Nghĩ thiện, hành thiện!Cô ngồi ở bàn đóng góp đồ từ thiện ngồi săm soi thùng quần áo của tôi, trầm trồ khen nhiều đồ đẹp và hồn nhiên bảo: "Đẹp thế này, cho từ thiện thì phí quá. Cháu cho cô về cho con cô mặc nhé?".

Tôi ra về mà vẫn băn khoăn, liệu cô ấy có lấy nhiều quần áo của mình không, quần áo còn thế vậy tiền thì sao? Liệu còn bao nhiêu đồ đến được tay người nghèo?

1. Lần đầu tiên tôi thật sự có ý thức chia sẻ nghiêm túc khi đang là du học sinh ở Úc, thấy dân Úc rất hay bán đồ cũ, mua đồ cũ và... tặng đồ cũ. Sinh viên nghèo nên có khi mọi đồ dùng trong nhà đều là đồ "second-hand". Nhiều cô cậu còn "kiếm sống" bằng cách kinh doanh đồ dùng gia đình cũ cho các "đồng nghiệp" (dĩ nhiên tôi không "năng động" đến thế).

Riêng quần áo thì hầu như chỉ để tặng, có những cửa hàng mua bán thì giá cũng siêu rẻ, kiểu "vừa bán vừa cho". Nghe đâu rất nhiều quần áo trong số đó đã được bán sang các nước thứ ba, kiểu "quần áo Siđa" là mốt một thời ở Việt Nam.

Thấy hay thì học, năm ấy (năm 1998) tôi gom hết quần áo chưa hoặc không mặc đến trong mấy năm của mình và cô bạn cùng phòng, cho bay ngược về Việt Nam rồi khệ nệ mang đến trụ sở một ủy ban trung ương chuyên về từ thiện để đóng góp cho đồng bào lũ lụt.

 Một cô ngồi ở bàn nhận đóng góp "săm soi" thùng quần áo của tôi, trầm trồ khen nhiều đồ đẹp và hồn nhiên bảo: "Đẹp thế này, cho từ thiện thì phí quá. Cháu cho cô về cho con cô mặc nhé?".  

- "Sao lại thế hả cô? Cháu để cho từ thiện mà", tôi trả lời yếu ớt, rồi ngậm ngùi ra về. Lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác cay đắng của việc "muốn cho không phải dễ".

Về rồi vẫn cứ băn khoăn không hiểu cô ấy có lấy nhiều quần áo của mình không, rồi còn những ai thấy đẹp thì lấy về dùng nữa? Đồ dùng còn bị cắt xén thế, không biết tiền thì sao? Thảo nào, nhiều người ít đóng từ thiện với lý do, "có khi đồ dùng chẳng tới tay người nghèo".

2. Năm sáu năm trước, tôi và một chị bạn cùng đồng lòng muốn góp quần áo cũ cho từ thiện. Chị còn muốn để cậu con trai 6 tuổi của mình tự tay mang quần áo đến tặng, để cậu bé hiểu về sự đùm bọc chia sẻ cho những người khó khăn hơn mình. "Trẻ con bây giờ được chiều nên ích kỷ lắm em ạ", chị bạn tôi bảo vậy.

Nghĩ thế, nhưng ở thời điểm ấy tôi đã không tìm ra địa chỉ nào sẵn sàng nhận quần áo từ thiện. Thêm một lần cay đắng khi gọi đến Hội chữ thập đỏ trung ương được nhận câu trả lời "Bọn anh chỉ nhận tiền chứ không nhận đồ, em ạ".

Vì sao thế chứ? Ý nghĩ tiêu cực ngày nào lại trỗi dậy trong tôi. Nhưng rồi lại gạt đi, chắc tại không phải đợt cao điểm bão lũ nên hội chỉ muốn nhận tiền cho linh hoạt, dễ xử lý. May rồi đợt quần áo đó cũng tìm được điểm đến, khi chính cơ quan nơi tôi làm việc tổ chức quyên góp cứu trợ cho đồng bào lũ lụt.

3. Những lúc may mắn tìm được một nhóm đang cần góp quần áo, sách vở, lương thực để tổ chức những chuyến làm từ thiện trực tiếp, tôi mừng như vớ được vàng. Cái thói mua sắm linh tinh, không tính toán của một người không có gu khiến năm nào tôi cũng nung nấu ý định tìm chỗ để đóng góp quần áo, với mong muốn "cũ người, mới ta", những bộ quần áo nhiều khi còn mới tinh ấy đem lại niềm vui cho những người thiếu thốn hơn mình. 

Nhưng tôi chợt tự hỏi, mình đóng góp từ thiện có phải vì tâm muốn làm việc thiện không? Hay đơn giản vì muốn tìm chỗ giải phóng bớt những thứ quần áo ít mặc đến, để bớt cảm giác "tội lỗi" của sự phung phí. Tôi nhớ ra mình chưa thực sự tham gia một chuyến cứu trợ xa, trực tiếp đem niềm vui đến với những bà con khó khăn hơn mình nào!

4. Tôi đã nhiều lần cho những người lang thang ăn xin tiền lẻ. Càng ngày số lần cho như thế càng ít đi, tỷ lệ với sự lớn dần lên của lòng nghi kỵ, rằng những đứa trẻ đó chẳng nghèo đâu, đó chỉ là cách chúng kiếm tiền cho những "ông bầu" thôi, rằng có nhiều làng người dân chỉ sống bằng nghề ăn xin mà sung sướng lắm.

Rồi lại tự chất vấn bản thân, có phải tôi đang tự "bào chữa" cho sự ích kỷ, vô cảm đang lớn dần lên của mình? Chắc chắn, vẫn còn trên phố rất nhiều những người phải đi ăn xin vì không thể làm việc gì khác, ăn xin chỉ để sống qua ngày, vì họ không kiếm sống được bằng cách nào khác. Tôi có cố gắng tìm ra họ không, hay sẵn sàng "đồng nhất" họ với những người ăn xin "thực dụng" kia?

5. Có một lần tôi đã ứa nước mắt khi chứng kiến hai cụ già xiêu vẹo quờ gậy dắt nhau đi trên phố bán chổi và bán tăm. Xót xa đấy nhưng tôi không thực sự hành động mạnh mẽ, để đến giờ vẫn ao ước tìm lại được hai cụ. Tôi ước có thể giúp hai cụ nhiều hơn, thậm chí còn nghĩ, hai cụ không còn cách nào khác để kiếm sống, tôi sẵn sàng đóng góp hàng tháng để hai cụ khỏi phải lang thang trên phố như thế nữa.

Tôi cũng đã từng ước Việt Nam có những quỹ từ thiện như của Bill Gates, để hàng tháng đều đặn trích một phần thu nhập đóng góp vào đó, tin tưởng rằng những đồng tiền đó sẽ giúp người nghèo có "cần câu" để tự câu cá.

Phải chăng đó chỉ là những phút hiếm hoi khi lòng tử tế lóe sáng?... Và nghĩ "thiện" dễ thường hơn làm  "thiện"!

Khánh Linh




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC