Chất liệu tốt, mẫu mã phong phú và đa dạng, giá cả lại cạnh tranh... các mặt hàng sản xuất trong nước hiện thu hút được sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng, từ sinh viên đến công chức.
Theo Sở Công Thương TP HCM, 6 tháng đầu năm vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", doanh số bán hàng trên địa bàn tăng 30-40%, riêng hệ thống siêu thị Co.op, doanh thu lên 70%.
Số lượng hàng Việt ngày càng chiếm tỷ lệ lớn tại các trung tâm thương mại hay hệ thống siêu thị lớn như Co.op Mart, BigC, Maximark... Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại siêu thị BigC cho biết, hiện hàng nội được bày bán trong các siêu thị BigC chiếm tới 95%.
"Không chỉ tăng về số lượng được bày bán, mà tiêu thụ 6 tháng đầu năm cũng đã tăng cao đáng kể, đặc biệt là trong các đợt khuyến mãi lớn", bà Trang nói.
Theo bà Trang, nguyên nhân chính khiến khách hàng ngày càng chuộng hàng Việt là do chất lượng, mẫu mã hàng hóa đã được cải tiến nhiều, giá cả cũng cạnh tranh hơn. Thêm vào đó, siêu thị đưa ra chính sách khuyến khích người dân sử dụng hàng Việt.
Tương tự, tại siêu thị Maximark, Hà Nội... lượng hàng được sản xuất trong nước cũng chiếm tỷ lệ áp đảo trên các gian hàng. Ngay ở các shop thời trang, cửa hàng... sự xuất hiện của hàng Việt cũng khá phổ biến.
Trên đường Tên Lửa, quận Bình Tân, gần đây nhiều shop thời trang chuyên bán về hàng Việt mọc lên như nấm. Chị Thanh, chủ một shop quần áo nằm trên đường này cho biết, tất cả mẫu đồ ở đây đều là hàng sản xuất trong nước, từ các thương hiệu lớn như Việt Tiến, Việt Thắng, Thành Công... cho đến những thương hiệu nhỏ, ít người biết đến. "Ngày nào cửa hàng cũng có rất đông khách đến mua sắm, nhất là ngày cuối tuần. Doanh số bán hàng trong ngày cao điểm có khi đạt gần chục triệu đồng", chị Thanh nói.
Lan Anh, một khách hàng đang tìm cho mình những kiểu áo sơmi mới tại shop này nhận xét, hàng Việt hiện nay có rất nhiều mẫu mã đẹp, chất liệu tốt không thua kém hàng ngoại, trong khi đó giá cả cũng phải chăng.
Đánh giá là cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt bước đầu đã tạo chuyển biến nhất định trong nhận thức của người tiêu dùng, song bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, những hoạt động bán buôn, bán lẻ trong cộng đồng khu dân cư thời gian tới sẽ phải có kế hoạch chặt chẽ hơn để kích thích sức mua.
Theo đó, bà Hồng cho biết, nửa năm còn lại TP HCM tiếp tục thực hiện 5 nhóm giải pháp chính: công tác thông tin tuyên truyền, khuyến khích dùng hàng Việt, kết nối các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và kiểm soát tốt thị trường.
"Đây là chương trình dài hạn có thể thực hiện kéo dài trong nhiều năm. Thời gian tới, thành phố vẫn tập trung vào 3 đối tượng khách hàng cụ thể để tuyên truyền dùng hàng Việt: cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng", bà Hồng nhấn mạnh.
Theo VNE.