Người dân phố cổ Hà Nội chịu khổ để "hái" tiềnPhố cổ Hà Nội vốn được biết đến với những khu kinh doanh sôi động, sầm uất và "hái ra tiền", trở thành niềm mơ ước của rất nhiều người. Tuy nhiên, ít ai có thể hình dung hết được cuộc sống thực của những người dân phố cổ.

Sầm uất, kiếm tiền "dễ như trở bàn tay" và chật chội, ồn ào, bẩn thỉu là những mặt đối lập nhau hoàn toàn của những phu khố cổ. Không đâu dễ kiếm tiền như phố cổ, chỉ với việc cho thuê mặt bằng hoặc mở một gian hàng nhỏ là người dân có thể... ung dung kiếm sống. Đấy là chưa kể giá đất ở đây luôn thuộc "hàng VIP", ngày càng tăng chóng mặt. Cũng bởi thế, mật độ sinh sống tại những khu phố cổ rất dày đặc, những ai trót bán nhà giá rẻ hơn mỗi đi qua đều không khỏi trầm trồ, tiếc nuối.

Thế nhưng, cũng không đâu khó sống như phố cổ. Việc nhiều hộ gia đình chen chúc nhau trong một con ngõ chật chội, sâu hun hút, ẩm thấp và thiếu ánh sáng là cảnh thường thấy ở đây. Mặc dù vậy, ai cũng muốn bám trụ, thậm chí chấp nhận "sống khổ" để kiếm tiền. Dọc trên các khu phố cổ, phần lớn mặt tiền ở vị trí đắc địa được dùng cho việc kinh doanh, kiếm sống còn chủ nhân thì tự nguyện lùi sâu vào trong hoặc thậm chí ở một khu hoàn toàn độc lập, khiêm tốn hơn rất nhiều.

Tại con ngõ 27 chật hẹp ở phố Hàng Bạc là nơi sinh sống của hơn chục hộ gia đình. Giữa ban ngày mà đi vào trong ngõ trời tối om, ẩm ướt. Con ngõ hẹp đến nỗi nếu một người đi bộ vào mà gặp một người đi bộ ra thì cũng phải dừng lại đứng nép vào tường. Xe máy muốn đi vào phải bật đèn và lách rất cẩn thận.

Phía cuối con ngõ là khu vệ sinh, tắm giặt, cơm nước chung của chục hộ gia đình ở đây. Gia đình chị Phạm Thị Thủy, 32 tuổi làm nghề gia công vàng bạc trang sức. Tầng một của gian nhà là xưởng gia công, diện tích chưa tới 10 m2, chật cứng máy móc, có 4 công nhân nam làm việc và ăn ngủ tại đây. Trên chiếc gác xép tối tăm là chỗ ngủ của hai vợ chồng chị.

Xưởng gia công vàng bạc trang sức của chị nằm mãi trong ngõ nhỏ chứ không phải mặt tiền, lại không biển quảng cáo, nhưng khách ra vào khá đông. Có người ở Cầu Giấy, muốn gia công cái dây chuyền vàng thành cái lắc tay để đeo, cũng tìm lên tận đây. Ngoài ra các tiệm buôn bán vàng bạc trên phố cũng cũng đặt gia công “hàng” tại xưởng của chị.

“Chúng tôi phải làm việc không ngớt tay để phục vụ khách. Ở phố cổ có cái thuận tiện là điện nước hầu như không bao giờ mất, kể cả khi Hà Nội vào đợt cao điểm nắng nóng, điện cắt liên miên. Thế nên công việc của chúng tôi không bị ảnh hưởng”, chị Thủy cho biết.

Theo chị Thủy, làm nghề gia công vàng bạc này phải thật thà và chính xác đến từng line. Người ta gửi gia công một chỉ vàng thì khi hoàn thành phải trả lại cho người ta đúng một chỉ. Chị cũng tâm sự: "Mà nghề này lâu đời nhất chỉ có ở phố Hàng Bạc. Bây giờ nếu gia đình tôi chuyển đến chỗ khác rộng rãi hơn để làm ăn thì chưa chắc đã có khách. Vậy nên không gian chật hẹp nhưng chúng tôi vẫn quyết ở đây. Có thực mới vực được đạo, đừng nghĩ cho chúng tôi ngôi nhà rộng hơn là chúng tôi sẽ đi, vì đi thì hàng ngày làm gì để ra tiền mà sống", chị Thủy nói.

Người dân phố cổ Hà Nội chịu khổ để

Cũng theo chị Thủy, những người dân ở phố cổ nằm trong diện phải di chuyển qua khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên) song đa số không thích đi. Ngoài việc phố cổ cho họ một cái "cần câu cơm" hấp dẫn, thì nếp ăn nếp ở nơi đây cũng đã ăn sâu vào họ.

Con ngõ 32 phố Hàng Bạc cũng có tới 6 hộ gia đình sinh sống. Đây vốn là một căn nhà hai tầng sau được ngăn ra cho các hộ gia đình, nên hiện họ vẫn đi chung một cầu thang bé xíu.

Mặt tiền của ngôi nhà chưa đầy 3 m2 nhưng được chia đôi ra để kinh doanh. Một bên là tiệm bán bạc trang sức, còn một bên là hiệu thuốc đông y và thuốc cam gia truyền. Chắn trước quầy thuốc đông y là một cây ATM được một ngân hàng thương mại thuê đặt địa điểm dài hạn.

Nhà bác Phạm Xuân Toại, 70 tuổi, làm nghề thuốc đông y gia truyền ở ngõ 32 này may mắn hơn khi có hai tầng mà chỉ có 5 người ở, thế nhưng mỗi tầng gia đình bác vẫn phải cơi nới thêm một chiếc gác lửng mới đủ chỗ sinh hoạt. Tầng một rộng khoảng 12 m2 vừa là phòng khách, vừa bếp nấu, lại là chỗ để sản xuất và bày bán các loại thuốc đông y, thuốc cam nên hầu như không còn một không gian trống nào.

Bác Toại cho biết, căn nhà hai tầng ở phố Hàng Bạc này được gia đình bác mua lại từ khi nó vừa xây xong vào năm 1954, với giá hai vạn tiền Đông Dương (tương đương 100 cây vàng lúc bấy giờ). Nhà bố mẹ đẻ bác ở số 40 Hàng Bạc, có nghề làm thuốc đông y gia truyền nhiều đời, rất nổi tiếng. Khi chuyển qua số nhà 32 Hàng Bạc, hai vợ chồng bác bắt đầu làm thuốc và kinh doanh riêng. Theo bác Toại, làm nghề gia truyền phải ở phố cổ thì mới có được chữ tín, cái duyên bán hàng nó mới đến. Không cần quảng cáo nhiều, bác Toại chỉ treo một tấm biển nhỏ trước nhà, thế nhưng khách cứ “lũ lượt” tìm đến.

Ngoài kinh doanh thuốc gia truyền, nhà bác Toại còn cho một ngân hàng thương mại thuê 1 m2 đất ở mặt tiền để làm địa điểm đặt máy ATM dài hạn, với mức phí lên tới 90 triệu đồng một năm.

Người dân phố cổ Hà Nội chịu khổ để

Theo giám đốc một ngân hàng thương mại, mức phí thuê địa điểm đặt máy ATM cũng như thuê làm phòng giao dịch của ngân hàng trên khu vực phố cổ đắt gấp rưỡi đến gấp đôi những khu vực khác tại Hà Nội. Có nhiều nhà còn không chịu ký hợp đồng dài hạn mà chỉ ký với mức tối thiểu là ba năm, để sau này nếu có ai thuê mặt bằng với giá cao hơn thì họ còn chuyển hướng.

Bác Toại nói: “Với gia đình tôi, phố cổ là khu vực thuận lợi nhất cho làm ăn. Ở phố cổ, mở một quán nước chè cũng đủ nuôi sống cả nhà. Người bán bánh mỳ, bánh bao, sửa xe đạp cũng đắt khách. Nhà ai có mặt tiền cho thuê thì chẳng làm gì cũng có của ăn của để. Tôi từng biết có gia đình làm giò chả gia truyền trên phố, ham tiền một cục nên bán nhà, chuyển đi nơi khác ở Hà Nội sinh sống. Cách đây một năm họ có qua chỗ tôi mua thuốc cam cho con, họ tâm sự đã bỏ nghề vì qua chỗ mới không làm ăn được”.

Bác Lê, chủ căn nhà ở 66 Hàng Bông có mặt tiền chỉ 1,5m nhưng vẫn có người tới thuê mở shop quần áo. Bác Lê cho biết, nhiều người cứ bảo nhà chật thì đừng cho thuê nữa, để chỗ mà ở. Nhưng vì lương hưu của hai vợ chồng chỉ để chi tiêu ở mức tối thiểu nên bác vẫn quyết định cho thuê, cả gia đình tạm sinh hoạt trong một gian trong, cơi nới thêm một căn gác xép.

Từ hồi cho thuê, gia đình bác chi tiêu thoải mái hơn, có đồng ra đồng vào. Bác tiết lộ, nếu nhà có mặt tiền từ 3 m2 trở lên thì giá thuê từ hơn 1.000 USD cho tới ba, bốn chục triệu đồng. Còn nhà bác hẹp hơn nên mức thuê chỉ hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Thỉnh thoảng bác lại mang ấm trà, phích nước ra đầu ngõ ngồi bán, cũng kiếm được tiền quà sáng cho cả nhà.

Các shop quần áo, vải vóc, các tiệm bán đồ ăn vỉa hè ở trên phố cổ hầu như lúc nào cũng tập nập khách ra vào, cả du khách trong và ngoài nước, nhất là vào các buổi tối. Người dân phố cổ rất sành ăn, thế nên từ người bán hàng rong tới quán ăn vỉa hè, nhà hàng đều phải ngon thì mới có khách. Cũng vì thế, người dân ở các khu vực khác khi muốn ăn một tô phở bò gia truyền, một món đồ nướng, một ly sinh tố, tách cafe ngon cũng đều phóng xe lên phố cổ.

Theo Đất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC