Người dân Việt Nam lạc quan, tin tưởng Chính phủCảnh sát bị đánh giá là tham nhũng nhất.  84% số người được hỏi từng va chạm với tham nhũng cho biết họ hối lộ là để đẩy nhanh công việc.

Ngày 14/12, đầu mối của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) phối hợp với Đại sứ quán Anh công bố Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam 2010 - kết quả khảo sát quan điểm công chúng về tham nhũng cũng như mức độ hài lòng, niềm tin của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Chính phủ. Đây là lần đầu tiên TI được tiến hành nghiên cứu đầy đủ và công bố kết quả điều tra xã hội học tham nhũng tại VN.

Cảnh sát đứng đầu về tham nhũng

Khảo sát được TI tiến hành với các tiêu chí quốc tế của mình tại năm TP Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ với 1.000 đối tượng mẫu được chọn phỏng vấn trực tiếp, ngẫu nhiên. Kết quả tổng hợp cho thấy đa số người dân đô thị cho rằng tham nhũng trong ba năm qua là gia tăng (gồm 36% nói tăng nhiều, 26% tăng một ít). Phân tích nhân khẩu học thì phụ nữ bi quan hơn nam giới; nhóm tuổi 31-40 phê phán nhiều hơn; hưu trí và thất nghiệp phàn nàn nhiều nhất; và dân miền Bắc, nhất là Hà Nội, cảm nhận mạnh mẽ hơn về sự gia tăng của tham nhũng so với miền Nam.

1.000 người thành thị cũng tiến hành “xếp hạng” tham nhũng trên cảm nhận chủ quan của mình. Kết quả cho thấy trong 11 lĩnh vực, tổ chức tôn giáo được cảm nhận tham nhũng ít nhất, còn cảnh sát bị đánh giá tham nhũng nhất. Trong đó, giới trẻ và người có học vấn cao có xu hướng đánh giá tiêu cực về tham nhũng trong giới kinh doanh; người thất nghiệp phê phán nhiều giới công chức; còn người Hà Nội cảm nhận tham nhũng trong giáo dục nhiều hơn các TP khác.

Cuộc khảo sát cũng hỏi những người có trải nghiệm thực sự về tham nhũng, tức trong 12 tháng qua từng phải đưa hối lộ, thì thấy nam giới va chạm nhiều hơn nữ; tuổi 31-40 hay phải đưa hối lộ hơn; người có thu nhập trung bình khá trải nghiệm tham nhũng trong giáo dục nhiều hơn. Về mục đích, 84% trường hợp có trải nghiệm nói hối lộ là để đẩy nhanh công việc.

Người Hà Nội bi quan

Mục đáng chú ý là đánh giá nỗ lực của chính phủ VN trong công tác PCTN, cuộc khảo sát đưa ra bốn mức độ rất hiệu quả, tương đối hiệu quả, hơi kém hiệu quả và rất kém hiệu quả.

Kết quả cho thấy tỉ lệ khen chê là khá cân bằng, trong đó phần khen có nhỉnh hơn một chút. Đi sâu vào phân tích cảm nhận này thì thấy nhóm tuổi 31-40 và hưu trí nhìn nhận tiêu cực hơn và dân Hà Nội tiếp tục có đánh giá bi quan nhất so với bốn TP còn lại.

Tuy nhiên, kết quả chung về niềm tin với Chính phủ thì người Việt Nam lạc quan, tin tưởng chính quyền hơn so với người dân các nước khác. 

Cảm nhận này khá ăn khớp với phần trả lời câu hỏi tin tưởng ai nhất trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng tại VN. Trên 40% nói tin tưởng nhất vào Chính phủ, hơn 25% đặt niềm tin vào báo chí. Tuy nhiên, có tới 12% thực sự bi quan, chẳng tin ai cả. Đáng chú ý, niềm tin trong PCTN ở mỗi đối tượng rất khác nhau: nhóm dưới 40 tuổi ít tin tưởng vào Chính phủ hơn nhóm 41-50, trong khi họ đặt niềm tin vào giới truyền thông hơn một chút; hưu trí ít tin tưởng Chính phủ hơn người đang có công ăn, việc làm; Hà Nội có nhiều người “không tin ai” hơn.

Theo PLHCM.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC