Máy vặt lạc, uốn cắt sắt, máy rửa bát... đều là sản phẩm của Nguyễn Văn Ngọc, sinh năm 1981. Người dân xã Tự Tân (Vũ Thư, Thái Bình) gọi anh là Ngọc Niu-tơn.
Xưởng cơ khí cũng là nhà của Ngọc nằm ngay đầu thôn Phú Lễ thượng, xã Tự Tân, cách quốc lộ 10 hơn 2 km. Lúc chúng tôi đến, Ngọc đang ngồi suy tư giữa đống máy móc, sắt thép ngổn ngang trên nền đất. Tay lấm lem dầu mỡ và bụi sắt, trán vã mồ hôi mặc dù trời lạnh. “Nó hí hoáy suốt từ trưa đến giờ, quên cả ăn”, bố của Ngọc cho biết.
Ngọc đang lắp máy uốn cắt sắt xây dựng. Đây là cái cuối cùng trong hợp đồng 10 chiếc ký với khách hàng ở Đà Nẵng mà anh phải giao vào đầu tháng 12.
Nhìn Ngọc say mê hoàn thành chiếc máy do chính mình làm ra, không ai ngờ, trước đây anh suýt trở thành dược sĩ. Bố Ngọc là thợ sửa chữa ô tô, sau mở tiệm sửa xe máy ngay tại nhà. Lớn lên giữa máy móc và động cơ khiến niềm đam mê cơ khí ngấm vào Ngọc lúc nào không hay.
Năm 1999, khi tốt nghiệp THPT, Ngọc chọn học ngành dược. Học được 3 tháng, anh bỏ ngang đi làm công nhân Cty Điện cơ 91 (Từ Liêm, Hà Nội) vì thấy công việc liên quan máy móc mới đúng sở thích của mình. Sau một năm làm việc tại Cty Điện cơ 91, Ngọc được cử đi học khoa Chế tạo máy Trường Trung học Công nghiệp Quốc phòng (Phú Thọ). Tốt nghiệp, Ngọc mất hơn 3 năm lăn lộn tại những xưởng cơ khí ở miền Bắc để làm thuê nhằm tích lũy kinh nghiệm, để về quê mở xưởng.
Ý tưởng chế tạo chiếc máy đầu tiên đến với Ngọc vào mùa hè 2005 khi anh về quê phụ giúp gia đình thu hoạch lạc. Nhà Ngọc có 1,4 sào lạc, với 5 lao động, nhưng mất hơn hai ngày mới vặt xong. Tốn công sức, Ngọc nảy ý định chế tạo máy vặt lạc. “Tuy nhiên, phải gần một năm sau tôi mới bắt tay vào chế tạo, do mùa lạc năm 2005 đã thu hoạch hết, không có lạc để thử nghiệm máy”, Ngọc kể. Chiếc máy thành hình, chạy tốt và 1,4 sào lạc chỉ mất một buổi chiều là vặt xong.
Trong mùa lạc ấy, nhiều hộ dân trong xã Tự Tân và các xã lân cận mượn máy vặt lạc của anh về làm. Ai cũng ngạc nhiên vì máy trông đơn sơ chạy bằng động cơ tận dụng từ máy bơm nước cũ, lại có thể vặt được lạc. “Lúc ấy, tôi chưa nghĩ đến chuyện đăng ký bản quyền cho sáng tạo đầu tiên của mình, vì chỉ làm theo đam mê”, Ngọc nói.
Thành công với sáng tạo đầu tiên, Ngọc say mê hơn với máy móc và liên tục cho ra đời máy rửa bát, máy uốn cắt sắt. Ngay cả dụng cụ tập thể dục Ngọc cũng chế thành máy. Nó được kê ở đầu hồi nhà, nom giống chiếc ghế dài, có hệ thống trụ sắt, ròng rọc… được Ngọc tận dụng từ sắt thép thừa. “Ba mươi tuổi rồi mà nó chẳng chịu yêu đương gì, chỉ suốt ngày cắm đầu vào máy móc”, bố Ngọc nói.
Ngọc và máy rửa bát |
Ước mơ doanh nghiệp
Ý tưởng thiết kế máy rửa bát bắt nguồn từ việc chị gái lấy chồng sớm, Ngọc thường phụ mẹ rửa bát. Đầu năm 2009, cả gia đình lo lắng vì cậu gầy rộc, quên ăn quên ngủ với kế hoạch chế tạo máy rửa bát. Có đêm Ngọc ngủ gục trên giường, tay thì ôm bảng điện tử, dây điện, bản vẽ. “Chế tạo chiếc máy khá khó, tôi phải mất bốn tháng mới hoàn thành. Có những lúc hết nhẵn tiền, phải bán máy vi tính cũ để mua linh kiện, thiết bị”, Ngọc kể.
Trên thị trường đã có máy rửa bát do nước ngoài sản xuất, nhưng máy của Ngọc có thế mạnh riêng. Máy của nước ngoài phải sử dụng cùng lúc ba loại chất rửa (muối, chất làm bóng, dầu rửa bát), trong khi máy do Ngọc chế tạo chỉ cần dùng nước rửa bát bình thường.
Ngoài ra, máy rửa bát của Ngọc tiết kiệm điện, nước và đa năng hơn khi có thể rửa được cả xoong, nồi, mâm…, trong khi máy của nước ngoài chỉ rửa được đĩa, bát. Máy rửa bát của Ngọc có giá bán khoảng 5-6 triệu đồng, trong khi máy do nước ngoài chế tạo đắt gấp 4 lần.
Máy rửa bát do Ngọc sáng tạo trông giống tủ lạnh, nhưng trong có các giá để bát. Chỉ cần để bát, đĩa bẩn lên giá, đóng cửa máy lại, sau đó bấm nút đợi 30 phút là toàn bộ bát đĩa sẽ được rửa sạch. “Chiếc máy này rửa được số lượng bát đĩa cho 12 người ăn. Bát đĩa sẽ được rửa bằng nước nóng, sau đó sấy khô. Mỗi lần rửa, máy tiêu thụ khoảng 0,6 KWh điện và 30 lít nước”, Ngọc giới thiệu. Anh cho biết đang cải tạo chiếc máy để cho nó nhỏ gọn hơn, mẫu mã đẹp hơn, đồng thời tách bộ phận rửa nước nóng và sấy khô riêng ra để người sử dụng có thể chủ động tiết kiệm điện năng.
Sau khi Ngọc được vinh danh tại cuộc thi sáng tạo của tỉnh, nhiều cá nhân, đơn vị liên lạc với anh để đặt mua máy, thậm chí mua cả công nghệ chế tạo máy. “Tuy nhiên, sau chiếc máy rửa bát đầu tiên, tôi chỉ chế tạo thêm 3 chiếc nữa để bán cho người quen tại Thái Bình, Phú Thọ và Hải Phòng”, Ngọc nói.
Anh đang trăn trở để mở xưởng sản xuất lớn hơn, trở thành một doanh nghiệp thực sự, nhưng vẫn bế tắc vì thiếu vốn. “Tôi đang cải tiến máy rửa bát để bất cứ hộ gia đình nào tại Việt Nam cũng có thể sử dụng. Tôi cũng tích cực tìm kiếm đối tác đầu tư để có thể sản xuất và bán sản phẩm này ra thị trường với số lượng lớn”, Ngọc nói.
Theo Tiền Phong.