Nhà báo tác nghiệp là thi hành công vụChưa có vụ hành hung nhà báo nào được khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ.

Ngày 26-4, Hội Nhà báo VN và Báo Điện tử Công Luận đã tổ chức hội thảo “Tình hình hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp”. Tại hội thảo, vấn đề được hầu hết đại biểu nêu ra là “Vì sao nhiều nhà báo bị cản trở, hành hung trong thời gian qua? Phải chăng đang có kẽ hở trong luật pháp?”.

Chưa xử lý đến nơi, đến chốn

Nhà báo Trần Đức Chính, Tổng Biên tập Báo Điện tử Công Luận (Hội Nhà báo VN), chủ trì buổi hội thảo, nhận định: “Đây đã là thời điểm cần phải gióng lên hồi chuông cấp thiết trước vấn nạn nhà báo bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp”. Diễn tả mối nguy hại này, ông Chính dẫn ra báo cáo thống kê vụ việc liên quan đến việc bảo vệ quyền hành nghề của hội viên (từ năm 2006 đến hết quý I/2010) của Ban Kiểm tra Hội Nhà báo VN, cho thấy đã có 18 vụ cản trở, hành hung nhà báo.

Trong đó, có 5 vụ cản trở (chiếm 27,8%), 13 vụ hành hung (72,2%). Tuy nhiên, trong 13 vụ hành hung, chỉ có 4 vụ được cơ quan chức năng khởi tố (30,7%), 9 vụ không khởi tố (69,3%). Số vụ có khởi tố mà không xét xử là 3, chỉ có 1 vụ được đưa ra xét xử.

Để xảy ra liên tiếp các vụ tấn công nhà báo, theo ông Chính, do các vụ cản trở, tấn công đã không được xử đến nơi, đến chốn theo đúng pháp luật. Chứng minh điều này, ông Chính cho biết cho đến nay, 4 vụ hành hung nhà báo được khởi tố hình sự đều căn cứ theo điều 104 của Bộ Luật Hình sự là cố ý gây thương tích hoặc các điều luật khác, chưa có vụ nào khởi tố theo điều 257 là “Chống người thi hành công vụ”.

Sao không mở rộng khái niệm công vụ ?

Nhà báo Phan Lợi, Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Pháp luật TPHCM tại Hà Nội, bày tỏ: “Chúng tôi chỉ hiểu đơn giản công vụ là người thực hiện nhiệm vụ công, không cần người thực hiện nhiệm vụ phải là biên chế Nhà nước và thuộc cơ quan công quyền. Bởi thực tế, khi tham gia công tác giải phóng mặt bằng, khi một dân phòng bị tấn công, người tấn công bị khởi tố hình sự về hành vi tấn công người thi hành công vụ".
 
Trong khi, cán bộ dân phòng chỉ là người lao động ký hợp đồng lao động ngắn hạn với UBND phường”. Trong khi đó, tại điều 1 Luật Báo chí ghi rõ: “Báo chí ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội... Chỉ thị 37 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Không cho phép báo chí phục vụ lợi ích nhóm hoặc lợi ích cá nhân”.

Luật sư Trần Đình Triển bày tỏ: “Tôi rất lấy làm lạ là đến nay, Việt Nam chưa có khái niệm đầy đủ về công vụ. Công vụ không nhất thiết phải là công chức. Quy định pháp luật đã mở rộng chủ thể công chức sao không mở rộng khái niệm công vụ? Hoạt động báo chí chính là công vụ vì hoạt động này không vì lợi nhuận”.

Tại hội thảo, tất cả các đại biểu tham dự đều thống nhất cần sửa đổi, bổ sung kịp thời quy định rõ ràng về hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ. Bà Nguyễn Mai Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thư viện và Nghiên cứu khoa học của Văn phòng Quốc hội, kiến nghị điều chỉnh quy định pháp luật đối với việc tấn công nhà báo là tấn công người thi hành công vụ phải được thể hiện trong Luật Báo chí.

Theo NLĐ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC