Hugo (tóc trắng) và bạn đời Amanda trong nông trại Orlar ở huyện Lạc Dương, Lâm Đồng - Ảnh: NVCC
Ngoài ra còn có những "cây cầu nối hữu nghị" khác giúp thúc đẩy quan hệ hai quốc gia, đó là những người Úc chọn lập nghiệp ở Việt Nam.
"Người Úc hay người Việt đều yêu thích những phút giây cười sảng khoái bên vài ly bia, nhưng việc đến từ các nền văn hóa khác nhau đòi hỏi chúng tôi có những nỗ lực đáng kể để tạo dựng sự tin tưởng lẫn nhau, để một ly bia không chỉ dừng lại ở những tiếng cười trên bề nổi.Matt chia sẻ về một trong những điểm tương đồng giữa người dân hai nước.
Tiến sĩ làm nông nghiệp sạch
Tiến sĩ Lyndal Hugo là đồng sáng lập Công ty Orlar, chuyên về khoa học nông nghiệp. Bà có bằng tiến sĩ Đại học Sydney (Úc) về hóa học môi trường và nghiên cứu sau tiến sĩ về dư lượng thuốc trừ sâu trong chuỗi thức ăn Đông Nam Á.
Trong quá trình làm việc cho các công ty khai khoáng và nông nghiệp lớn, Hugo phát hiện một loại đá đặc biệt có thể thay đất hoàn toàn trong các hệ thống trồng cây thẳng đứng. Bằng phương pháp xử lý riêng, loại đá, gọi là "Orlarock", có thể hấp thu tất cả các chất dinh dưỡng bổ sung từ phân bón, giúp cây chống lại bệnh tật.
Orlarock là bí mật giúp cây trồng, dù là xà lách hay dâu tây, của công ty không bị nhiễm bệnh từ các mầm bệnh trong đất trồng truyền thống, giúp nâng cao hiệu quả và giảm chi phí chăm sóc. Với khả năng giữ nước và cách nhiệt, trong trụ trồng, loại đá này đã trở thành "ngôi nhà" cho hàng nghìn tỉ vi khuẩn có ích giúp rễ cây phát triển. Hết các chu kỳ trồng, Orlarock được xử lý để tái sử dụng vô thời hạn.
Tin vào tiềm năng của Orlarock và sau nhiều thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng như ở thực tế đồng ruộng, Hugo và bạn đời - Amanda Cornelissen (hiện là trưởng bộ phận trồng trọt của công ty) - đến Việt Nam thực hiện giấc mơ của họ vào năm 2017. Trước đó, hai người thành lập Công ty Orlar ở Brisbane (Úc) vào năm 2014.
"Chúng tôi bán ngôi nhà của mình và đầu tư toàn bộ, cả tiền tiết kiệm, để thành lập đội ngũ và cơ sở thực nghiệm đầu tiên ở TP.HCM. Lúc đó, chúng tôi không hề biết hành trình này sẽ đưa mình đến đâu", Hugo nhớ lại.
"Khi đó, hai chiếc vé một chiều về Úc là 600 USD, nhưng trong mấy năm trời, chẳng bao giờ chúng tôi có hơn số tiền đó trong tài khoản ngân hàng. Chúng tôi suốt ngày ở trang trại thực nghiệm. Nền nhà bụi bặm và múc nước trong thùng mà xối lên người để tắm", Hugo kể về những vất vả buổi đầu.
Vượt qua rất nhiều khó khăn, đặc biệt giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt trong dịch COVID-19, giờ đây công nghệ trồng trọt thẳng đứng của công ty nhận được nhiều sự chú ý và tiền đầu tư từ các chính phủ. Một trong số đó là khoản đầu tư trị giá 350.000 euro cùng với gói hỗ trợ kỹ thuật SNV từ Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) năm 2020.
Nhờ các lợi ích công nghệ, giá rau hữu cơ từ Orlar được bán ở mức 1-4 USD/kg, hướng đến thị trường cấp trung. Công ty đang trồng 26 loại rau khác nhau như xà lách, cải thìa, hoa ăn được, rau thơm, cà chua, cải xoăn, dâu tây… cho hàng trăm khách sạn, nhà hàng, siêu thị và cửa hàng thực phẩm tại Việt Nam.
Với Hugo, sản phẩm của Orlar có mặt trên các kệ hàng của siêu thị có nghĩa là nhiều người sẽ tiếp cận được với thực phẩm sạch hợp túi tiền, giúp bà tiệm cận giấc mơ đưa rau trái hữu cơ ở các trang trại của Orlar có mặt trong các bữa ăn của mọi gia đình Việt Nam. Còn hiện tại, Hugo và bạn đời Amanda mong muốn hòa mình vào cuộc sống ở Việt Nam - đất nước mà cả hai vô cùng yêu mến.
Matthew Cowan (trái) trải nghiệm bánh mì - món ăn nổi tiếng của Việt Nam - Ảnh: NVCC
Lập trang web quảng bá Việt Nam
Năm 1999, Matthew Cowan lần đầu đặt chân đến Việt Nam du lịch. Sau khi trở về Úc, năm 2010 một lần nữa "duyên nợ" tiếp tục đưa Matt quay lại đất nước hình chữ S để làm việc.
Tháng 1-2018, Matthew Cowan sáng lập The Bureau Asia - một trang web với những câu chuyện về du lịch, ẩm thực, phong cách sống. Và hẳn nhiên, Việt Nam nằm trong số những chủ đề phổ biến.
Bên cạnh số ít những cây viết cộng tác, khoảng 95% nội dung trên kênh do chính Matt thực hiện, với sự hỗ trợ tinh thần từ vợ anh - Melanie Casul. Melanie cũng là người đồng hành cùng Matt trong suốt hành trình tại Việt Nam, ủng hộ, hỗ trợ và thậm chí còn hạnh phúc hơn cả Matt khi thấy mỗi bước tiến của anh.
Quá trình sản xuất nội dung không chỉ giúp Matt chuyển tải tình yêu dành cho Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, mà còn mang lại cho anh những người bạn và ký ức tuyệt vời.
"Tôi nghĩ không có quá nhiều người nước ngoài sẽ thay đổi nghề nghiệp hoàn toàn ở tuổi 40, tại một quốc gia mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ thứ nhất. Thế nhưng, nhờ đó, tôi nhận được nhiều điều mà tôi sẽ không bao giờ có nếu như làm một công việc từ 9h sáng đến 5h chiều. Cuộc sống bây giờ hoàn toàn trái ngược với cuộc sống trước kia của tôi, nhưng cũng giúp tôi học được rất nhiều", anh nói.
Trong chuyến đi tìm nghĩa trang cá voi ở làng chài nhỏ Phước Hải, phía bắc Vũng Tàu, Matt tình cờ gặp những ngư dân dùng máy cày để kéo thúng đánh cá lên bờ. Đó là câu chuyện mà Matt thấy ấn tượng và thú vị nhất trong số những bài viết về Việt Nam do anh từng thực hiện.
"Tôi chưa từng thấy cảnh tượng nào như vậy trước đây. Với xuất thân từ gia đình làm nông ở Úc, tôi đã rất thích thú quan sát các ngư dân và trò chuyện với họ về cuộc sống. Họ dùng những chiếc máy cày hệt như thứ mà tôi đã lái khi còn nhỏ ở nông trại, nhưng lại ở biển", Matt nhớ lại.
Bất chấp nhiều thử thách, Matt nói anh vẫn yêu thích sáng tạo, nhất là khi mọi người nói họ thích một bài báo hoặc một video nào đó mà anh từng xuất bản. Với đam mê này, kế hoạch cho năm 2023 và tầm nhìn dài hạn đã được Matt chuẩn bị.
"Tôi đã có danh sách các ý tưởng cho video, phát triển các nội dung trên YouTube, website và podcast một cách nhất quán hơn. Về cơ bản, The Bureau Asia sẽ là nền tảng về châu Á, nơi tôi có thể mang lại cho khán giả những nội dung vừa giải trí, vừa mang tính giáo dục về Việt Nam và các quốc gia khác. Điều này sẽ khiến tôi bận rộn hơn rất nhiều, nhưng hãy xem mọi thứ sẽ đi đến đâu!", anh cười.
Trồng cây thẳng đứng là gì?
Phương pháp trồng cây thẳng đứng mới của Orlar có thể sản xuất đến 20 tấn rau trên mỗi ha/tháng.
Công ty có khoảng 20.000 trụ trồng ở các trang trại của mình. Mỗi trụ cao 2m, trồng 20 gốc rau nên cực kỳ tiết kiệm diện tích. Được tưới bằng công nghệ nhỏ giọt, cung cấp chính xác lượng nước mà cây cần, phương pháp này giúp tiết kiệm nước đến 95% so với các kiểu làm vườn thông thường. Theo tính toán, rau của Orlar dùng chỉ 30 lít nước cho 1kg mà hiệu quả kinh tế trên mỗi kg có thể gấp bốn lần.
Nhà kính của Orlar không chiếu sáng nhân tạo mà tận dụng ánh sáng tự nhiên nên chỉ dùng 0,05% năng lượng so với các mô hình canh tác thẳng đứng khác - vốn cần rất nhiều điện cho chiếu sáng nhân tạo.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online