Mở ra khát vọng học tập, làm giàuKhát vọng làm giàu, đi đầu trong xã hội học tập và tình nguyện vì cộng đồng là những nội dung mà tuổi trẻ miền Đông, miền Tây Nam bộ bày tỏ tại các diễn đàn được tổ chức ở TP.HCM chiều 23-4.

Đây là một trong những hoạt động của hơn 240 đại biểu trên hành trình tham dự đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTNVN lần VI.

Nhất ý chí, nhì vốn

Tại diễn đàn “Thanh niên làm kinh tế giỏi” được tổ chức tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, rất nhiều ý kiến cho rằng Đoàn - Hội cần khơi gợi khát vọng làm giàu, ý chí vươn lên thoát nghèo của bạn trẻ.

Anh Lê Văn Hảo (Ngân hàng Chính sách xã hội quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho rằng: để thanh niên vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi, bản thân người thanh niên ấy phải có ý thức, khát vọng vươn lên thoát nghèo. Còn chính sách hỗ trợ của Đoàn - Hội chỉ là phần tiếp sức, và “trước hết thanh niên phải nghĩ khác, làm khác, điều đó mới giúp thay đổi bản thân và xã hội”.

Đồng tình với Hảo, bạn Nguyễn Thị Thúy Phượng, chủ tịch Hội LHTN tỉnh Bến Tre, bày tỏ: “Đoàn - Hội phải khơi gợi ý tưởng sáng tạo cho các bạn trẻ. Còn vốn hỗ trợ thanh niên làm kinh tế cũng cần thiết nhưng chưa phải là quan trọng nhất, mà ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu trong bạn trẻ mới cần thiết”.

Anh Nguyễn Văn Thuận - phó chủ tịch Hội LHTN tỉnh Đồng Tháp - chia sẻ: “Đặc thù của tỉnh chúng tôi chuyên về nông nghiệp. Chúng tôi mạnh dạn tham mưu hình thành những mô hình tổ kinh tế đa dịch vụ phục vụ nông thôn. Lâu nay chúng ta tham gia làm kinh tế với quy mô nhỏ lẻ, từ khi chúng tôi xây dựng mô hình kinh tế hợp tác đa dịch vụ mở rộng quy mô làm ăn, thu nhập bình quân của mỗi thành viên 3-4 triệu đồng/tháng”.

Tình nguyện cần thực chất hơn

Tại diễn đàn “Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng”, nhiều đại biểu đưa ra trăn trở làm sao cho hoạt động tình nguyện ngày càng thực chất hơn, tránh căn bệnh thành tích. Lê Trung Hải, chủ nhiệm CLB Những ước mơ xanh, bày tỏ: các hoạt động tình nguyện cần đến đúng đối tượng để đảm bảo được ý nghĩa thật sự của công việc tốt đẹp này. Muốn vậy việc khảo sát phải được thực hiện kỹ lưỡng.

Bạn Nguyễn Hữu Trí (Đồng Nai) băn khoăn với việc có một số CLB đội nhóm ra đời, nhưng không có những đóng góp gì thật sự cho địa phương bởi nội dung và định hướng hoạt động chưa rõ ràng. Có người chủ nhiệm CLB này lại kiêm luôn chủ nhiệm ở CLB khác, mà công việc tại mỗi nơi cũng không cho hiệu quả đâu vào đâu. Theo Trí, phải khắc phục tình trạng này.

Nhiều ý kiến khác đưa ra những giải pháp giúp tăng hiệu quả của hoạt động tình nguyện địa phương mình. “Chúng tôi đi vận động các ban ngành và nhiều doanh nghiệp ở địa phương hỗ trợ kinh phí để làm tình nguyện. Hiện nay chúng tôi được một tổ chức phi chính phủ của Đức tài trợ kinh phí để thực hiện một số chương trình giúp đỡ cộng đồng. Nhiều chiếc cầu được xây lên ở các vùng khó khăn cũng từ việc chủ động đi vận động kinh phí mà có” - một đại biểu tỉnh Sóc Trăng cho biết.

Học không chỉ ở trường

Tại diễn đàn “Thanh niên đi đầu trong xã hội học tập” ở ĐH Luật TP.HCM, việc hỗ trợ tài chính cho thanh niên học tập được đặt ra bằng câu hỏi “phải chăng chỉ cần hỗ trợ vật chất sẽ đạt được mục tiêu thanh niên đi đầu trong xã hội học tập?”, và câu trả lời rằng “không phải”. Đó phải là một quá trình liên tục của cuộc đời mà ở đó học tập không chỉ diễn ra ở trường học.

Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương Võ Văn Minh đề xuất tập trung ba việc. Thứ nhất, truyền thông nâng cao nhận thức về việc học tập trong thanh niên, trong đó từng cán bộ Đoàn, Hội phải đi đầu trong việc học tập, làm gương trước. Thứ hai, tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên: hỗ trợ học bổng, lập quỹ khuyến học. Thứ ba, phát huy vai trò xung kích của chính thanh niên trong việc hỗ trợ thanh niên học tập. Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) nêu vấn đề: “Mỗi cán bộ Hội nên giúp thanh niên trả lời được câu hỏi học để làm gì”.

Đại biểu Đặng Tất Dũng (TP.HCM) trăn trở: “Bên cạnh phổ cập kiến thức cơ bản cũng cần quan tâm phổ biến những kiến thức, kinh nghiệm cao hơn. Cần có những vườn ươm tập hợp những công trình, đề tài nghiên cứu, luận văn tốt nghiệp và chuyển giao cho người dân triển khai”. Đại biểu Trần Văn Sang (Đồng Tháp) đề nghị Hội LHTN VN suy nghĩ tạo cơ chế giúp thanh niên các tỉnh còn khó khăn nghiên cứu khoa học.

Theo Tuổi Trẻ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC