Nhọc nhằn mưu sinh đời nữ cửu vạn giàCửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn những ngày cuối năm, hàng hoá qua lại kìn kìn, người xe tấp nập. Bởi sự đông đúc ấy nên người ta "quên mất" sự hiện hữu của một đội nữ cửu vạn già...

Trẻ cậy sức, già cậy… chăm

Năm giờ sáng, khi mọi người còn ngon giấc trong chiếc chăn ấm sực giữa tiết trời đông giá lạnh của miền núi, bà già người Tày Nông Thị Nhời vội vén màn, sục chân vào đôi giày bata lạnh ngắt mòn vẹt đế, khẽ khàng mở tấm liếp ra ngoài. Những bước chân cứ dò dẫm trong sương núi để đến “tập kết” nơi cửa khẩu Tân Thanh.

Ở khoảng sân rộng thênh thang trước cửa ngõ của Tổ quốc, đã có vài bà già trực sẵn. Những chiếc xích lô Tàu (một loại xe ba gác), xe đẩy chất đầy những kiện hàng hình vuông, hình chữ nhật cao ngất đã lù lù đi lại như những con trâu mộng. Hàng chất cao ngất, không nhìn thấy người thồ, người chở, chỉ thấy thấp thoáng những mái đầu chít khăn.

Tấm thân già nua của bà Nhời gò xuống sau tay lái, đôi chân tê dại vì mải miết đạp. Gió cứ thế táp thẳng vào mặt nhưng mồ hôi thì túa ra không ngớt. Thỉnh thoảng, bà lại rùng mình vì tấm áo ướt sũng đã ngấm lạnh vào làn da thịt nhăn nheo.

Trẻ cậy sức, già cậy… chăm. Sáng nào các bà cũng có mặt ở cửa khẩu Tân Thanh sớm nhất để đón những chuyến hàng đầu tiên qua biên giới. Nhưng các bà cũng chỉ được tất bật đến độ 8 giờ sáng. Khi ấy, cánh phụ nữ trẻ bắt đầu lục tục đạp xe ra, ngồi chầu hàng.

“Ôi giời, mình không tranh hàng lại được với chúng nó đâu. Chúng nó trẻ khỏe như thế. Có còn thừa cái nào, chúng nó thương thì nó cho mình vác thôi” - bà Nhời dừng chiếc xe kéo, tóm nhanh lấy vạt áo cánh lau mồ hôi.

Trời đã tỏ mặt người nhưng vẫn xám ngăn ngắt. Hết một đợt hàng, mấy bà già lại về nơi gốc cây quen thuộc chít lại chiếc khăn buộc đầu, bỏm bẻm nhai trầu buôn chuyện. Bà Nhời giở cút rượu con con lúc nào cũng giắt trong túi áo, ngửa cổ tu một hơi đầy sảng khoái.

Người từ khắp nơi đổ về chợ ngày càng đông. Những người già từ các xã xung quanh cũng bắt đầu tất tả lên chợ thồ hàng. Họ đi muộn hơn những người trước. Quãng đường từ nhà ra chợ không tính bằng độ dài cây số, mà được tính bằng thời gian, đi từ lúc con gà trong chuồng gáy to lần thứ mấy đến lúc ông mặt trời đã lên cao chếch hướng Đông.

Cửu vạn ở đây không có ai là nam giới, cũng ít người trẻ, vì: “Mỗi chuyến hàng chỉ được có 5 nghìn thôi. 5 nghìn, chỉ có người già chấp nhận. Những đứa khỏe đều đi buôn hết cả rồi, không thì làm xe ôm kiếm hơn” - bà Nhời kể lể.

Còng lưng gồng gánh… nợ đời

Đội nữ cửu vạn già này có cả thảy 12 bà nhưng chẳng hôm nào đủ mặt. Các bà già rồi nên đi vác hàng không theo lịch ngày, lịch tháng, hay đợt hàng về, mà theo tình hình sức khỏe. Cực chẳng đã, túng quá mới có bà đau ốm vẫn phải đi. Bà già nhất thì gần 70 tuổi, trẻ nhất cũng ngót 60 xuân.

Ngày nào cũng thế, có lượt người lên sớm, có lượt người lên muộn. Riêng bà già người Tày luôn sực mùi rượu này thì ngày nào cũng đi từ tinh mơ. Bà Nhời nghiện rượu nặng, vừa đi vừa tu. Chở hết một chuyến hàng, bà lại ngồi bệt xuống đất, mở cái nút chai bằng lá chuối rừng khô và tợp rượu. Ngơi rượu thì lại nhai trầu. Bà cười hềnh hệch chỉ vào đống “đồ nghề” giắt trong túi áo: “Già chỉ cần hai món này là khỏe. Buổi sáng, có vài chén rượu cho ấm cái bụng là vác mấy chục cân hàng cũng được”.

Nhìn thấy bà già đi giày bata, người dong dỏng, khoác chiếc áo cánh quen thuộc, người sực mùi rượu khật khưỡng đi tới, chủ hàng đã xô đến. Người ta nói, bà khỏe và dễ tính. Bà chở được nhiều hàng nhất trong đám cửu vạn già ở cửa khẩu Tân Thanh này mà không hề vòi vĩnh chuyện công cao. Chỉ cần uống rượu, càng say, bà càng chở được nhiều hàng.

Từ sáng đến giờ, bà đã thồ được 6 chuyến, hơn hẳn các bà già khác. Chuyến này, bà chở 2 chục thùng xì dầu. Tấm thân mỏng mảnh cứ phấp phới trên chiếc xe ba gác, miệng vẫn nhai trầu đỏ môi, gió thổi bay chiếc khăn đội đầu, bỏ lại sau lưng mùi rượu nóng bừng và vài câu chửi đổng. Người chủ chừng như đã quá quen với những câu chửi vu vơ của bà nên mặc kệ. Đã là chuyện thường ngày rồi.

Bà Nhời năm nay đã 70 tuổi nhưng vẫn phải đi thuê nhà ở rìa đất cạnh Trường Tiểu học Tân Thanh. Gọi là nhà cho sang chứ chính xác thì đó chỉ là một căn lều chơ vơ trước gió. Bên trong trống hoác, chả có thứ đồ đạc gì đáng tiền, quanh năm lúc nào cũng tăm tối.

Bà Nhời là người lớn tuổi nhất trong đội và cũng là người có số phận đáng buồn nhất. Hai đứa con trai bà ngày xưa chuyên buôn hàng qua biên giới. Tiền chưa thấy đưa được đồng nào mà chỉ thấy chúng mang về đủ thứ bệnh tật, nghiện ngập.

Đứa thứ hai còn truyền con virus HIV cho vợ nó. Cuối cùng cả hai vợ chồng đều chết cả, để lại cho bà một nách hai đứa cháu, một lên 3, một lên 5. Từ ngày ấy, bà bắt đầu uống rượu, bà cũng theo cái nghề bán sức kiếm tiền và bỗng dưng thích chửi đổng, chửi đời…

Mưu sinh nhọc nhằn

Chiếc xe thùng màu trắng lướt nhanh qua cửa khẩu, đỗ xịch trước sân hải quan. Ông chủ hàng to béo vừa nghe điện thoại, vừa chạy xuống mở cửa thùng hàng. Đoạn ông vời vời tay về phía các bà và hét lớn: “Bốc đi!”. Các bà vội vã cắp nón, chân líu ríu chạy thật nhanh ra xe. Cảnh xô đẩy, tranh hàng cũng nhộn nhạo chẳng kém gì ở các bến xe thành phố.

Nhọc nhằn mưu sinh đời nữ cửu vạn già_0
Một ngày làm việc cật lực, bà Thuỷ cũng chỉ kiếm đủ tiền rau cháo qua ngày

Hai bà già hì hụi vác chiếc bao tải áng chừng hơn năm chục cân, nồng mùi hành tây chất lên xe. Chất khoảng 3 tải đã đầy xe, chiếc ba gác bắt đầu ì ạch bò trên đường. Phía trước, một người già kéo; phía sau, một người già hơn gò tấm lưng khô gầy đẩy chiếc xe về phía cuối chợ, chỗ có một nhà kho rộng chuyên chứa hành tây.

Xong chuyến, hai bà già vắt vẻo đèo nhau quay lại chỗ cũ để được trả công. Nhận một nắm tiền lẻ từ tay người chủ hàng, hai bà lão người Nùng lẳng lặng chia nhau. “Bà kéo xe cầm mười ngàn, em chỉ đẩy, em lấy năm ngàn thôi”. Bà Nông Thị Thủy mặc chiếc áo tím ngắt, đội chiếc khăn đen sùm sụp dúi mấy tờ bạc lẻ đã nhũn vào tay người bà con. Rồi hai người già lại tiếp tục kéo xe đi chuyến nữa.

Nhà họ ở trên dốc Sài Gòn, ngay sát chợ nhưng hôm nay vì lên muộn hơn những bà già khỏe hơn trong bản, nên phải cố gắng chở nhiều hàng. May ra cả ngày mỗi bà kiếm được 30.000 đồng để lo rau cháo cho cả nhà.

Bà Thủy than thở: “Nhà ở đây vẫn còn chút ruộng đấy, nhưng là ruộng bậc thang. Năm ngoái mưa nhiều quá, trôi hết lúa nên đói. Phải đi vác hàng thế này mới có tiền để mua mắm, muối. Con cháu thì có đấy, nhưng thân ai người ấy lo, chúng nó cũng làm ruộng cả nên nghèo lắm”.

Chở xong hai chuyến hàng thì trời cũng ngả dần sang trưa. Bà Nông Thị Mùa dặn dò gì đó với bà Thủy rồi quay lại quán nước quen, đón cháu. Chả là sáng nay, ông nhà bà phải lên rừng lấy củi, không có người trông nên bà phải đem cả cháu đi. Bà đãi cháu một chai nước ngọt nhỏ xíu màu đỏ của Trung Quốc, rồi kéo chiếc xe chở đứa cháu nước mũi ròng ròng, nhưng vẫn ôm khư khư cái chai như báu vật.

Đến đầu con dốc lên nhà, cả bà, cả cháu cùng nhảy xuống, oằn lưng ra sức đẩy. Cứ thế, những con người ở đây bám chặt lấy nhau mà sống, bấu víu vào cái cửa khẩu này mà mưu sinh.

Theo DV.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC