Nghich ly tinh gian bien che: Khong the thoat danh cong chuc

Đối tượng nào không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng đều đưa vào diện tinh giản biên chế, không có trường hợp ngoại lệ nhưng...

Hà Tĩnh: Người tốt cũng có thể bị tinh giản

Trao đổi với Đất Việt, ngày 17/11, ông Trần Huy Liệu - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết: "Thực hiện theo Nghị quyết 39 cũng như các tỉnh khác, Hà Tĩnh cũng đang trong lộ trình xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế để trình lên UBND tỉnh, chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện".

Theo ông Liệu, việc triển khai ở địa phương chắc chắn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là các đơn vị có định mức biên chế, như các bệnh viện, có bao nhiêu giường bệnh quy định tương đương với bao nhiêu bác sĩ; hay các trường học cũng sẽ có quy định bao nhiêu giáo viên trên một lớp học.

Hiện nay, chúng ta không có chủ trương giảm số lớp học, số giường bệnh, thậm chí còn tăng lên, vì thế nếu giảm 10% số lượng các đơn vị thì không đủ cán bộ đáp ứng.

Trước những lo ngại về kết quả đánh giá cán bộ công chức cuối năm thì chỉ có 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, nên lựa chọn đối tượng để tinh giản là vô cùng khó khăn, ông Liệu cho rằng, việc tinh giản biên chế không chỉ là dựa vào kết quả phân loại đánh giá cán bộ cuối năm, mà còn nhiều góc độ khác.

"Việc này thì Nghị định 108 đã quy định rất chặt chẽ. Có nhiều đối tượng, nhiều trường hợp, ví dụ như đào tạo công chức chưa đạt chuẩn, ngành gì, ốm đau dài ngày, các việc hạn chế năng lực, xếp loại cán bộ.... 

Sẽ có những người có thể làm tốt nhưng phát triển bộ máy dôi dư thì cũng phải nghỉ. Nhưng cũng có những trường hợp không phải xin ra là được ra nếu không thuộc 6 đối tượng đó" - ông Liệu giải thích.

Bên cạnh đó, ông Liệu nhấn mạnh: "Chủ trương tinh giản biên chế trong Nghị định của Chính phủ không phụ thuộc chức danh nào, dôi dư kể cả các chức danh không hoàn thành nhiệm vụ, đạt các quy định lệch chuẩn thì cũng phải nghỉ. Tất nhiên trong quá trình thực hiện, tôi thấy, TPHCM là địa phương làm rất mạnh việc này".

Trước đề xuất cán bộ có bằng cấp Thạc sĩ, Tiến sĩ làm việc không hiệu quả cũng đưa vào diện tinh giản biên chế, theo ông Liệu, việc đánh giá này cũng do từng góc độ. Người đứng đầu cấp cao hơn, đối với cán bộ công chức trong cơ quan thì phải qua quy trình, Nghị định 56, đánh giá phân loại hàng năm.

"Nếu như các địa phương thực hiện được theo Nghị định 56 thì tôi tin chắc kết quả đánh giá cán bộ, công chức năm 2015 này sẽ khác hơn so với năm 2014. Đầu tiên, sẽ hạn chế được tình trạng người có năng lực thì bị loại, người không làm được việc thì ở lại.

Để làm được điều này, yếu tố cơ bản nhất là phụ thuộc vào việc đánh giá phải khách quan, người đánh giá không nghiêm, thiên theo tình cảm cá nhân thì sẽ không có kết quả chất lượng.

Chúng tôi giao cho từng đơn vị, là vì bản thân người trực tiếp quản lý mới biết người đó năng lực ra sao, chứ bằng cấp cũng chưa thể xác định rõ được năng lực của cán bộ", ông Liệu nhận định.

Để chọn ra được đối tượng tinh giản, theo ông Liệu, đó là một quy trình khá chặt chẽ, cơ quan công đoàn giám sát khá kỹ, các quy định tương đối chặt chẽ.  

Bắc Kạn: Người muốn xin ra cũng vướng

Bàn về vấn đề này, ông Văn Phúc Thụ, Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Kạn cho biết: "Theo chủ trương chung của Nghị định 108 về tinh giản biên chế, chúng tôi đang tiến hành triển khai. Khi đưa vào thực tế để thực hiện chắc chắn cũng sẽ gặp những khó khăn, nhưng theo quy định chung thì phải làm. 

Đối với một số đối tượng có thể thực hiện được dễ dàng như bằng cấp không đảm bảo, nhưng một số đối tượng muốn xin nghỉ hưu sớm, nhưng hiện tại theo quy định là phải 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ, có giấy nằm viện 2 tháng trở lên, thì lại khó thực hiện, trong khi họ mong muốn được về.

Thêm nữa, những đơn vị đã đủ cán bộ, đủ chuẩn thì khó khăn hơn nhiều trong việc tìm người để tinh giản".

Mặt khác, theo ông Thụ, không riêng gì cán bộ, công chức, mà đến các lãnh đạo, theo quy định chung, cứ 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ, vẫn là đối tượng giảm biên chế không trừ ai.

Trước nhiều ý kiến lo ngại về việc, trong cơ quan nhà nước, người giỏi, có tài thực sự thì muốn ra ngoài để phát triển, còn người kém thì muốn ở lại để an phận, ông Thụ cho hay, đây là những trường hợp hiếm gặp, ngay địa phương Bắc Kạn cũng chưa có trường hợp nào như vậy.

Hà Giang, Ninh Thuận, Kon Tum: Sẽ tinh giản bất kể là ai

Về phía tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Văn Hiến - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Giang: cho hay: "Chúng tôi cũng mới bắt đầu triển khai kế hoạch, chắc sẽ không gặp khó khăn gì vì Thủ tướng chính phủ đã có Nghị định và Thông tư hướng dẫn cụ thể.

Hà Giang vẫn sẽ tinh giản theo chủ trương, bất kỳ cương vị nào không hoàn thành nhiệm vụ thì vẫn trong đối tượng tinh giản. Những đối tượng đã là công chức, viên chức mà không hoàn thành nhiệm vụ, trong đối tượng tinh giản thì vẫn phải tinh giản bất kể anh là ai, lãnh đạo, hay có bằng cấp cao".

Ông Nguyễn Thanh Quý - Chánh văn phòng Sở Nội vụ Ninh Thuận cũng tiết lộ: "Đang làm và trình kế hoạch tinh giản biên chế lên UBND tỉnh, làm quy trình theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ".

Riêng tỉnh Kon Tum, theo ông A Cường - Giám đốc Sở Nội vụ Kon Tum thì tỉnh cũng đang làm và xây dựng kế hoạch để thực hiện. Cũng có đánh giá chung là một số đơn vị có gặp khó khăn, nhưng phải làm, kết quả có đạt đúng chỉ tiêu hay không thì phải xem xét.

Đặc biệt, theo ông Cường, khó khăn lớn nhất ở đây, đó chnnh là lựa chọn người để tinh giản, một số phòng hiện nay vốn đã ít người, nếu tinh giản, thì không biết sẽ lựa chọn sao cho hợp lý.

Châu An

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC