Cây ngân hạnh có giá trị kinh tế cao, với lá và quả được dùng như một loại dược liệu, chiết xuất thành tinh dầu, chế thành thuốc hoạt huyết dưỡng lão, chữa các bệnh về thần kinh, đau lưng, khớp.
Nhân dịp chuyến đi công tác với Đoàn Thanh niên Đài Tiếng nói Việt Nam về thăm và ủng hộ học sinh nghèo vượt khó của miền núi Tây Bắc, chúng tôi đến thăm và tìm hiểu về giống cây ngân hạnh đang được trồng và phát triển tại bản Muống, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Cây ngân hạnh, lấy giống từ Hàn Quốc, được Tổng đội Thanh niên xung phong Vạn Xuân trực thuộc Trung ương Đoàn phối hợp với một đối tác tư nhân Hàn Quốc tiến hành gieo ươm và trồng thử từ năm 2006.
Đến bản Muống, chúng tôi được nhân dân trong vùng chỉ dẫn đi theo một con đường nhỏ, khá xa mới đến được Trung tâm phát triển nông lâm nghiệp Vạn Xuân, nơi gieo trồng cây ngân hạnh. Một chặng đường hun hút những ngọn núi, thu hút trí tò mò của chúng tôi.
Người dân nơi đây cho biết, đường đến trung tâm giờ đã khang trang hơn xưa nhiều. Chúng tôi bắt xe ôm và đi một mạch đến trước cổng trung tâm.
Trên đường đến Trung tâm Vạn Xuân |
Hàng rào che chắn quanh khu vườn ươm ngân hạnh |
Anh Nguyễn Cảnh Trí, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Nông lâm nghiệp Vạn Xuân, cho biết, hiện Trung tâm đã có gần 10 triệu cây giống được trồng và đang gieo ươm 5,7ha trên tổng diện tích 8ha của toàn bộ Trung tâm Vạn Xuân.
Cây ngân hạnh có độ cao trung bình 1,3-1,5m và độ tuổi là 2-3 năm tuổi.
Một góc vườn cây ngân hạnh ở Trung tâm |
Một nhánh cây ngân hạnh đung đưa trong gió |
Cây Ngân Hạnh Vua được nhập từ Hàn Quốc tháng 4/2006 |
Một chồi non ngân hạnh vươn mình đón nắng và gió của núi rừng Tây Bắc |
Lá cây ngân hạnh xếp nối nhau theo tầng lớp, tựa như những chiếc quạt đang xòe ra duyên dáng |
Lá cây ngân hạnh dưới ánh nắng mặt trời |
Khu vực ươm ngân hạnh của Trung tâm Vạn Xuân |
Hạt của cây được chế thành mứt, bột cà phê và thân cây được xẻ gỗ làm đồ gia dụng.
Điều đặc biệt là lá của cây ngân hạnh này có khả năng thải ôxi gấp 3-4 lần so với cây bình thường và hút cacbônic cũng gấp 3-4 lần so với cây bình thường. Bởi vậy, cây ngân hạnh có thể đem trồng làm cây xanh đô thị, bảo vệ môi trường.
Cây ngân hạnh phủ kín những ngọn đồi |
Hiện 2.000 cây ngân hạnh đã được mang đi trồng thử nghiệm tại khu vực Hà Nội, vườn Bách Thảo và đồi 79 mùa xuân ở huyện Mê Linh, trồng ở các tuyến đường chính của thành phố Lạng Sơn, thành phố Yên Bái và thị xã Tuyên Quang.
Phóng viên VOV và cán bộ của Trung tâm Vạn Xuân (Kỹ sư Nguyễn Cảnh Trí-người thứ 2 từ trái sang) |
Sau Tết, do hiếm mưa nên việc trồng cây đang gặp khó khăn, song hiện tại ngân hạnh vẫn phát triển bình thường và theo chiều hướng tốt. Trên bạt ngàn của núi rừng Tây Bắc, những cây ngân hạnh đang khoe sắc, đem mầm sống mới đến nhiều nơi của Tổ quốc.
Việc phát triển giống cây ngân hạnh mang một ý nghĩa rất lớn, không chỉ phủ xanh đất trống đồi trọc tỉnh Sơn La mà còn được đem trồng làm cây xanh đô thị ở Hà Nội, Yên Bái, Tuyên Quang và nhiều thánh phố khác trong cả nước khi tất cả đều đang sôi nổi hưởng ứng Tháng Thanh niên hành động vì môi trường.
VOVNews.