Mẹ thấy tờ 200 nghìn đồng rớt thì kêu con nhảy xuống giữa đường nhặt, ba phớt lờ lời cảnh tỉnh của đứa con để vượt đèn đỏ... Khái niệm "văn hóa giáo thông" dường như còn xa lạ đối với người dân Sài Gòn.

Theo Sở Giao thông vận tải, văn hóa giao thông kém là nguyên nhân của 665 vụ ùn tắc từ đầu năm (chiếm gần 81%), làm 557 người chết (chiếm gần 81,5%). Hội thảo khoa học Giải pháp xây dựng văn hóa giao thông trong đô thị tại TP HCM sáng nay nêu lên một hiện trạng: dường như "văn hóa giao thông" đang dần bị quên lãng tại thành phố này.

Người Sài Gòn thờ ơ với
Kẹt xe khiến nhiều người phải leo lên lề thoát thân.

Câu hỏi đơn giản được các đại biểu, nhà khoa học đặt ra "tại sao người đi đường lại vi phạm giao thông". "Khảo sát 400 người thì có tới (71,8%) khẳng định là do không nhìn thấy công an, 55% làm theo người khác và vội công việc chiếm 54,3%. Tất cả đều thuộc về ý thức, thái độ ứng xử của người tham gia giao thông", ông Nguyễn Hữu Nguyên, Viện nghiên cứu phát triển TP HCM nói.

Đồng tình với quan điểm trên, Trưởng bộ môn tâm lý học trường Đại học sư phạm TP HCM Huỳnh Văn Sơn kể lại một ví dụ mà ông trực tiếp chứng kiến: một bà mẹ đang chở con đi trên đường, thấy tờ 200 nghìn đồng liền kêu đứa bé nhảy xuống lấy khiến phương tiện đi sau bị bất ngờ phải cuống cuống tránh.

Trường hợp khác, gần tới một ngã tư, đứa bé ngồi sau nhắc ba: đèn vàng ba chạy từ từ thôi nhưng người đàn ông nhanh chóng phóng xe qua nhanh với lời giải thích: "Có công an đâu con".

Ngoài vấn đề chủ quan thuộc về ý thức của mọi người, hầu hết các đại biểu đều cho rằng chính áp lực giao thông, hạ tầng không đáp ứng nổi, chế tài lỏng lẻo là lý do khiến mọi người dù muốn thực thi "văn hóa giao thông" cũng rất khó.

Những lúc bị ùn ứ tại đường chật, lô cốt nhiều người bắt đầu: leo lề, vượt đường, làm mọi cách để thoát khỏi dòng xe. Đó là một hiện trạng không thể chối cãi tại Sài Gòn hiện nay.

"Người nước ngoài qua Việt Nam cũng vi phạm luật thường xuyên, vì ở nước họ sẽ bị kiểm soát bằng các công nghệ cao hơn chúng ta như Tokyo dùng 17.000 camera giám sát trên đường", ông Nguyên nêu quan điểm.

"Với cơ sở hạ tầng như thế này khi bị tắc đường kẹt xe người ta phải lựa cách đi chọn hợp lý. Việc cấp bằng lái xe cũng nên xem lại, 60% số sinh viên được hỏi không hiểu luật, có bằng chỉ để chống chế, trên 50% trả lời trước khi có bằng và sau khi có bằng đều không đi khác nhau.", ông Phạm Đức Trọng, Trưởng khoa xã hội học Đại học nhân văn cho biết. Ông khẳng định: "lỗi này do quản lý".

Khái niệm "văn hóa giao thông" xa lạ, dẫn đến việc giao thông thành phố đã rối loạn càng thêm khó quản lý. Nhiều đại biểu khẳng định những thói quen không tốt về giao thông này đã hình thành từ lâu và xuất phát từ sự giáo dục.

"Chúng ta không có chương trình giáo dục an toàn giao thông thì đừng đòi hỏi có khái niệm văn hóa giao thông", ông Sơn nêu quan điểm.

Đứng về khía cạnh xã hội, theo ông Trọng muốn thay một hành vi ít nhất phải mất cả gần một thế hệ như Singapore cũng phải tốn vài chục năm mới xây dựng văn hóa giao thông ổn định.

Thống kê của Sở Giáo dục Đào tạo TP HCM, hiện có 1.500 trường học với gần 1,3 triệu học sinh nên vấn đề giáo dục ý thức giao thông cho thế hệ tương lai này theo các đại biểu là đóng góp một phần quan trọng vào việc xây dựng văn hóa giao thông.

Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC