Có những khách đến quán chửi để... vui, được vừa ăn vừa xem "biểu diễn". Có ông chủ bộc bạch: “Khách quen bị chửi rồi, giờ đổi ra tử tế có khi lại phá sản”.
Bán hàng chửi
Người Hà Nội vẫn thường hay nhắc đến chuyện bún mắng, cháo chửi để nói về một kiểu bán hàng kỳ lạ có một không hai này trên thế giới. Quán bún canh dọc mùng nổi tiếng ngon với món lưỡi, sườn, giò heo chấm xì dầu, cạnh chợ Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) ít khi ngớt tiếng léo nhéo chua loét của bà chủ ngoài 50. Mỗi câu hỏi của khách là một cơ hội cho bà... "xả giận".
Khách mới dừng xe trước quán hỏi: "Chị ơi, để xe ở đâu?". Bà đốp ngay vào mặt: "Để lên nóc nhà này này!". Một thực khách gọi rau sống đến lần thứ 3, bị bà chồm qua bàn bán hàng quát với vào nhà: "Đây không có rau, tự trồng mà ăn!". Nếu khách giục nhanh lên, lúc đó sẽ là: “Làm đ. gì mà phải giục rối cả lên!” hay “Không có 10 tay nhá!”... Thậm chí có cô gái gọi món thỏ thẻ, nhẹ nhàng quá cũng bị chửi: “Mẹ! Điệu chảy nước ra”.
Kiểu bán hàng chửi khách như thế này tập trung khá nhiều ở Hà Nội. Người bán thì luôn miệng mắng, khách thì nhẫn nhục ăn chẳng dám nói câu nào.
Có quán cơm bình dân, khách đến ăn đông, chủ yếu là những người lao động nghèo. Trưa nào người dân trong ngõ cũng nghe thấy bà bán hàng mắng khách hàng như... mắng con. Khách vào quán đi dép đầy vôi vữa, bà quát: "Thằng kia, chân bẩn như... lợn, rửa đi", gọi món ăn chọn lâu thì bị mắng: "Ăn thì ăn, không ăn thì... biến", trả tiền nát là bị nói ngay: "tiền gì mà như giấy chùi....". Ấy là chưa kể, vừa ngồi ăn, vừa nghe bà chủ chửi người giúp việc oang oang.
Chuyện chửi khách không chỉ diễn ra ở những quán nổi tiếng có món ăn ngon, điều ngạc nhiên là nó cũng xuất hiện ở ngay cả những quán hàng chẳng phải nổi tiếng gì. Một quán ăn sáng ở phố Yên Phụ, có quy định rất kỳ quái, khách gọi gì cũng phải chờ 15 phút. Có một đám khách vào gọi bánh mì ốpla, không thấy nhà hàng đả động, tưởng bị quên, khách nhắc. Tay phục vụ không thèm nhìn khách, liền nói: “Đợi 15 phút!”. Chờ 10 phút sau, khách lại gọi tay nhân viên nọ. Anh ta cộc lốc: “Mới 14 phút!”. “Ốp quả trứng thì hai phút chứ mấy!”. “Ở đây quy định gọi gì cũng 15 phút”. “Trời, quy định kỳ vậy?”. Gã phục vụ mặt không biến sắc, mắt không nhìn người đối thoại, vừa đi vào nhà vừa lẩm bẩm: "Không ăn thì biến"! Tất cả há hốc mồm và ngơ ngác hỏi nhau xem những câu mình vừa nghe có thật không.
Kiểu bán hàng này đã đi ngược lại với tất cả mọi nguyên tắc trong kinh doanh là thoả mãn khách hàng tối đa, đi ngược lại với văn minh thương mại. Khách hàng là những người nuôi sống họ, vậy nhưng khách hàng đã bị đối xử tồi tệ. Người bán hàng đã thô lỗ, thiếu văn hoá nhưng cái thích thú không bình thường, sự nhẫn nhục của một số người cùng sự im lặng của các cơ quan chức năng cũng là lý do để cho kiểu bán hàng này tồn tại.
Những loại quán hàng này tồn tại được vẫn là do sự chấp nhận của khách hàng. Với những khách hàng không chấp nhận được chuyện này thì chỉ đến 1 lần và không bao giờ quay trở lại. Chỉ có 2 kiểu người vẫn đến đây ăn. Thứ nhất đó là những người quan niệm rằng những chủ quán và người phục vụ ở những địa chỉ kinh doanh, dịch vụ kể trên có thô lỗ thật nhưng họ lại nấu ăn ngon vì ngon nên nhẫn nhục chịu đựng vừa ăn vừa nghe chửi chỉ để được ăn ngon.
Còn kiểu người thứ 2 là những người thích nghe chửi, thấy bị chửi thì ăn mới ngon hơn. Có người còn nói đùa rằng, đến những quán này để được... vui, nếu không được nghe chửi thì ăn mất ngon... Nghe chửi, nghe đuổi ở quán hàng giống như... vừa ăn vừa xem biểu diễn. Tiếng chửi thậm chí còn khiến đồ ăn thêm hương vị, quán thêm "phong cách" khiến người ăn nhớ rồi thành nghiện thỉnh thoảng lại qua. Có ông chủ (khi mát mình) bộc bạch: “Mình đang chửi mắng nó (khách) quen rồi, nó thích, giờ đổi ra tử tế có khi lại phá sản”.
Doạ và đánh khách
Nhiều khách hàng ngày nay khi đi mua hàng luôn tự nhủ thôi thì bị nó (người bán) chửi, mắng cũng đành chịu đừng để nó đánh cho thì khổ. Chuyện doạ và đánh khách hàng ở đâu hiếm chứ trên mảnh đất chúng ta sống không hề thiếu.
Một khách hàng kể 1 buổi sáng chủ nhật rủ mấy người bạn đi ăn sáng, café xong rủ nhau đến 1 showroom ôtô nhập khẩu trên đường Láng Hạ (Hà Nội) xem xe. Hỏi nhân viên bán hàng câu gì, anh ta cũng không trả lời mà còn hỏi ngược lại những câu rất xẵng đại loại "có mua không mà hỏi". Đến khi khách bực quá mới than bán hàng mà "nhấm nhẳng như chó cắn ma" thế thì bán cho ai, lập tức nhân viên này nhảy dựng lên và doạ: "có muốn đánh nhau không thì bảo?". Khách sợ quá vội vàng lên xe bỏ chạy. Tìm hiểu ra mới biết ngày chủ nhật, ông chủ thì đi đánh golf, nhân viên muốn nghỉ nhưng cứ phải bán hàng nên tìm cách đuổi khách.
Bị doạ đánh dẫu sao vẫn còn nhẹ, có những khách hàng bị đánh hẳn hoi và đánh tàn tệ. Mới đây chị Phan Thị Tuyết Hồng ở phường 3, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã bị nhân viên của Công ty Bảo hiểm dầu khí khu vực Tây Nguyên, Văn phòng tại Lâm Đồng đánh trọng thương. Chị Hồng đến văn phòng Công ty Bảo hiểm dầu khí Tây Nguyên tại Lâm Đồng để yêu cầu thanh toán bảo hiểm tai nạn xe máy cho người em họ là Trịnh Xuân Lộc. Do hồ sơ đã nộp hơn 10 tháng trước, nhưng đến nay vẫn chưa được đơn vị này giải quyết bảo hiểm theo quy định, nên tại buổi làm việc đó, chị Hồng đã kiên quyết yêu cầu công ty này phải giải quyết dứt điểm. Không những không nhận được sự hợp tác giải quyết sự việc, chị Hồng còn bị nhân viên bảo hiểm Phạm Hà Thế Ngân đuổi ra khỏi công ty, ra đến cửa thì liền bị nhân viên này túm tóc và đánh tới tấp vào người.
Những ai đã từng vào các quán cơm tù xuất hiện nhiều ở khu vực miền Trung thì không khỏi bàng hoàng bởi cách đối xử với khách hàng tại đây. Từ trên ôtô khách bị lùa vào quán từng đám như lùa vịt, rồi bắt phải mua đồ ăn với giá cắt cổ trong khi đó đồ ăn toàn những thứ ôi thiu, thối không ăn được cũng phải cố mà nuốt không thì sẽ bị đánh. Muốn ăn hay muốn bị đánh tuỳ khách chọn. Có khách hàng đã bị bọn côn đồ đánh chết bởi nhất quyết không chịu ăn đồ ăn tại quán.
Ngay cả những nơi văn minh lịch sự có yếu tố đầu tư của nước ngoài như Siêu thị Big C Biên Hoà (Đồng Nai) thì bảo vệ ở đây vì nghi ngờ khách lấy trộm hàng cũng đã không tiếc tay đánh khách hàng đến nỗi người khách này uất ức quá phải tự vẫn nhằm bảo vệ danh dự cho mình.
Chứng kiến cảnh bán mua như vậy, nhiều người không khỏi xót xa: Sao mà đạo đức xã hội xuống cấp? Sao mà sự tử tế, danh dự, nhân phẩm, tính mạng con người bị coi thường đến vậy? Không biết trên thế giới này, còn nơi nào có những kiểu bán hàng như ở Việt Nam?
Tuanvietnam.