Nghẹn ngào nước mắt trong đêm "Thương quá miền Trung"Khán phòng lặng đi, nhiều khán giả khẽ lau nước mắt khi chứng kiến cảnh mỗi người dân vùng lũ chỉ có duy nhất 1 bộ quần áo trên người, cứ ướt lại khô - khô lại ướt, giơ tay đón nhận từng gói mỳ tôm cứu trợ…

Đó là những hình ảnh dễ bắt gặp trong buổi giao lưu - cầu truyền hình trực tiếp “Thương quá miền Trung” diễn ra tối qua (17/10), do VTC phối hợp với Quỹ hỗ trợ thiên tai Miền Trung, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Đài PTTH Quảng Bình thực hiện, giúp người dân cả nước hiểu về cuộc sống của đồng bào vùng lũ qua 2 điểm cầu, từ Hà Nội và Đồng Hới - Quảng Bình.

Những câu chuyện rớt nước mắt

Phát biểu khai mạc, ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung, đơn vị phối hợp thực hiện chương trình, nhấn mạnh: Trong lúc này đây, hàng ngàn hàng vạn bà con miền Trung đang phải bỏ nhà, lánh nạn, chịu cảnh màn trời chiếu đất, gồng mình để chống lại lũ lụt. Khó khăn thiệt hại, mất mát và cả những hiểm nguy mà đồng bào miền Trung đang phải gánh chịu cũng là nỗi đau của đồng bào cả nước. Lúc này, đồng bào cả nước ở mọi miền, kể cả kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cũng đang hướng về miền Trung với tấm lòng thông cảm, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ.

Nghẹn ngào nước mắt trong đêm

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung, đề nghị nhân dân cả nước cùng hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt.

Từ đó, ông đề nghị cả nước cùng hướng về đồng bào miền Trung thân yêu, bày tỏ sự thông cảm, sẻ chia, chung tay giúp đỡ để giảm bớt phần nào khó khăn, mất mát và hiểm nguy mà miền Trung đang phải gánh chịu.

Trận lũ với lượng mưa kỷ lục lên tới trên 1000mm hồi đầu tháng 10 đã đi qua. Hậu quả để lại là 66 người đã thiệt mạng. Đó là những mất mát không thể nào đo đếm được. Thiệt hại vật chất lên tới 2.800 tỷ đồng, 151 ngàn ngôi nhà bị ngập và hư hại, 2 ngàn ngôi nhà hoặc bị đổ hoặc bị trôi theo dòng lũ, gần 10 ngàn hecta hoa màu bị hư hại nặng. Đằng sau những con số thống kê ấy là những hộ gia đình lâm vào cảnh khốn cùng.

Nghẹn ngào nước mắt trong đêm

Khán phòng lặng đi trước những mất mát quá lớn của khúc ruột miền Trung...

Nghẹn ngào nước mắt trong đêm

 

Với những giọt nước mắt kìm nén...

 

Có mặt tại đầu cầu Nhà văn hóa TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, anh Hoàng Văn Ninh - Trưởng thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch - Bố Trạch bồi hồi nhớ lại thời khắc vật lộn với dòng nước lũ. Là người đã không màng hiểm nguy chèo thuyền trong đêm khi lũ tràn về, nhẩm mãi, anh cũng chỉ nhớ mang máng được mình đã cứu khoảng 150 người.

Anh kể lại, khi ấy nước đã lên rất nhanh, trước tiếng kêu cứu của một người phụ nữ, anh đã phải dùng hết sức để cạy cửa vào nhà và mất một lúc lâu mới có thể đưa chị này cùng những người dân trong thôn đến nơi an toàn. Khi quay về nhà, anh chết sững khi mọi đồ đạc trong nhà đã trôi theo dòng lũ dữ, sạch trơn không còn thứ gì. “Cái nhà trống không nhưng tôi nghĩ, mình đã làm được một việc tốt, giúp được nhiều người vượt qua cơn khó khăn. Đồ đạc, nhà cửa trôi đi thì đều có thể làm lại được, nhưng mất người là mất tất cả”, anh Ninh chia sẻ.

 

Bằng từng lát cắt nhỏ, chương trình đã khiến khán giả chìm trong xúc động khi được tận mắt nhìn thấy cảnh hoang tàn, đổ nát của các huyện nghèo Quảng Bình, Hà Tĩnh sau cơn lũ dữ. Vẫn biết năm nào cũng có lũ, nhưng những người dân ở những vùng quê nghèo khó này không thể ngờ, cơn lũ năm nay lại tàn khốc và hung dữ đến thế. Những câu chuyện xúc động về lời tâm sự của em mất mẹ, của những người mẹ già ngày đêm khóc thương 2 người con trai vĩnh viễn ra đi, câu chuyện về một người phụ nữ, ngồi trên mái nhà tránh lũ nhiều ngày trời, òa khóc như một đứa trẻ khi đoàn cứu trợ đến… khiến các khán giả của chương trình không kìm được nước mắt.

Lũ liền lũ, khó khăn chồng chất khó khăn

Ở miền Trung, sau lũ không chỉ là đói ăn, dịch bệnh, thảm hoạ môi sinh, mà sau lũ còn là lũ. Lũ chồng lên lũ. Ngay trong những ngày mưa lũ, công tác cứu trợ đã được tiến hàng khẩn trương dù đường xá đã bị sạt lở, chia cắt. Mọi phương tiện được huy động tối đa để đưa mỳ tôm, lương khô, nước, chăn màn đến tận tay người dân sống trên núi.

 

Nghẹn ngào nước mắt trong đêm

 

Cơn lũ đi qua, người dân vừa trắng tay nay lại đang phải đối diện với cơn lũ mới.

Nhưng khi những ám ảnh kinh hoàng từ trận lũ lịch sử diễn ra đầu tháng vẫn còn đang trĩu nặng, thì trong 3 ngày qua, mưa lớn tiếp tục trút xuống các tỉnh miền Trung, tiếp tục gây ra những hậu quả nặng nề. Người dân miền Trung còn chưa kịp gượng dậy sau cơn lũ trước thì lại đang phải gồng mình chống chọi với cơn lũ tiếp theo, khó khăn đang chồng chất khó khăn.

Tại miền Trung lúc này, mưa lớn vẫn đang trút xuống, rất nhiều người dân ở trong cảnh màn trời chiếu đất. Rất nhiều người dân ở Hà Tĩnh và Quảng Bình đã phải tiếp tục chạy lên núi để tránh dòng nước lũ khi mà những mái nhà của họ đã bị nhấn chìm hoàn toàn. Thiếu thức ăn, nước uống, quần áo ấm và trên hết là nỗi sợ hãi bao trùm.

Nghẹn ngào nước mắt trong đêm

Những gương mặt ưu tư nay càng khắc khổ trước thiên tai ác nghiệt...

 

Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình, ước tính ban đầu, thiệt hại của cơn lũ thứ 2 cũng rất nặng nề. Với những vùng trước đây đã ngập lụt thì nay lại tiếp tục ngập lụt và thiệt hại. Sơ bộ, có 44.000 nhà dân bị ngập sâu, nhiều địa phương bị ngập, các cơ sở hạ tầng như đường - trường - trạm tiếp tục bị thiệt hại. Đặc biệt, đã có 2 người chết, 2 người mất tích, 2 tàu thuyền đánh cá bị chìm. Sắp tới, Quảng Bình sẽ tập trung cứu trợ cho người dân ở vùng bị ngập, huy động tối đa lực lượng công an, quân đội, thanh niên tình nguyện hỗ trợ đồng bào, đặc biệt tập trung chuẩn bị nước uống và thuốc chữa bệnh, hạn chế tối đa khả năng dịch bệnh xảy ra.

Mỳ tôm và hàng cúu trợ như những giọt nước rất nhỏ, chẳng thấm vào đâu với sự khó khăn của đồng bào miền Trung, nhưng lại là tình người ấm áp, dìu những người dân nơi đây qua cơn hoạn nạn, mất mát đau đớn này.

Nghẹn ngào nước mắt trong đêm

Toàn bộ sự ủng hộ của các cá nhân, đơn vị sẽ được chuyển đến đồng bào miền Trung sớm nhất. 

Phát động Tháng nhắn tin ủng hộ miền Trung qua 1405

 

Bằng tấm lòng hảo tâm, ngay tại buổi cầu truyền hình trực tiếp, các tổ chức, cá nhân đã trực tiếp ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục khó khăn với tổng số tiền là 2 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này sẽ được Đài Truyền hình KTS VTC phối hợp với Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung, trong thời gian sớm nhất, chuyển tới tận tay đồng bào đang gặp khốn khó trong đợt lũ lịch sử này.

Tại chương trình, ông Trần Đức Lai - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động chiến dịch "Tháng nhắn tin ủng hộ đồng bào lũ lụt qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1405".

Theo đó, ngay từ bây giờ, mỗi lần nhắn tin theo cú pháp đơn giản UH và gửi về số 1405 là chủ thuê bao di động đã đóng góp 10.000 đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung.

Ngoài ra, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lai cũng cam kết sẽ yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc để hoạt động cứu trợ diễn ra kịp thời.

Số tiền thu được qua cổng thông tin nhân đạo quốc gia sẽ được Bộ Thông tin Truyền thông công bố vào ngày 17/11/2010. Toàn bộ số tiền này sẽ được Ban Tổ chức chương trình là Cổng thông tin nhân đạo quốc gia, Kênh VTC14 cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chuyển đến tận tay đồng bào miền Trung ruột thịt.

Theo VTC.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC