13 năm gắn bó với những học sinh chưa một lần nhìn thấy mặt trời, cô Lê Thu Hương, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (Hà Nội) đã sáng tạo ra bộ công cụ giúp các em khiếm thị học Toán.
Tốt nghiệp khoa Toán, ĐH Sư phạm I năm 1981, Lê Thu Hương khiến nhiều người ngạc nhiên khi chọn Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (Hà Nội), ngôi trường tưởng chừng không có nhiều cơ hội để cô thể hiện năng lực chuyên môn.
Bỏ qua mọi lời khuyên, Thu Hương quyết tâm gắn bó với những học sinh trong ngôi trường này. Năm 1997 cô lại khiến mọi người bất ngờ khi lựa chọn gắn bó với khối học sinh khiếm thị. "Các em không thể nhìn mà chỉ có thể sờ để nhận biết đồ vật, nhưng không có sách chữ nổi, đồ dùng học tập hầu như không có. Học Văn các em có thể nghe cô đọc hiểu, chứ mỗi giờ học Toán đối với cả cô và trò vô cùng gian nan", cô Hương tâm sự.
Mỗi buổi lên lớp, chứng kiến học trò phải vật lộn với từng con số, phép toán, đồ thị và hình học không gian, cô Hương vừa đau đớn, vừa cảm phục ý chí của các em. Cô quyết tâm phải làm gì đó để giúp đỡ học trò tiếp thu dễ dàng hơn. Từ đó lúc ở trường cũng như ở nhà, cô giáo này luôn tìm tòi cách thể hiện các hình học, minh họa, diễn giải những đồ thị cho các em dễ hình dung.
Cô Hương suy nghĩ hình parapol hệ số dương giống như cái chén để ngửa, hình parapol hệ số âm giống như cái chén úp, đường thẳng vuông góc với mặt phẳng như cánh tay giơ phát biểu đặt vuông góc với mặt bàn… Những ví dụ ấy đã khiến cho giờ Toán vốn khô khan với học sinh bình thường và càng khó khăn hơn với học trò khiếm thị đã trở nên dễ hiểu, sinh động hơn rất nhiều.
Nhìn các em phấn khởi học tập, cô Hương nảy ra ý tưởng về một bộ sách giáo khoa dành cho học trò khiếm thị. Ban đầu là những hình vẽ được xoắn bằng sợi dây đàn, dây gai nhỏ và dùng băng dính, hồ dán gắn lên mặt bìa cứng... Nhưng cách làm này rất mất thời gian, lại không dùng được lâu vì chỉ một thời gian ngắn, các chỗ dính keo bung ra, không dùng được nữa.
"Một hôm ngồi chơi với đứa cháu học Mỹ thuật, thấy nó dùng băng dính hai mặt vê lại thành sợi mì, tôi nảy ra ý tưởng bằng cách tương tự làm các hình học, đồ thị. Cách này làm nhanh, dễ, lại có độ bền lâu. Để cho hết dính, tôi dùng phấn rôm rắc lên phía trên, rồi vuốt lại cho mịn", cô Hương hồ hởi kể lại.
Từ đó, những bài hình học với học sinh khiếm thị đơn giản hơn nhiều. Các em chỉ cần sờ tay theo băng dính là có thể hiểu được hình vẽ. Với những học sinh có thị lực khá hơn, cô Hương vẽ hình trên máy vi tính, in âm bản, ép plastic, rồi lấy kim châm theo nét vẽ. Học sinh sờ theo nốt kim châm mà đọc được hình.
Vừa dạy vừa rút kinh nghiệm, sau bốn năm, cô Hương đã hoàn thiện bộ công cụ dạy học cho học sinh khiếm thị. Sáng kiến này đã nhận được giải A cấp thành phố Hà Nội năm học 2005-2006. Ngày 22/5/2008, tại triển lãm Vân Hồ, bộ công cụ dạy học này giành vị trí cao nhất trong hàng trăm sáng kiến dạy học của cả nước.
Bên cạnh những công cụ giúp học sinh học Toán, cô Hương cùng đồng nghiệp đã sáng tạo ra bộ công cụ học Lý, Hóa. Chất lượng học sinh cũng được nâng cao, nhiều em khiếm thị đã đỗ đại họ, như Nguyễn Mạnh Cường, Hà Chương, Khúc Hải Vân, Trần Văn Hoan...
Nói về cô giáo cũ Thu Hương, hiệp sĩ công nghệ thông tin Khúc Hải Vân cho biết: "Đó là người cô tận tâm với nghề và giàu lòng nhân ái. Nếu không có sự quan tâm dạy dỗ của cô, chúng tôi khó có được ngày hôm nay".
TH.