Ngôi nhà bằng đá chỉ rộng khoảng gần 40m2 nhưng đã đón nhiều vị lãnh đạo cao cấp như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình... về thăm.
Thật ra, cái tác phẩm bằng đá nho nhỏ này nếu làm vào thời điểm hiện tại, với sự hỗ trợ của máy móc và các phương tiện hiện đại khác thì chỉ mất vài ba tháng là hoàn tất. Thậm chí, các kèo cột còn thẳng hơn, nhẵn hơn, các đường nét chạm khắc còn sâu hơn, sắc nét hơn... Nhưng công trình này được làm từ những năm giữa của thế kỉ trước, khi mà tất cả chỉ trông vào đôi bàn tay khéo léo, chai sần của người thợ đá.
Cuối năm 1954, nghệ nhân Đỗ Khắc Đức có một quyết định táo bạo: Xây dựng một ngôi nhà bằng đá như một biểu tượng của làng đá nổi tiếng Ninh Vân. Ngày ấy, cuộc sống của người dân làng đá Ninh Vân vẫn khốn khó, nhọc nhằn với nỗi lo miếng cơm manh áo. Gia đình cụ Đức với 3 đứa con nhỏ nheo nhóc, con lớn nhất mới 8 tuổi, con thứ hai 4 tuổi và cậu con út chưa đầy năm.
Nhưng quá đăm đắm với suy nghĩ người làm đá cho thiên hạ mà mình lại không có một căn nhà bằng đá thật đẹp để ở, cụ Đức liền nói dối vợ là làm thuê cho khách trên tỉnh. Ông Đỗ Khắc Hoàng (con trai cả của cụ Đức) ngoài 60 tuổi vẫn nhớ như in những ngày gian khổ ấy: “Hồi đó tôi mới 8 tuổi, mỗi ngày được bố cho 2 hào mua bánh ăn rồi mài đá suốt cả ngày với mẹ, chỉ toàn làm bằng tay chứ chẳng có máy móc gì cả. Tảng đá được để lên trên bãi cát pha lật (ngày nay gọi là cát vàng) rồi dùng cục đá mài với nước, cát để mài nhẵn tảng đá theo hình cột nhà tròn hoặc vuông theo ý bố tôi bảo”.
Sự ngỡ ngàng của vợ con và dân làng
Người vợ nhìn đàn con nheo nhóc, khổ cực quá liền bảo chồng: Sao ông không đến nhà người ta để lấy ít tiền công. Nhưng lần nào đi tỉnh về, cụ Đức cũng đều bảo nhà người ta hẹn đến khi xong mới trả tiền. Sau 4 năm miệt mài đục, vẽ, khắc đến chai lỳ cả bàn tay, cuối cùng khi ngôi nhà đã xong thì cũng là lúc người vợ ngớ người ra khi thấy chồng gọi anh em họ hàng đến giúp sức dựng ngay căn nhà đá trên mảnh đất tổ tiên để lại.
“Những cột đá nặng nên rất đông họ hàng, làng xóm đến giúp mới dựng được căn nhà đá lên. Mà hồi đó làm gì có xi măng như bây giờ nên bố tôi phải dùng mật mía trộn với vôi thành chất kết dính để gắn các vết nối giữa các tảng đá lại với nhau. Tôi còn nhớ ngày ấy, căn nhà đá của gia đình tôi dù chỉ là nhà ba gian rộng chừng 40m2 thôi nhưng đã là một căn nhà đẹp lạ mắt, chẳng ai có. Không chỉ có người làng, người xóm trầm trồ mà ngay cả những người ở trên tỉnh về hay những khách lạ đến làng cũng đều đến nhà tôi xem”, ông Hoàng nhớ lại.
Ngôi nhà của cụ Đức đã được dựng lên trong sự ngỡ ngàng của vợ con và làng xóm như thế.
Nhìn mặt để... bắt mạch đá!
Số lượng đá để làm nên căn nhà đá độc đáo này lên tới hàng chục khối. Chỉ riêng phần cột, căn nhà ba gian độc đáo này có tới 10 cột vuông, 2 cột tròn và 6 xà ngang. Để tách được đá từ núi, người thợ phải dùng con chét (một cục sắt) cái nêm. Họ tách đá bằng cách đục một lỗ chét nhỏ theo đường đã định trên tảng đá, cho nêm vào và dùng búa tạ đập theo đường lỗ đục. Riêng một cái cột cũng phải mất vài chục lỗ chét nhưng một ngày, mỗi người thợ cũng chỉ đục được hai đến ba lỗ chét.
Không những tốn nhiều thời gian, công sức mà công việc này đòi hỏi những người thợ vừa phải có tay nghề cao vừa phải rất am hiểu về cấu tạo vân, thớ của đá. Lỗ chét chỉ cần lệch một chút là sẽ khiến tảng đá bị vẹo, bị xiên sang một hướng khác, hỏng cả tảng đá. Còn nếu không có sự am tường về vân, thớ kiểu “nhìn mặt, bắt được mạch” mà chọn phải phiến đá nứt, có khuyết tật hoặc đường vân xấu... khi tách được đá ra vẫn phải loại bỏ.
“Vì thế, khâu chọn đá và đục lỗ chét rất quan trọng. Lỗ chét không chỉ phải thẳng, vuông mà phải thật đều nhau cả về diện tích”, họa sĩ Đỗ Khắc Oanh, cháu nội của cụ Đức, một chuyên gia nghề đá nói.
OXC - Kế thừa sự độc đáo
Không đơn thuần là thợ đá, cụ Đức còn được thừa hưởng từ dòng họ Đỗ Khắc một nền văn hoá truyền thống sâu sắc nên các hoạ tiết, hoa văn cụ khắc trên cột nhà cũng mang đậm bản sắc dân tộc. Trên thanh xà ngang bằng đá giữa nhà cụ khắc hoa văn theo lối cổ đồ với đủ cả đàn, sáo, nhị, túi gấm bài thơ, triện tàu lá giắt, tùng cúc trúc mai. Các cột nhà đều được khắc hoạ tiết uốn lượn mềm mại với những đôi câu đối truyền thống. Thanh đá xà ngang phía trên cánh cửa cũng có những nét hoa văn tinh xảo. Trong căn nhà đá ấy, cụ Đức còn tự tay làm một chiếc giá gương bằng đá với hình ảnh hàng tùng dài kéo tới chữ “tâm - tư” như một ý niệm sâu sắc về truyền thống tổ tiên.
Hiện nay, một trong số những người được thừa kế ngôi nhà đá độc đáo và kế thừa nét tinh hoa của nghệ nhân đá Đỗ Khắc Đức là họa sĩ Đỗ Khắc Oanh, Giám đốc trung tâm Đá mỹ thuật OXC. Ngay năm đầu tiên học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đỗ Khắc Oanh đã trực tiếp thiết kế và thi công ngôi biệt thự bằng đá trắng cũng thuộc hàng “độc nhất vô nhị” tại Khu đô thị Pháp Vân - Hà Nội. Khi công trình hoàn thành, cũng là lúc Đỗ Khắc Oanh theo học năm cuối cùng và đó chính là một phần của luận văn tốt nghiệp loại giỏi.
Giờ đây, công trình của Đỗ Khắc Oanh đã có mặt ở hầu hết các tỉnh phía Bắc và cả sang nước bạn Lào. Tại Cao Bằng, OXC đang xây dựng Tượng đài Bác Hồ ngày đầu tiên trở về Tổ quốc. Năm 2010, phương án do OXC thiết kế đã đoạt giải Nhì cuộc thi sáng tác hội trợ và sau đó được tham gia Hội chợ Thương mại Thượng Hải (EXPO 2010). Theo dự định, năm 2011, OXC sẽ tham gia xây dựng tượng đài bằng đá trên Quần đảo Trường Sa.
Nhờ có phẩm chất đá gia truyền, sự hiểu biết về văn hóa và phong thủy đã khiến Đỗ Khắc Oanh đặc biệt có “cơ duyên” với những công trình văn hóa tâm linh như đình, chùa, lăng mộ... Chính điều đó đã tạo nên phong cách nghệ thuật OXC.
Theo Dân trí.