Người leo dốc không biết mệt...Có một thời, khán giả yêu điện ảnh nước nhà đã quá quen thuộc với hình ảnh chiếc xe Win cà tàng có chiếc hộp cốp gắn ở đuôi xe phóng ào ạt trên phố, mà chủ nhân của nó - một người đàn ông cao lớn, phong trần luôn tủm tỉm cười với tất cả những ai nhận ra mình.

Theo thời gian, chiếc xe đã xa rời chủ nhân của nó, và người đàn ông có tiếng là hào hoa của điện ảnh Việt Nam cũng không còn trẻ nữa để mà mạo hiểm, để nuôi những ước mơ; nhưng người ta vẫn thấy anh hối hả với những ý tưởng, những dự định về nghệ thuật mãi mãi còn dài. Đó là Nghệ sỹ ưu tú Mạnh Cường.

- Một thời, chiếc xe Win gắn với anh như hình với bóng, nay đâu rồi?

- Năm 2007, tôi bán nó sau 12 năm gắn bó!

- Hẳn anh có nhiều kỷ niệm nghề nghiệp với nó?

- Tôi còn nhớ như in, vừa mới mua xe xong là tôi đi quay phim “Người Hà Nội”. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là vào năm 1997, khi đó tôi đang theo học Đạo diễn điện ảnh tại trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh. Giảng viên dạy chúng tôi môn làm phim Dân tộc học là một ông thầy người Đức, kết thúc môn học chúng tôi phải làm phim ngắn để trả bài. Ngày đó, trên bản Pà Cò - Mai Châu có chủ trương phá cây thuốc phiện. Tôi đặt ra một băn khoăn rằng vậy kế sau họ sẽ trồng cây gì để sống?

Thế là một người, một xe tôi quyết lên Mai Châu một chuyến để ghi lại những thước phim đó. Để chuyên chở được nhiều, tôi mua 1 cái hộp cốp gắn đuôi xe, bên trong nào chở nước, bánh mỳ, pa-tê, quận tròn 1 cái chăn, cái bàn gấp và 1 máy quay VHS Super. Nào ai biết, lên tới nơi họ phá xong cây thuốc phiện rồi, giờ đã trồng mận. Sau tôi chuyển sang quay bộ phim ngắn 30 phút mang tên “Gia đình người Mông”. Sau khi hoàn thành bộ phim, ông giáo thích quá, bảo rằng “bắn” phụ đề tiếng Anh để ông giữ làm kỷ niệm. Ngày tôi bán xe, vẫn giữ lại chiếc hộp cốp để làm kỷ niệm!

- Sinh năm 1960, năm 1997 anh vẫn còn đi học, khi đó đã 37 tuổi, xem ra anh là người khá chăm chỉ học tập?

- Tháng 11-1977 tôi nhập ngũ - theo học khoa Sân khấu trường Nghệ thuật Quân đội. Năm 1980 tôi về đầu quân về Đoàn kịch Quân đội. Năm 1993, tôi chuyển về Đoàn 871 - chuyên quản lý học viên đi học trường đại học chuyên nghiệp ngoài quân đội. Vậy là từ năm 1993 đến năm 1997, tôi theo học Đạo diễn sân khấu, trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh. Xen kẽ, năm 1995 đến năm 1999 tôi tiếp tục theo học Đạo diễn điện ảnh tại trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh.

- Chú tâm đến chuyên ngành học đạo diễn, nhưng dấu ấn nghề nghiệp của anh lại thăng trầm qua từng vai diễn?

- Đúng là như vậy! Quả thật chưa nhiều nhưng đến nay tôi cũng đứng trên cương vị đạo diễn của 4 bộ phim truyền hình. Cuối năm 1996, bộ phim đầu tay dài 2 tập của tôi mang tên “Thầm lặng”. Sau đó lần lượt là “Phố ga”, “Đường ra thành phố” và “Tình yêu của mẹ”.

- Anh hẳn chưa quên vai diễn đầu tiên khi đến với điện ảnh? 

- Năm 1988, khi mới 28 tuổi, tôi tham gia vào bộ phim truyện nhựa “Thời hiện tại” của cố đạo diễn, NSƯT Trần Đắc. Tôi đóng chung với NSƯT Thanh Quý.

- Anh đã từng nói làm sân khấu khó hơn điện ảnh nhiều?

- Sân khấu cần có những đòi hỏi khắt khe hơn như kỹ năng về tiếng nói, bản lĩnh sân khấu, diễn tả những trạng thái tâm lý khác nhau trước công chúng... Và cho đến tận bây giờ tôi vẫn giữ quan điểm làm sân khấu khó hơn điện ảnh.

- Vậy nên mối nhân duyên của anh với sân khấu không sâu đậm bằng điện ảnh?

- Sân khấu và điện ảnh không giống nhau. Có thể ví von thế này, với tôi sân khấu như là mối tình đầu đầy đam mê mà cho dù có đến mấy bà vợ rồi con người ta vẫn thấy mối tình đầu đẹp và trong sáng. Lời thoại của sân khấu đẹp, người diễn viên phải sống đầy đủ, liên tục thân phận nhân vật suốt 2 giờ liền. Sân khấu là loại hình nghệ thuật có hơi hướng hàn lâm và rất đáng trân trọng!

Người leo dốc không biết mệt..._0

Mạnh Cường (trái) trong Những người độc thân vui vẻ

- Và mối tình đầu thường làm con người ta thăng hoa và mơ mộng?

- Chính sân khấu giúp tôi thành công để bước tới điện ảnh. Và sân khấu mãi mãi gắn liền với cuộc đời tôi.

- Theo anh, giá trị lâu bền của nghệ thuật nói chung mấu chốt được đặt ở đâu?

- Mãi mãi vẫn là con người!

- Tôi cho rằng, mọi chuyện đều do con người mà nên, mấy chục năm qua, anh cũng liên tục thay đổi?

- Tôi từng phục vụ trong quân ngũ và đã lên đến hàm Trung tá, Trợ lý Văn hóa - Nghệ thuật của Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Tháng 6-2000, tôi rẽ ngang đảm nhận cương vị Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội. Sau 8 năm gắn bó, tháng 8-2008, tôi trở lại làm giảng viên trường Đại học Nghệ thuật Quân đội. Tính ra, tôi nhập ngũ lần thứ hai, được phục hàm Trung tá như hồi mới rời khỏi Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Tháng 5-2009, tôi giữ cương vị Chủ nhiệm khoa Sân khấu - Điện ảnh và Viết văn của trường. 

- Nhập ngũ lần 2, trở về mái nhà chung xưa, làm một người thầy, hẳn những ngày đầu trong anh đọng lại nhiều cảm xúc?

- Tôi là người trưởng thành trong môi trường quân đội, kinh qua nhiều trải nghiệm cuộc sống để tích cóp kinh nghiệm cho nghề, việc tôi quay trở lại để truyền đạt những kiến thức tôi học được cho các em sinh viên cũng là điều nên làm. Việc đứng trên bục giảng với tôi đâu phải xa lạ gì, cũng đến vài chục năm nay rồi, chỉ là giờ đây tôi chuyên chú một cách trọn vẹn hơn cho nó mà thôi.

- Anh chia sẻ phương pháp riêng để đào tạo các em sinh viên của mình?

- Nghệ thuật khiến người đeo đuổi nó cả một đời phải leo dốc, đi mãi, đi mãi mà không thấy đỉnh. Bởi vậy, tôi sẽ đào tạo con người trước, đào tạo nghề sau. Là điển hình của một trường năng khiếu, vậy nên các em sinh viên vào trường chí ít cũng là những người có khả năng, chúng tôi muốn đào tạo những con người đó biết sử dụng khả năng của mình để phục vụ xã hội, nhân dân và bản thân các em.

- Có lúc nào anh cảm thấy hụt hơi bởi phải cố leo dốc?

- Tôi là người leo dốc không biết mệt... Từ hoạt động nghệ thuật, đến giữ cương vị quản lý - một vệt dài hàng chục năm như thế tôi luôn làm hết lòng, toàn tâm toàn ý vì công việc. Tôi không còn băn khoăn gì nữa vì ở vị trí nào cũng chỉ mong mỏi một mục đích rằng cố gắng nâng cao chất lượng nghệ thuật để phục vụ nhân dân. 

- Sắp chạm ngưỡng ngũ tuần, cũng quá nửa đời người, anh hãy nói vài lời về bản thân?

- Đến giờ tôi ngẫm lại thấy mình sống trên tất cả: tiền tài - địa vị - danh vọng. Và khi đã vượt qua được các ranh giới đó thì có chạm vào việc gì, dù khó khăn đến mấy cũng vượt qua được. Quan trọng nhất đối với tôi là đúng người đúng việc. Đặc biệt là được nhiều người yêu quý, thế là thanh thản rồi!

Người leo dốc không biết mệt..._1

... và trong phim Tin vào điều không có thể

- Công việc sao có thể lấp đầy những khoảng trống, những toan tính rất đời, rất người?

- Tôi là con người của công việc. Nếu không có việc tôi sẽ tự tìm đến việc để làm. Tôi nghĩ nên làm việc nhiều hơn và nghĩ về mình ít đi. Công việc đã cho tôi những trải nghiệm, từ vị trí diễn viên đến đạo diễn... tất cả đều là những sự trải nghiệm và giúp có một Mạnh Cường như tôi bây giờ.

- Tôi phỏng đoán rằng, thi thoảng ngẫm ngợi đôi chút thôi sẽ khiến anh tủi thân? 

- Tôi chưa bao giờ biết tủi thân! Bởi tôi quan niệm rằng không có cái gì mất đi, không có cái gì tự nhiên mà có. Con người phải có sự trải nghiệm, được trải nghiệm, được thực tiễn tôi luyện là những giá trị quan trọng nhất. Thật may, tôi đều có được những cái đó.

- Tủi thân anh nói rằng không, nhưng thiệt thòi thì chắc là có?

- Những người không màng đến danh lợi là thiệt thòi rồi, nhưng bù lại họ được sự thanh thản.

- Giả định rằng, nếu quay ngược thời gian trở lại thời trẻ, được chọn lại nghề nghiệp cho mình, anh sẽ?…

- Tôi vẫn sẽ chọn con đường “nghệ thuật” để đi, đơn giản thôi, vì nó hợp với mình!

- Vậy theo anh, phương châm nào để làm nghệ thuật thành công?

- Năng lực + Sức sáng tạo + Thực tiễn = Thành công.

- Phương châm ấy mang đến cho anh một “gia sản” nghệ thuật không nhỏ?

- Đó là khoảng 30 bộ phim truyện nhựa và gần 100 bộ phim truyền hình.

- Anh thích vai diễn nào của mình nhất?

- Vai nào tôi cũng thích, bởi mỗi vai diễn là một mảnh đời, một thân phận riêng. Với tôi đã là số phận thì cho dù ở vai chính diện hay phản diện đều không thể ghét nó được. 

- Một ngày bình thường của anh diễn ra thế nào?

- Tôi dậy sớm và ra khỏi nhà cũng sớm, tầm 6h30, tránh tắc đường thôi. Ban ngày quản lý và triển khai các hoạt động diễn ra trong khoa tôi quản lý. Tối tôi trực tiếp giảng dạy đạo diễn trong trường. Về nhà cũng tối muộn lắm rồi!

- Đấy là còn chưa kể đến thời gian anh đi đóng phim, quỹ thời gian anh dành cho gia đình có vẻ eo hẹp quá?

- Nói vậy cũng đúng, nên những ngày nghỉ tôi dành trọn thời gian cho gia đình. Cũng may các con tôi cũng đều đã lớn. Con gái đầu của tôi đang học Thạc sỹ Lý luận - Phê bình Điện ảnh, trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh. Còn cậu con trai cũng mới vào học trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh, khoa Sân khấu chuyên ngành diễn viên Sâu khấu - Điện ảnh.

- Giả sử “tặng” anh thêm một quỹ thời gian nhiều hơn trong ngày, anh sẽ dùng nó vào việc gì?

- Tôi sẽ đi làm phim.

- Vậy một đạo diễn sân khấu Mạnh Cường và một đạo diễn điện ảnh Mạnh Cường khác nhau thế nào?

- Khi làm đạo diễn sân khấu, tôi sẽ thảnh thơi sáng tạo trực tiếp trên một sàn diễn rộng khoảng từ 80 đến 100m2. Còn đạo diễn điện ảnh, nó sẽ cho tôi nhiều nấc sáng tạo khác nhau, từ viết phân cảnh, ở trường quay, ngồi dựng phim… Đặc biệt khi dựng phim, tôi thường miệt mài không muốn ngừng nghỉ, lắm khi thâu đêm suốt sáng. áp lực lao động của đạo diễn điện ảnh thật sự vất vả.

- Anh có thấy gần đây người ta hay đề cập đến cụm từ “đỉnh cao”: nghệ thuật đỉnh cao, tác phẩm đỉnh cao…?

- Nghệ thuật không có đỉnh cao! Văn nghệ sỹ đúng nghĩa không bao giờ coi bản thân, coi tác phẩm của mình sáng tạo ra là nhất, là đỉnh cao. Nếu ai bỗng dưng tự coi mình là số 1 thì người đó không còn cái gì cả đâu, tôi khuyên họ nên bỏ nghề. Bởi, chúng ta làm nghệ thuật vì công chúng. Giá trị của “đỉnh cao” nghệ thuật sẽ do công chúng mang đến từ sự nhận định, phán xét của họ.

- Trân trọng cảm ơn NSƯT Mạnh Cường!

Theo An ninh thủ đô.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC