Ngay sáng khai mạc, hàng trăm nhà đầu tư, người dân đã đến dự, trao đổi sôi nổi quanh sa bàn mô tả không gian Hà Nội năm 2030. Trục Thăng Long và các đô thị vệ tinh là vấn đề được quan tâm nhất.
Dù là ngày giữa tuần song rất nhiều người vẫn tìm đến khu triển lãm Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng) ngay khi triển lãm mở cửa. Mỗi người đều được phát phiếu góp ý nhanh cho đồ án với 6 vấn đề, cùng phần ghi ý kiến riêng.
Tâm điểm của khu trưng bày là sa bàn mô tả không gian Hà Nội sau năm 2030. Đây chính là sa bàn vừa được giới thiệu với các đại biểu HĐND Hà Nội hôm qua.
Xung quanh sa bàn là hàng loạt bản vẽ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, giới thiệu ngắn gọn về các đô thị vệ tinh... Một đoạn phim ngắn mô tả đồ án quy hoạch cũng được trình chiếu. Tuy nhiên, do không có phòng riêng đoạn phim chỉ được phát hình mà không có tiếng.
Đến Vân Hồ từ sáng sớm, ông Trần Xuân Lộc (Nghĩa Đô, Cầu Giấy), trầm ngâm trước bản đồ mô tả đô thị trung tâm hạt nhân kết nối với 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn. Nguyên là cán bộ Viện Khoa học công nghệ quân sự nên ông Lộc quan tâm đến vị trí đặt trung tâm hành chính quốc gia trong tương lai, tính khả thi cũng như vấn đề an ninh quốc phòng.
"Dời trung tâm hành chính là đúng vì hiện tại rất chật hẹp, song đặt ở Ba Vì chưa được thuyết phục lắm", ông Lộc nói. Theo ông, phương án này nên xem là hướng dự trữ vì quá xa khu trung tâm. Còn hiện tại, khu hành chính đặt ở vùng ven thì tốt hơn. Ngoài ra, phương án này cũng cần giải trình rõ tính độc lập của khu hành chính mới vì không khéo nếu tập trung hành chính mà phát triển quá mạnh khu dân cư đi kèm thì lại vướng phải bài toán ùn tắc, chật hẹp như hiện nay.
Trong khi đó, ông Trần Thân, nguyên cán bộ Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật VN đặc biệt quan tâm đến việc phát triển đô thị vệ tinh cũng như các khu đô thị ven trung tâm Hà Nội hiện nay. Từng tiếp xúc nhiều với các quy hoạch Hà Nội từ trước tới nay, ông Thân nhận định, việc xây khu đô thị vệ tinh là biện pháp cần thiết để giảm tải cho Hà Nội. "Đô thị vệ tinh cũng như vùng ven phải được xây dựng với đầy đủ tiện ích. Có như vậy mới tạo được lực hút, kéo dân ra khỏi trung tâm", ông Thân góp ý.
Riêng với vành đai xanh, ông Thân cho rằng đây là một ý tưởng tốt. Ngoài ý nghĩa về sinh thái, đây có thể được coi là khu dự trữ cho tương lai. Nếu quy hoạch hết vào đô thị, sau năm 2050 thủ đô sẽ nan giải với bài toán lấy đất đâu để tiếp tục phát triển. Theo ông Thân, triển lãm được làm khá công phu, nhưng e rằng nhiều khu vực khó khả thi vì tốn kém, phải giải phóng mặt bằng nhiều.
Còn theo ông Phan Đức Đông, Hiệu trường trường trung cấp nghề số 1 Hà Nội, quy hoạch mạng lưới các trường học trong đồ án là phù hợp. "Tôi mong quy hoạch sớm triển khai và làm nhanh hơn, chứ 40 năm nữa mới được như cái sa bàn thì lâu quá", ông Đông nói
Trong sáng 21/4, ngoài những ý kiến quan tâm đến diện mạo tương lai của thủ đô, rất nhiều người tìm đến triển lãm chỉ với mục đích xem nhà, đất của mình "có đường chạy qua hay không". Tập trung người xem khá đông và bàn tán sôi nổi nhất là tại bản vẽ mô tả trục Thăng Long. Rất nhiều người cẩn thận ghi chép, chụp hình để so sánh xem liệu đất của mình có nằm trên trục không gian này.
Ngay trong buổi khai mạc, khá nhiều người buôn bán bất động sản đã có mặt tại triển lãm. Định hướng không gian cũng như quy hoạch mạng lưới giao thông là mối quan tâm lớn nhất của họ.
Tuy nhiên, khác với không khí bàn tán sôi nổi ở triển lãm, những người này quan sát khá lặng lẽ. Theo một nhà đầu tư bất động sản giấu tên, đồ án quy hoạch chỉ vạch ra những nét chung khái quát, chưa thể làm căn cứ để đầu tư chuyện đất cát.
Ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc trung tâm quy hoạch Hà Nội (Viện Kiến trúc, quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Ban tổ chức) cho biết, triển lãm là nhằm giới thiệu, lấy ý kiến người dân về những nét không gian, kinh tế xã hội của thủ đô trong tương lai.
"Sau đồ án triển lãm lần này có quy hoạch phân khu rồi chi tiết 1:500. Còn tại thời điểm này chưa thể nói được gì về đường sá đi qua mảnh đất này, ngôi nhà nọ", ông Anh nói.
Triển lãm mở cửa tới hết ngày 1/5.
Theo VNE.