Chưa hết kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, nhiều sinh viên đã vội quay trở lại các thành phố để làm thêm mặc dù kỳ nghỉ Tết theo lịch trên giảng đường đại học còn kéo dài.

Dịp nghỉ Tết là thời gian để sinh viên trở về quê nhà sau bao ngày học tập tại thành phố xa. Vì những dự định và mục đích khác nhau, nhiều bạn trẻ chỉ về nghỉ Tết được ít ngày rồi vội vã trở lại thành phố nơi đang học tập để thực hiện dự định của năm mới.

Đi kiếm tiền thay vì ở nhà chơi

Tâm lý kiếm tiền để giảm bớt gánh nặng cho gia đình là hướng suy nghĩ của nhiều sinh viên hiện nay. Họ phải làm quen với việc tự lập, tự kiếm sống, cân bằng việc học tập và làm thêm.

Nguyễn Thị Nga (Hà Tĩnh) sinh viên Đại học Y khoa Vinh, đang làm thêm công việc pha chế trong một quán Cafe tại Vinh cho biết, kỳ nghỉ Tết của trường cô khá dài, đến ngày 16 tháng giêng các sinh viên mới quay trở lại học tập, nhưng sáng mùng 4 tết, cô nàng đã bắt xe trở lại thành phố Vinh để đi làm.

1 Nhieu Sinh Vien Voi Tro Lai Thanh Pho Khi Ky Nghi Tet Con Dai

Nguyễn Thị Nga, sinh viên năm 3, Đại học Y khoa Vinh, Nghệ An (Ảnh: NVCC).

Khi được hỏi về lý do đi làm sớm, Nga bày tỏ: "Mình đi làm sớm là muốn kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, học phí ngành mình khá cao, tiền mình kiếm được cũng để trả chi phí các khoản sinh hoạt, ăn uống. Ngoài ra cũng giúp chủ quán làm việc trong khi đang thiếu nhân viên làm Tết.

Với mức lương 25 nghìn đồng cho một giờ làm việc ở quán Cafe tại Vinh là rất cao so với mình nghĩ, công việc cũng nhàn, có khách đến thì phục vụ, còn thời gian rảnh mình cũng có thể tranh thủ mang sách vở ra để học".

Nga cũng cho biết, hiện tại cô làm 8 tiếng/ngày, số tiền kiếm được là 200 nghìn đồng. Nga đang tranh thủ làm fulltime cho đến khi đến ngày đi học trở lại.

Tận dụng thời gian để trải nghiệm

Thay vì ở nhà nghỉ Tết, bạn Nguyễn Bá Khải, quê ở Quảng Ninh, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã lên Hà Nội vào mùng 6 để chuẩn bị cho những ngày làm việc đầu năm trong khi lịch nghỉ của nhà trường còn dài.

Khải đang là Thực tập sinh Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông. Chia sẻ về việc quay trở lại Thủ đô sớm, Bá Khải cho hay: "Bản thân mình tin chắc rằng không chỉ các bạn sinh viên mà bất cứ một người nào, trong không khí chào đón năm mới đều nô nức du xuân, đón năm mới trong tiết trời se lạnh.

Ai ai cũng mong muốn có thêm thời gian nghỉ sau một năm lao động tích cực. Tuy nhiên, đã đi làm thì phải tuân thủ quy định của nơi làm việc, bất kỳ ai cũng vậy kể cả cán bộ, công chức, viên chức.

Chính vì vậy, việc quay trở lại nơi làm việc sớm hơn so với những người bạn đồng trang lứa là một điều dễ hiểu, bản thân mình đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế theo đúng lịch trình nên mình không có gì để nuối tiếc".

2 Nhieu Sinh Vien Voi Tro Lai Thanh Pho Khi Ky Nghi Tet Con Dai

Nguyễn Bá Khải, sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh: NVCC).

Đối với người trẻ hiện nay, kinh nghiệm luôn là giá trị lớn để họ trau dồi. Họ tận dụng cơ hội để gặp những người có thể chỉ đường, dẫn lối cho họ. "Mình lên ngày mùng 6 Âm lịch, đầu năm được gặp các cán bộ lãnh đạo của cơ quan, các anh chị em đồng nghiệp... mình nghĩ những giá trị tuyệt vời ấy không có gì để hối tiếc so với thời gian được nghỉ ở nhà", Bá Khải chia sẻ.

Nói thêm về công việc hiện tại, Bá Khải bày tỏ, khi thực tập tại cơ quan đơn vị, Khải nhận được một ít kinh phí về xăng xe đi lại, ăn trưa. Quan trọng là được học hỏi từ các anh chị đi trước, đây là điều chàng trai muốn để có kinh nghiệm và tiền đề theo đuổi sự nghiệp trong tương lai.

Bàn về việc sinh viên hiện nay vừa đi học, vừa đi làm, Bá Khải chia sẻ: "Mình cảm thấy rằng sinh viên ngày nay có rất nhiều cơ hội để trau dồi kiến thức. Họ có thể tiếp cận những kiến thức, lĩnh vực mới thông qua việc làm thêm, tham gia các dự án, các chiến dịch…

Các bạn sinh viên cũng có thể cải thiện thêm thu nhập của chính bản thân để chi trả chi phí sinh hoạt trong khoảng thời gian học đại học, gánh vác bớt một phần cho gia đình. Việc làm thêm là việc khuyến khích của sinh viên hiện nay. Tuy nhiên, các bạn sinh viên cần biết rằng việc gì cũng là con dao hai lưỡi. Các bạn cần xác định việc học tập là việc chính và nên chọn các công việc làm thêm phù hợp với năng lực bản thân hoặc các công việc nhằm trau dồi chuyên môn…".

Người trẻ quay trở lại Thủ đô sớm vì công việc đó là điều họ sẵn sàng chấp nhận. Phải chăng họ đang suy nghĩ cho những điều xa hơn, hi sinh một thời gian nhất định để đổi lấy cuộc sống ổn định ở tương lai.

Bạn Lê Thị Hồng, sinh viên năm 3, Học viện Ngân hàng chia sẻ: "Chưa đến lịch học nhưng bản thân phải ra Hà Nội sớm để đi làm. Dù biết buồn và khó khăn nhưng lịch đi làm đã có.

Bản thân mình phải cố gắng để kiếm tiền, một khoản dù nhỏ hay lớn nhưng là sức lao động của bản thân, trang trải cuộc sống sinh viên, phụ giúp bố mẹ một phần. Hơn nữa, kinh nghiệm là thứ mình cần học hỏi, đó cũng chính là lý do để mình ra Hà Nội sớm".

3 Nhieu Sinh Vien Voi Tro Lai Thanh Pho Khi Ky Nghi Tet Con Dai

Lê Thị Hồng, sinh viên năm 3, Học viện Ngân hàng, Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Cô sinh viên cũng bày tỏ thêm về cảm xúc khi phải gói đồ trở lại Thủ đô sớm: "Thật sự thì mình nửa muốn nửa không. Không muốn bởi vì mình thích có nhiều thời gian bên cạnh gia đình và những người thân yêu hơn, một năm Tết có một lần, mình muốn dành thời gian nhiều cho gia đình.

Muốn ra Hà Nội sớm bởi vì mình nhớ Hà Nội, nơi đây đã gắn bó với mình những năm đại học, bản thân mình cũng nhớ công việc, ra Hà Nội để tiếp tục học tập và làm việc, xây dựng tương lai cho bản thân".

Hồng cho biết, hiện tại công việc làm thêm của cô là bán quần áo, cô học được nhiều thứ từ việc dọn dẹp, bày bố, seeding hay tiếp xúc với nhiều khách hàng, rèn luyện cách ăn nói…

"Bên cạnh đó mình còn có được một khoản thu nhập riêng, hỗ trợ phần nào để trang trải cuộc sống sinh viên, mua món đồ mình thích", Hồng cho biết.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC