Người phụ nữ ấy chấp nhận về làm lẽ anh thương binh đau ốm khi anh đã có 5 người con riêng.
Chồng khuất bóng hai mươi năm có lẻ, chị lại quần quật làm lụng, tất tả vay mượn ngược xuôi lo cho các con chồng bị chất độc màu da cam... Ấy vậy mà, nỗi lo lớn nhất của chị bây giờ là, sau khi chị mất đi, không còn ai có thể chăm sóc con chồng...
Nỗi buồn của người vợ lẽ
Chị là Hà Thị Đông (Song Mai, TP Bắc Giang), sinh năm 1957. Chị bảo, con gái tuổi ấy đủ đường vất vả, truân chuyên, cái kiếp lận đận như duyên nợ cứ vận vào chị mãi không thôi.
Chị là con đầu lòng trong gia đình nghèo có 6 anh chị em ở Liên Trung, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Từ nhỏ vì hoàn cảnh mà chị không được ăn học nhiều, chỉ có học hết lớp 1 rồi thôi. Khi các em yên ấm, hạnh phúc với mái ấm riêng thì chị đã sang tuổi muộn màng.
Duyên số cho chị gặp anh Phạm Văn Thức, sinh năm 1946, là thương binh nặng, vợ mất vì bệnh tật. Thương cảnh gà trống nuôi con, thương anh thương binh đau ốm triền miên và nghĩ mình cũng đã muộn tuổi, chị chấp nhận về làm vợ anh trong một đám hỏi hết sức giản dị vào đầu năm 1983.
Lấy chồng xa nhà, chị quanh năm quần quật với vài sào ruộng, con trâu để cùng chồng nuôi năm đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Có chồng, nhưng sức khỏe của anh mỗi ngày một yếu, những năm tháng lăn lộn ngoài chiến trường, sức ép của bom đạn, của chất độc màu da cam đã khiến anh không thể vẹn nguyên, nên dù thương vợ cũng chẳng thể giúp được gì.
Vậy là chị một mình gánh vác, lo toan, tất tả vay mượn ngược xuôi để lo thuốc thang cho chồng và lo dựng vợ gả chồng cho các con chồng.
Anh Phạm Văn Thức từng có huân, huy chương kháng chiến, tuy nhiên khi về nghỉ chế độ, gia đình chưa từng nhận được chính sách đãi ngộ nào. Cuộc sống vốn đã vất vả, lại đông con, nên gia cảnh nghèo lại thêm khó. Chị kể, hoàn cảnh gia đình những năm ấy nghèo lắm, nhà tường đất siêu vẹo, tài sản lớn nhất của vợ chồng chị là chiếc xe đạp cũ.
Vợ đầu của anh Thức mất khi các con vẫn còn nhỏ. Tiếng là được 5 người con, nhưng chỉ có 3 người vẹn nguyên, lành lặn. Anh con trai cả bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Nhưng nặng hơn cả là cô con gái thứ tư, Phạm Thị Bốn. Sinh năm 1970, năm nay đã sang tuổi tứ tuần mà Bốn vẫn ngây ngô như đứa trẻ lên ba. Cả nhà phải làm cái cũi để nhốt Bốn lại, tránh khi cơn điên loạn nổi lên cô lại đập phá, đánh tất cả mọi người.
Dù chưa khi nào than thân, trách phận mình hẩm hiu, lận đận nhưng nhiều khi chị thấy dường như mọi khó khăn, vất vả như dồn tụ cả vào mình. Cái sức vóc bé nhỏ của chị tưởng chừng như muốn gục ngã khi những ngày chồng ốm, con ốm, một mình chị gánh vác lo toan. Nhà chỉ có vài sào ruộng, có khéo làm thì mới đủ ăn chứ đừng nói đến trông chờ vào đó mà thu nhập thêm.
Nhưng rồi lòng can đảm và đức hy sinh đã giúp chị vượt qua tất cả...Vẫn hàng ngày tận tâm lo cơm nước cho chồng và chăm sóc cô con gái bị chất độc màu da cam không một lời kêu ca, oán thán.
Chị kể: “Lúc thiếu thốn thì vay chỗ này, mượn chỗ kia. Khi qua cơn hoạn nạn, mình gắng sức đi làm thuê rồi trả nợ dần, kéo đi kéo lại rồi cuộc sống cũng qua...”.
Những năm 2000, bệnh cũ của chồng chị tái phát và có dấu hiệu ngày càng nặng hơn, bệnh tật trong người anh lại hoành hành dữ dội. Một tay chị vừa làm ruộng vườn, vừa lo thuốc thang cho chồng. Khổ nhất là những lúc trái gió trở trời, vết thương cũ của anh Thức lại tái phát. Căn nhà dột nát bao năm không sắm sửa được gì giờ lại tan hoang, tiêu điều vì đồ đạc cứ đội nón ra đi.
Những ngày anh nằm tại Bệnh viện Bắc Giang, chị tất tả đi đi về về, vừa lo thuốc thang, tiền chạy chữa cho chồng lại phải chăm lo cái ăn, cái uống, lo sinh hoạt cho cô con gái bị chất độc da cam.
Năm 2004, không qua được bạo bệnh, anh qua đời để lại cho người vợ lẽ một căn nhà xiêu vẹo cùng đứa con gái tật nguyền. Các con lớn đã lập gia đình, chị lại một mình lẻ bóng sống với cô con chồng Phạm Thị Bốn. Và từ đó đến nay, chị vẫn tần tảo chăm nuôi Bốn bằng tất cả sự thương yêu, không một lời kêu ca, phàn nàn.
