, không thể bắt ai giống mình được. Nếu con dâu ở cùng, bà là người thu xếp, nấu nướng, bận gì thì bận, tuần cũng cố làm vài bữa ngon cho gia đình, nhưng cô dâu đã không giúp mẹ, mẹ nấu ra còn không muốn ăn. Hàng quán thì ngoài kia ê hề, bạn bè vui, một cuộc gọi vợ chồng trẻ ríu rít ra đi, để lại bà mẹ với mâm cơm. Con cái ra ở riêng, bố chồng mẹ chồng xác định mai sau già cả đi trại dưỡng lão, ở đó đông vui bạn bè, vật chất tinh thần đều tốt, có người phục vụ lo chu toàn từ A đến Z. Xã hội hiện đại phương Tây đều thế, người ta thế, Việt Nam bây giờ đã tiếp cận lối sống ấy. Có người khuyên, già rồi sống với con cháu chứ! Bà mẹ chồng gạt đi, già không giúp gì được, phiền hà con cái. Thâm tâm bà ngại nhất cô con dâu. Không máu mủ ruột rà, mẹ chồng chiều hết cách còn chẳng mặn mà gì, sau này chân chậm mắt mờ, sống chung thì sao? Mỗi năm hai ngày giỗ ông bà, thêm hai bữa sinh nhật bố mẹ, đó là những cơ hội sum họp hiếm hoi nhưng gọi điện thoại nhắc con dâu mới nhớ, nhớ rồi chạy ngay ngoài sàn chứng khoán, có khi không về ăn chung. Việc nhà chồng như việc của ai. Cuối tuần, nghỉ hè, nghỉ phép tranh thủ đi du lịch hưởng thụ cuộc sống. Đi một chuyến xa, mua về cho mẹ chồng món quà, coi như xong nghĩa vụ, biết đâu bà mẹ chồng đau đáu mong một ngày quây quần con cháu.
Có bà mẹ chồng suốt tuần lo đi làm, công việc hẹn hò dồn hết vào sáu ngày trong tuần, có rảnh ra ngày Chủ nhật chơi với cháu. Chủ nhật lật đật bắt taxi, đến nhà con thấy nhà và người giúp việc, mẹ chúng nó (tức con dâu) dẫn cả nhà đi Thái Lan từ chiều qua rồi. Bà mẹ chồng tần ngần bắt taxi về. Tự nhủ, thôi kệ, việc mẹ mẹ làm, việc con con làm. Nhưng mà trong lòng ba có cái gì đó đang rỗng ra, buồn thế!
Theo Doanh nhân cuối tuần.