Lối sống tha hóa đạo đức của một bộ phận không nhỏ của giới trẻ trong xã hội ta có một nguyên nhân cần nhấn mạnh là do ảnh hưởng của những gì đang diễn ra trong cuộc sống hiện nay.
Nếu chúng ta nhìn vào những gì đã và đang diễn ra hằng ngày sẽ thấy những hiện tượng tha hóa đạo đức không phải là hành động bột phát, mà hầu như chúng tuân theo “quy luật nhân quả”; những hành vi đáng tiếc đó được “lập trình” từ trước do những ảnh hưởng không mong muốn của xã hội.
Ngày nay, hầu như ở địa phương nào cũng thấy xảy ra hiện tượng học sinh quậy phá lôi kéo bè cánh để đánh nhau (cả trai lẫn gái), thậm trí hành hung cả thầy cô giáo, rồi con giết cha, anh giết em; trẻ vị thành niên cũng gây ra nhiều vụ án mạng...
Những hành vi tàn bạo được đăng trên mặt báo chỉ là một phần nổi của “tảng băng” hơn 80 triệu dân của đất nước VN này. Nếu muốn tìm hiểu nguyên do, ta nên đi sâu vào gia đình, “gia đình chính là một phần tử của xã hội, gia đình mà tốt đẹp thì xã hội mới tốt đẹp được”, đây chính là bài học giáo dục công dân của cấp hai. Thế mà gia đình trong xã hội ta ngày nay có những “lỗ hổng” rất lớn, hầu như người nào sống biết người đó: cha có việc cha, mẹ có việc mẹ, ai cũng phải vật lộn với cuộc sống với đồng tiền. Sau giờ làm, cha bận “tiếp khách” ở quán nhậu, mẹ bận việc nhà, thế là cha mẹ không có thời gian dành cho con cái, bữa cơm gia đình thường không có đủ mặt, chưa kể cha mẹ còn xích mích cãi vã, thế là sự “quan tâm” của cha mẹ với con cái chỉ là tiền cho con đi học, học chính quy, học thêm, học đàn, học nhạc, học võ...,và những lời khuyên chỉ là quở trách và la mắng. Dần dà con cái không biết nương tựa vào ai, không biết tâm sự cùng ai. Một số sẽ sinh ra cách sống đơn độc, nhút nhát,khó gần, số khác sẽ tụ tập với những kẻ “cùng tâm trạng” để quậy phá xưng hùng xưng bá, sống bất cần đời.Và để lấy “số má” với bạn bè, chúng sẽ làm bất cứ gì, chơi bất cứ thứ gì để chứng tỏ “đẳng cấp”, “thua trời một vạn không bằng kém bạn một li” mà!
Xã hội chúng ta cũng chưa quan tâm đáng kể tới việc tạo ra nơi giải trí cho thanh thiếu niên (nếu có thì cũng quá đắt đỏ đối với học sinh). Các Nhà Văn hóa quân huyện, phường xã thì hoạt động không đúng mục đích, đa số cho thuê dạy erobic, dạy võ, có nơi còn cho thuê để kinh doanh vũ trường. Thế là học sinh, sinh viên không biết giải trí ở đâu sau giờ học, chỉ biết vùi đầu vào các tiệm net với đủ các trò chơi bạo lực, bệnh hoạn của nước ngoài có, trong nước có, hợp pháp có, phi pháp có. Nếu giới trẻ không bị tiêm nhiễm những văn hóa đồi trụy và bạo lực này thì mới là điều lạ chứ giới trẻ bị ảnh hưởng bởi những thứ rác rưởi trên mạng thì không có gì là bất bình thường. Thế nhưng các chủ nhân của những trang web này, trò chơi này vẫn hoạt động bình thường, họ có công ty trụ sở hẳn hoi, và panô quảng cáo vẫn nhan nhản khắp nơi với đủ màu sắc và hình ảnh bắt mắt. Và hậu quả của những trò chơi đó thì xã hội đã rõ nhưng không hiểu sao chính quyền các cấp chưa có hành động đáng kể nào để ngăn chặn những hoạt động kinh doanh những trò chơi bạo lực và đồi trụy.
Trên đây chúng ta mới điểm qua những khiếm khuyết trong giáo dục gia đình cũng như việc thiếu quan tâm của xã hội trong việc tạo ra những sân chơi lành mạnh cho giới trẻ. Còn giáo dục ở nhà trường thì sao? Thật ra trên một đất nước với truyền thống “tôn sư trọng đạo, tiên học lễ hậu học văn” nhưng nhà trường nói chung mới chỉ quan tâm đến việc “dạy chữ” mà ít quan tâm đến việc “dạy người”. Một số nhà giáo chưa nêu gương về đạo đức cho học sinh noi theo; nhiều người chưa hoàn thành nhiệm vụ dạy “lễ” của mình. Vẫn còn đó việc dạy thêm dạy kèm để kiếm thêm thu nhập (cũng có thể thông cảm vấn đề này vì lương giáo viên còn quá thấp); đáng trách là việc dạy học của các thầy cô chưa đúng với lương tâm và trách nhiệm của nhà giáo.
Giới trẻ nói chung, nhất là trẻ vị thành niên rất dễ bị ảnh hưởng bởi văn hóa xấu, hay chịu ảnh hưởng từ những thói xấu của người lớn. Nếu người lớn làm những việc xấu vi phạm đạo đức thì khó tránh cho trẻ con bắt chước. Ở nhà cha mẹ chửi thề chửi tục thì làm sao con cái không chửi thề được. Rồi đi ra đường nhìn thấy xe cộ chạy lạng lách, đường ai nấy chạy, bất kể đèn xanh đèn đỏ, thì làm sao mà bọn trẻ không bị cấy vào đầu những thói quen xấu được. Rồi chuyện xả rác lung tung cũng rất phổ biến; nếu đến cổng trường sau giờ tan học thì cổng trường ngập rác, không biết phụ huynh xả rác (đón con đi học về) hay học sinh xả nhưng với cảnh tượng đó thì làm sao không ảnh hưởng đến nếp sống của bọn trẻ.
Nếu kể ra đây những chuyện tương tự thì có lẽ không bao giờ hết, cho nên tôi tạm dừng bài viết ở đây và mong mọi người suy nghĩ ra giải pháp khắc phục hay đành lòng với câu thành ngữ: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”!
Theo Dân trí.