Chị Đông bảo: “Mình làm lẽ, nhiều khi có những tủi hổ mà không biết chia sẻ cùng ai. Sợ nhất là hàng xóm láng giềng điều ra tiếng vào, lời ong tiếng ve cho rằng mẹ ghẻ ghét con chồng. Số phận hẩm hiu đã chẳng cho tôi một mụn con để an ủi những lúc khó khăn, thì bằng tất cả cái tâm của mình, tôi dồn mọi yêu thương cho các con riêng của chồng”.
Bánh đúc có xương (?)
Lẽ thường, mối ràng buộc mẹ kế với con chồng chính là người chồng, và khi chồng mất đi mối ràng buộc ấy cũng mất dần, nhưng với chị Đông có lẽ không như thế.
Từ khung cửa sổ ọp ẹp, cô gái ngẩn ngơ ấy vẫn chờ mẹ về như những đứa trẻ đợi quà. |
Trước khi mất, anh Thức nắm tay chị, nghẹn ngào nói những lời cuối “Đời con Bốn trăm sự nhờ vào bà!”.
Những lời nghĩa tình đó đã thêm một lần nữa khiến chị đắm đuối với cô con chồng tật nguyền. Phạm Thị Bốn từ khi sinh ra cho đến nay chị luôn ở bất động một chỗ cười cười nói nói ngẩn ngơ cả ngày. Khi thấy người lạ vào là lại gào lên, rồi có khi lại cười ềnh ệch. Hằng ngày sau việc đồng áng, mọi việc từ ăn uống, tắm giặt, vệ sinh… của Bốn đều do một tay chị chăm lo, chu toàn.
Bình thường, khi Bốn khỏe mạnh là những ngày tháng hạnh phúc của hai mẹ con, nhưng vào những ngày trái gió, trở trời, cơn điên loạn của Bốn nổi lên. Bốn lại đập phá, gào thét… Nhiều lần trong đêm khuya, chị Đông phải một mình vừa xoa bóp, vừa dỗ dành, giữ cho Bốn qua cơn điên loạn. Nhìn con chồng quằn quại, chị đau thắt ruột gan như chính mình là người đã sinh ra Bốn.
Chị kể: “Có hôm nằm trên giường, nghĩ thương con mà nước mắt cứ chảy ra, lo sau này mình mất đi, lấy ai mà chăm nom, săn sóc nó. Để nó ở một mình thì tội lắm!”.
Cứ thế, bao năm nay hai mẹ con vẫn nương tựa vào nhau để sống, không một đồng trợ cấp. Mãi đến năm 2008, 2 mẹ con chị mới nhận được 600 nghìn hỗ trợ để thêm vào tiền thuốc thang.
Hàng ngày, khi chị Đông đi làm đồng, từ khung cửa sổ ọp ẹp, cô gái ngẩn ngơ ấy vẫn chờ mẹ về như những đứa trẻ đợi quà. Những ngày có việc cả ngày ở làng bên, chị đều phải nhờ hàng xóm, anh em trong làng nấu giúp cho Bốn bát cơm. Những hôm tối muộn chị chưa về, Bốn lại khóc, không chịu ăn cứ đòi chờ mẹ Đông về mới ngủ. Chị nói: “Có những lần tôi ốm nằm không dậy được, nó khóc. Dù ngẩn ngơ như thế nhưng nó cũng biết thương tôi lắm”.
Thế rồi khó khăn lại chất chồng khi chị Đông phát hiện mình bị bệnh gan được mấy năm nay. Tiền chi tiêu eo hẹp của hai mẹ con lại phải dành thêm một phần không nhỏ để thuốc thang.
Bốn người con còn lại của chồng trước đã lập gia đình đều làm ruộng, hoàn cảnh cũng khó khăn nên không ai đỡ đần gì được cho hai mẹ con chị Đông. Người gần gũi nhất với Bốn chỉ còn lại là mẹ kế. Bởi vậy, Bốn xem chị Đông như mẹ ruột của mình và hầu như chỉ nghe lời chị.
Anh Phạm Văn Thước, con trai cả của chồng chị Đông tâm sự: “Dù không phải dứt ruột đẻ ra nhưng mọi sinh hoạt của em Bốn nhà tôi đều do mẹ Đông lo, bao nhiêu năm sống chưa bao giờ bà một lần bất hòa với người con nào của chồng”.
Tận tụy với con chồng như vậy, nhưng chị vẫn đau đớn khi còn chưa là tròn bổn phận mà người chồng quá cố dặn lại. Năm ngoái, khi chị đi làm đồng xa, có kẻ xấu đã lẻn vào nhà hãm hại Bốn. Khi cái thai lớn, chị lại phải chật vật lo cho cô sinh nở. Nỗi cơ cực và giọt nước mắt của hai người phụ nữ bé nhỏ ấy đã phải giấu vào trong để tiếp tục sống.
Ngôi nhà tre nứa dột nát nay đã được sửa sang lại, hằng ngày Bốn vẫn ngẩn ngơ bên cửa sổ để ngóng chờ mẹ về. Chị Đông sau những ngày làm trên đồng lại tất tả với bữa cơm, chén thuốc cho con...
Theo VNN.