Việc Hà Nội được bình chọn là đô thị sạch khiến nhiều người, kể cả người địa phương khác lẫn người đang sống ở Hà Nội ngạc nhiên. Nhiều người thậm chí cho rằng, danh hiệu này được trao cho Hà Nội là không xứng đáng, phản cảm.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng: Quá phản cảm!
Việc Hà Nội được trao tặng danh hiệu đô thị sạch là quá phản cảm. Tôi đã đi nhiều thủ đô các nước, chưa thấy thủ đô nào mà người dân vứt rác ra đường - kể cả chuột chết, xe máy đi lên vỉa hè, người đi bộ đi xuống lòng đường... như ở Hà Nội.
Tôi được biết, việc bình chọn này dựa trên 12 tiêu chí, nhưng tiêu chí gì cũng phải thông qua nhận xét của người dân. Người dân phải thấy đúng là sạch thì hãy trao tặng danh hiệu là đô thị sạch.
Hiện nay, đang có phong trào phân loại rác. Nhưng nhiều người phân loại rác trong nhà (rác hữu cơ, vô cơ), khi đem ra thùng rác ngoài đường thì tất cả lại đổ chung một chỗ. Vậy là việc phân loại này khiến người dân mất công.
Ở Việt Nam, tôi thấy, thực ra Huế, Đà Nẵng, đặc biệt là Đà Lạt là những nơi sạch hơn cả, ít nhất là sạch hơn Hà Nội. Theo tôi, ngoài việc đề ra tiêu chí và bình xét, cũng phải dựa trên cảm quan. Chứ rõ ràng một nơi không sạch lại được bình chọn là sạch thì danh hiệu ấy cũng chẳng có nghĩa lý gì. Nói Hà Nội sạch, trao danh hiệu Hà Nội là đô thị sạch là điều không đúng, không chấp nhận được.
TS Nguyễn Duy Bảo (viện trưởng Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường): Sạch hay không là do ý thức
Muốn Hà Nội sạch thì phải có tổng thể nhiều giải pháp về quản lý nhà nước, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm phải được xử lý; Những nhà máy nằm trong quyết định di dời phải được di dời.
Tức là, những nhà máy nằm trong quyết định 64 (nhà máy gây ô nhiễm) thì cần có biện pháp, chế tài kiên quyết để xử lý. Ngoài ra, cần vận động nhân dân, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân.
Khi mọi người cùng nhìn thấy việc đó là đúng thì sẽ cùng chung tay góp sức để Hà Nội sạch và đẹp hơn.
Thực ra, chúng ta đã có chế tài xử phạt hành chính với những vi phạm như: hút thuốc nơi công cộng, có hành động, hoạt động gây ô nhiễm môi trường..., nhưng việc thực hiện vẫn không nghiêm; Đề ra thì đúng nhưng chưa thực hiện được triệt để. Điều này là trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Hà Nội dân đông. Nhưng tôi cho rằng, việc dân quá đông không liên quan đến việc Hà Nội sạch hay không sạch, vì cái này là do ý thức. Đà Nẵng sạch hơn Hà Nội là dân có ý thức hơn chứ không phải vì ít dân hơn.
Nhưng ý thức này cũng không phải tự nhiên mà có, mà do vai trò quản lý trong việc hướng dẫn để nâng cao nhận thức. Khi đã nhận thức đúng thì người ta sẽ có hành động đúng. Hà Nội nên học hỏi các nơi khác trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân để giữ đô thị sạch.
ThS Nguyễn Liên Kết (Viện Xã hội học Việt Nam): Nên dũng cảm từ chối danh hiệu!
Tôi rất đồng tình với ý kiến của nhiều nhà khoa học và người dân về việc Hà Nội chưa xứng đáng với danh hiệu Thành phố Sạch.
Trong tình huống này, Hiệp hội Các đô thị Việt Nam nên nhìn nhận lại các tiêu chí đánh giá, xin lỗi và rút lại danh hiệu.
Bản thân Hà Nội cũng nên dũng cảm nhận ra chính mình và có hành động cao đẹp là từ chối, trả lại danh hiệu.
Nếu làm được điều này, tức là xã hội đang dần phát triển hơn, sự thật được tôn trọng, sự giả dối bị xoá bỏ.
Hà Nội hãy cố gắng vươn lên để cải thiện môi trường hơn xứng đáng với danh hiệu Thành phố sạch ở kỳ bầu chọn sau.
Ông Trần Văn Mân (Lê Lợi, Vinh, Nghệ An): Hà Nội cần làm gương cho các phong trào
Mỗi lần tôi ra Hà Nội thấy đang còn nhiều vấn đề môi trường. Cụ thể như đi ra đường là phải đeo khẩu trang, bịt mặt; Nhiều ao hồ, kênh mương nước bẩn, bốc mùi; Xe chở đất, cát làm rơi đầy đường...
Theo tôi, Hà Nội nên làm gương cho các thành phố khác và các phong trào khác của cả nước bằng cách dũng cảm trả lại danh hiệu.
Đồng thời, nhân đây các nhà lãnh đạo của Hà Nội nên nhìn nhận lại sự đầu tư, quản lý, phong trào làm sao hiệu quả hơn về môi trường.
Theo Bee.net