Trên đường Bời Lời thuộc địa phận ấp Ninh Tân, xã Ninh Sơn (Thị xã Tây Ninh) thường có một cụ bà hơn 80 tuổi đi lang thang vơ vất.
Ai thương tình thì cho bà chén cơm, miếng bánh. Có hôm được người ta cho ăn uống nhưng cũng có hôm bà nằm co chịu đói. Tối đến, bà cụ nằm co ro ven đường, trên một chiếc chiếu nhỏ, bên cạnh có vài bộ quần áo vo tròn. Những hôm trời quang mây tạnh còn đỡ chứ hôm nào trời mưa thì bà không biết trú ở đâu.
Hỏi thăm mới biết bà cụ tên là Châu Thị Ba, năm nay 83 tuổi, đã từng mang nặng đẻ đau 10 đứa con.
Khi chúng tôi hỏi chuyện bà cụ thì những người dân ở gần đó tập trung lại rất đông. Mọi người thi nhau kể, các con bà cuộc sống không đến nỗi khó khăn.Có người còn có cả mấy mẫu cao su ở Tân Châu nhưng không ai chịu nuôi mẹ mà để bà cụ sống cảnh bơ vơ như thế. Những ngày đầu, bà con trong xóm thương cảm, người cho miếng này, người cho miếng khác. Có người thấy bất nhẫn, mang bà về nhà nuôi. Bà ở nhà này vài ngày rồi đến nhà khác.
Điều khiến nhiều người tỏ ra bức xúc là các con bà "sống sờ sờ ra đó" mà không ai chịu nuôi mẹ mình. Anh C., ngụ tại ấp Ninh Tân, bất bình nói: “Thương bà cụ, tôi cho bà ăn, có lần còn mang bà về nhà nuôi gần hai tháng trời, mặc dù chăm sóc người già cũng cực, vất vả lắm. Chỉ bực mình nhất là con cái bà đã không nuôi mẹ, thấy tôi nuôi giùm họ còn nói này nói nọ nữa”.
Bà cụ nằm lăn lóc bên đường
Sau anh C. cũng có một vài gia đình trong ấp nuôi bà cụ vài ngày nhưng rồi không ai dám nuôi nữa. “Vì bà cụ tuổi già, không may chết tại nhà mình, cũng khó xử …”- một người nói.
Một phụ nữ tên H. cho biết: “Sự việc xảy ra đã mấy tháng nay, chúng tôi rất thương bà và cũng rất bức xúc về thái độ ứng xử của các con bà. Nhiều lần chúng tôi đã báo cáo lên ấp, lên chính quyền xã Ninh Sơn”.
Theo chân anh Trần Minh Trị - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn, chúng tôi tìm đến nhà bà Dương Thị K. Ch -một trong mười người con của bà Ba để tìm hiểu nguyên nhân sự việc.
Theo lời Ch: “Mẹ già nên khó ngủ, thức đêm hay la hoảng, mỗi đêm đi tiểu năm, sáu lần, mỗi lần đi lại kêu, đập cửa… Mang bà về nuôi, đêm rất khó ngủ mà hôm sau còn phải đi làm. Dần dần ai cũng sợ, cũng ngại”.
Còn ông Dương Văn Y- người con thứ hai của bà Ba năm nay đã 61 tuổi, cho biết: “Tôi bị bệnh tai biến 7 năm nay nên không đi đâu được, phải nhờ vợ chăm sóc. Điều kiện kinh tế gia đình cũng khó khăn, nhiều lần tôi cũng có ý đưa mẹ về ở cùng nhưng mẹ không chịu vì hoàn cảnh của tôi khó khăn. Tôi đã nhiều lần gọi mời các anh em trong nhà về bàn bạc, tìm cách để nuôi dưỡng, chăm sóc mẹ nhưng… không ai chịu về họp cả”.
Ông Lý Hoàng Chinh, phó trưởng ấp Ninh Tân, nói: “Trường hợp của bà Ba, người dân ở ấp này ai cũng biết. Rất nhiều lần tôi có đến khuyên giải để các con của bà mang mẹ về nuôi nhưng không được. Có hôm tôi phải đưa bà cụ vào ở trong văn phòng của ấp”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn, sự việc của bà Châu Thị Ba chính quyền có biết và đã mấy lần có thư mời các con của bà để bàn hướng giải quyết nhưng các con bà thường không chịu đến hoặc đến không đầy đủ.
Những người chịu đến cũng chỉ thể hiện sự thoái thác, không muốn bị mẹ làm phiền! Người viện lý do: “Mẹ tôi bị bệnh, ban đêm không ngủ được, cứ nói chuyện, không cho ai ngủ, nên chúng tôi muốn xin cho mẹ ở Vạn Pháp Cung (một cơ sở tu hành của đạo Cao Đài-NV) một thời gian rồi rước về ở cùng”. Người thì hứa sẽ về bàn lại để tìm cách nuôi mẹ. Chẳng hiểu bàn bạc thế nào, sau đó người ta lại thấy bà cụ vẫn cứ lang thang ngoài đường.
Ông Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn cho biết thêm: “Trước đây, chính quyền xã cũng có gửi bà Ba lên ở Vạn Pháp Cung nhưng sau một thời gian ngắn, bà cụ lại sống lang thang. Các con bà thì vẫn không ai nhận nuôi mẹ mình”.
Vi phạm pháp luật, tổn thương đạo lý
Bức xúc trước tình cảnh của bà cụ bất hạnh, ông Lê Minh Hiền – Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp Tây Ninh) khẳng định: Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định về nghĩa vụ của con đối với cha mẹ tại Điều 35 như sau: “Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ”.
Trong Điều 36 cũng nêu rõ “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu, tàn tật, trong trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ”. Như vậy việc không nuôi dưỡng mà để mẹ già lang thang dù với lý do gì đi nữa cũng là trái với quy định của pháp luật”.
Đó là về mặt pháp luật Nhà nước, còn về mặt đạo đức thì việc con cái phải hiếu thảo với ông bà cha mẹ vốn là đạo lý truyền thống từ ngàn đời của người Việt Nam. Khi sinh ra và nuôi con lớn lên hẳn bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình trưởng thành, nên người, có cuộc sống tốt đẹp về sau. Và chắc là không ai muốn đến khi tuổi già lại bị con mình “đẩy ra đường” hay tống đi nơi khác cho rảnh nợ chỉ bởi lý do: trái tính, trái nết lúc tuổi già, sức yếu.
Nương thân cửa từ thiện
Cuối cùng, người em trai út của bà Ba là ông Châu Văn Quang ở xã Thạnh Tây, Tân Biên đã xin phép chính quyền xã Ninh Sơn đưa bà Ba đi. Năm nay ông Quang đã 75 tuổi, cái tuổi cũng cần người chăm sóc nên việc cưu mang, lo lắng cho người chị già nua trở nên quá sức. Vì vậy, ông đã xin phép gửi bà Ba vào cơ sở nuôi dưỡng từ thiện của chi hội Bảo trợ người nghèo Thuận Thiên tại thị trấn Tân Biên để tiện bề tới lui chăm sóc. Hằng ngày, vợ chồng ông mang thức ăn cho bà chị tội nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Nhiền – Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Tây Ninh cho biết thêm “Trường hợp của bà cụ Châu Thị Ba, nếu con cái không ai nuôi thì chính quyền địa phương có thể làm thủ tục xác nhận, có đơn gửi Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội thị xã Tây Ninh và gửi Phòng Bảo trợ xã hội -Sở Lao động- Thương binh và Xã hội để xác nhận. Như vậy Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh sẽ nhận nuôi dưỡng, chăm sóc bà cụ. Tuy nhiên, theo lẽ thường, ở tuổi như bà cụ thì không ai chăm sóc tốt bằng con cái trong nhà".
|
Theo Tây Ninh Online