Người dân Bình Định vật lộn với khó khăn sau lũMưa lũ đi qua, làng xóm tiêu điều xơ xác, những ngôi nhà xập xệ, tan hoang đã khiến cuộc sống của dân ở vùng lũ ở Bình Định đã nghèo lại càng lao đao, nhất là khi cái Tết đang tới gần.

Gần một tháng qua, nhiều xã nằm ở phía Đông huyện Tuy Phước và Phù Cát (Bình Định) vẫn bị nước lũ chia cắt, hàng trăm ngôi nhà vẫn ngập chìm, cuộc sống của người dân ở đây vốn đã khó khăn nay lại càng thêm cơ cực.
 
Cả gia đình phải ở tạm... chuồng heo!

Mất gần 1 giờ đồng hồ lênh đênh trên con nước, men theo những con ngõ nhỏ đã biến thành sông, những mái nhà xiêu vẹo, tường bị đổ hoặc ẩm mốc, chúng tôi cũng đến được nhà ông Nguyễn Xuân Bình (86 tuổi, ở thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, Bình Định), một trong hàng trăm gia đình có nhà bị sập do mưa lũ.
 
Người dân Bình Định vật lộn với khó khăn sau lũ_0

Gần một tháng qua, gia đình ông Nguyễn Xuân Bình phải sống tạm trong chuồng heo này do nhà đã bị sập. 

 
Cúi lom khom từ chuồng heo đi ra, ông Bình phải rúm người lại vì lạnh. Ông lão 86 tuổi này cho biết, mấy ngày nay cha con ông phải ở trong chuồng heo, nước lũ lên, lại mò mẫm sang nhà hàng xóm tá túc, nước lũ rút lại về chuồng heo ngủ, miếng cơm manh chiếu đều nhờ hàng xóm.

“Vợ tôi mất sớm, một mình tôi cày bừa trên 1,5 sào ruộng khoán nuôi hai đứa con quanh năm bệnh tật, giờ nhà sập rồi biết ở đâu”, nói đến đây ông lão ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hi, òa khóc.

Cùng cảnh với ông Bình, gia đình ông Mai Hữu Tư (75 tuổi, cùng thôn Lạc Điền) cũng bị mưa lũ đánh sập mất nhà giữa đêm khuya, cũng may ông mò mẫm tìm đường chạy thoát được. Ở tuổi “gần đất xa trời”, nhà quá nghèo, nên vợ ông phải vào TP.HCM nhặt ve chai kiếmm sống, bị mất nhà nên gần tháng nay, ông sống nhờ sự đùm bọc của bà con lối xóm.

Ông Tư nói trong nước mắt: “Không có bà con chòm xóm, chắc tui đi theo con lũ rồi. Không chết vì nước cuốn thì cũng chết vì lạnh, vì khát. Đã ở cảnh nghèo này rồi, không ngờ lại có ngày bi đát đến vậy”.
 
Người mất nhà, người mất con cùng khóc

Tại thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, những trường hợp như ông Tư, ông Bình…không ít. Bị nước lũ cô lập gần tháng nay, nhiều ngôi nhà ngập nước đã đổ sập, kéo theo nhiều hệ lụy. Thiếu thốn lương thực, thực phẩm, nay thiếu luôn cả mái nhà tá túc.
 
Tài sản duy nhất của cụ Văn Thị Các (78 tuổi, thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát) là mái nhà cấp 4 thì nay cũng đã bị mưa lũ kéo đổ. Thân hình ốm yếu, bơ phờ đứng bên đống đổ nát với ánh mắt thất thần trên gương mặt nhăn nheo, cụ run run đưa tay nhận quà cứu trợ rồi bật khóc.
 
Trong chuyến đi cứu trợ, hình ảnh người cha ôm di ảnh cô con gái khóc nức nở, người mẹ già khóc cho “chiếc lá xanh” vội lìa cành… đã khiến nhiều người trong đoàn không cầm được nước mắt.

Anh Nguyễn Văn Năm ở thôn Thạnh Danh, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn khóc vật vã bên di ảnh người con gái xấu số Nguyễn Thị Ngọc Diễm (17 tuổi) bị lũ cuốn trôi.
Người dân Bình Định vật lộn với khó khăn sau lũ_1
Cụ Các liêu xiêu bên ngôi nhà bị đổ sập, nhận quà cứu trợ mà chỉ nói được câu "cảm ơn" trong nước mắt 
 
Ông Nguyễn Đình Huệ, Chủ tịch huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định chia sẻ: "Theo số liệu thống kê thiệt hại, toàn huyện có 1 người chết do lũ. Mưa lũ làm sập hoàn toàn 43 ngôi nhà và 2 ngôi nhà khác bị hư hỏng cùng hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản và đường giao thông, ước thiệt hại hơn 10 tỷ đồng".

Ngay sau khi xác định các trường hợp bị thiệt hại, chúng tôi đã cấp kinh phí hỗ trợ cho người dân theo tiêu chuẩn trường hợp có nhà bị sập sẽ được hỗ trợ 4,5 triệu đồng; nhà có người thiệt mạng được hỗ trợ 4,5 triệu đồng, bị thương 1,5 triệu đồng...

Tuy nhiên, với số tiền này, người dân rất cần những tấm lòng hảo tâm mới có thể ổn định được cuộc sống. Và để người dân sớm gượng dậy sau lũ, ngay sau khi hàng cứu trợ về đến địa phương, các gia đình bị thiệt hại nặng sẽ được ưu tiên cấp trước.

Đồng thời vận động người dân góp công, góp sức cùng chính quyền địa phương sớm dựng lại nhà cho người dân. Hiện công tác hỗ trợ người dân đang được tiến hành khẩn trương

Người dân Bình Định vật lộn với khó khăn sau lũ_2
Mặc dù nước đã rút, nhưng nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định vẫn còn bị chia cắt khiến sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.
Còn nhiều nơi ở Cát Chánh, Phước Thắng… thuộc các huyện phía Đông tỉnh Bình Định quanh năm khô cháy, nay lại quằn mình gánh chịu hậu quả của cơn lũ đi qua. Hơn bao giờ hết, người dân Bình Định rất cần sự chia sẻ của những tấm lòng thơm thảo từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Theo VTCNews.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC