Bị hỏng cả hai mắt, mỗi lần đi chụp ảnh, ông thường trò chuyện, lắng nghe tâm trạng, cảm xúc của nhân vật và thông qua tiếng động để bấm máy. Ông đã chụp gần 2.000 tấm ảnh, tham gia nhiều cuộc triển lãm.
Ông là Ngô Văn Biểu, 40 tuổi, ở xã Quang Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hoá). Tại triển lãm ảnh "Vượt dốc" do Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ em mồ côi tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Tổ chức dịch vụ phát triển Đức diễn ra đầu tháng 11, không ít khách tham quan bị cuốn hút khi nghe ông Biểu khiếm thị giới thiệu về 6 bức ảnh triển lãm của mình.
Tai nạn ập đến với ông Biểu năm 2000 trong một lần cưa giúp hàng xóm chiếc bình ga cũ, vô tình để bụi sắt bay vào mắt và sau đó không chữa trị kịp thời. Không nhìn thấy ánh sáng, cuộc sống của ông lâm vào bế tắc. Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai người vợ với hai đứa con, cháu trai 12 tuổi bị thiểu năng trí tuệ, cháu gái 9 tuổi bị cận thị bẩm sinh.
"Nhà có 4 người thì 3 khuyết tật. Sau nhiều đêm mất ngủ, ứa nước mắt vì thương vợ và con thơ, tôi quyết định phải sống và sống có ích”, ông nhớ lại. Ông Biểu tìm đến từng người khuyết tật trong huyện để vận động tham gia câu lạc bộ “Vì màu xanh tương lai”, do ông sáng lập với mục đích tạo việc làm, môi trường sinh hoạt cho những người cùng cảnh ngộ, giúp họ xoá đi mặc cảm và hoà nhập cộng đồng.
Ông Biểu đến với nghề chụp ảnh rất tình cờ. Năm 2008, khi nghe về chương trình đào tạo nhiếp ảnh cho người khuyết tật do Tổ chức Dịch vụ phát triển Đức tài trợ, ông đăng ký ngay. Người phản đối đầu tiên là vợ ông. “Anh bị mù sao chụp được ảnh? Nhưng thấy chồng quyết tâm, tôi cũng chiều”, bà Nguyễn Thị Đào, vợ ông Biểu nhớ lại lần đưa chồng ra bến xe lên tỉnh học ảnh.
Khoá học kéo dài 5 tháng, trong số học viên khuyết tật chỉ có ông Biểu là khiếm thị. “Lúc đầu mấy thầy ái ngại với tôi. Chụp ảnh cần đến mắt nhưng tôi lại bị mù. Nhưng thấy tôi ham học nên họ cũng tận tình chỉ bảo, từ cách làm quen với máy, cách chọn bố cục hình ảnh, cách chụp... Còn tôi tự khắc phục khiếm khuyết của mình bằng cách chụp ảnh bằng ký hiệu âm thanh”, ông kể.
Tất cả học viên tham gia khoá học đều được trang bị máy ảnh kỹ thuật số. Do không thể sử dụng triệt để các chế độ chỉnh tay, canh nét, ông Biểu phải nhờ bạn cài đặt sẵn máy ảnh theo chế độ tự động. Để đi được nhiều nơi, chụp được nhiều ảnh, ông Biểu nhờ vợ chở. Đến mỗi địa điểm hay nhân vật cần chụp, ông chuyện trò làm quen, rồi gợi ý xin được chụp ảnh. Ban đầu, người dân rất ngại, nhưng thấy ông năn nỉ quá, họ cũng thuận theo.
“Gặp nhân vật, tôi không chụp ngay vì như thế sẽ mất tự nhiên. Tôi trò chuyện, lắng nghe cảm xúc, tâm trạng của họ, rồi thông qua tiếng động để bấm máy. Sau mỗi lần chụp về, tôi lại mang sản phẩm đến nhờ những người sáng mắt đọc (về khoảng cách, bố cục, ánh sáng…) và qua đó chọn ra bức ảnh theo ý tưởng của mình”, ông Biểu giải thích.
Chứng nhận ông Biểu học xong khóa nâng cao về nhiếp ảnh. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Ông Biểu thường chọn chủ đề về người khuyết tật để bắt đầu “nghiệp” chụp ảnh. “Tôi muốn chụp họ bởi trong xã hội nhiều người còn kỳ thị, cho rằng những người khuyết tật là vô ích, ăn bám”, ông giải thích. Năm 2009, trong số 91 bức ảnh của 16 “nhiếp ảnh gia” khuyết tật tham gia triển lãm “Đối mặt” tại Viện Goethe Hà Nội, riêng ông Biểu có 14 bức.
Ông Nguyễn Minh Châu, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh Thanh Hoá, điều phối viên của dự án đào tạo nhiếp ảnh cho người khuyết tật nhận xét về ông Ngô Văn Biểu: “Anh Biểu là người khiếm thị nhưng nhận thức và tiếp thu bài rất nhanh. Đặc biệt anh có góc nhìn về ảnh được các thầy nước ngoài rất thích. Chúng tôi vừa tổ chức khoá học nâng cao nhiếp ảnh kỹ thuật số cho Hội nhiếp ảnh khuyết tật tỉnh và anh Biểu là hội viên đầu tiên được chúng tôi mời tham gia”.
“Mọi người đều khen những bức ảnh của tôi thực với đời sống, nhưng đã khi nào tôi được nhìn thấy những bức ảnh của mình! Tôi luôn có cảm giác sinh con ra mà không được nhìn mặt con”, ông Biểu tâm sự.
Theo VNE.