Những bút tích thú vị về cầu Long BiênGiữa la liệt hình trái tim, dấu ba chấm, dấu chấm than trên tấm toan mà Ban tổ chức lễ hội Ký ức cầu Long Biên căng dọc theo chiều dài cầu để khách dự hội lưu bút, người ta có thể bắt gặp những bút tích thú vị bất ngờ.

Riêng trong ngày khai mạc 10/10, đã có hàng nghìn bút tích xuất hiện, chủ yếu bằng tiếng Việt, Anh, Pháp. Có lẽ đây là phần hấp dẫn và thu hút nhiều người quan tâm nhất của lễ hội.

Cầu đã hóa tâm hồn

Nhiều người chỉ đơn giản viết những câu khẳng định: “Tôi yêu Hà Nội”, “Tôi tự hào là người Hà Nội”, “Hà Nội bất diệt”, “Long Biên, love you forever!”, “Em yêu cầu Long Biên”... Có khi đó chỉ là một dòng cảm nhận không đầu không cuối, như “Nhớ mãi…”, thậm chí mang đậm chất học trò như “Hà Nội - Thủ đô iu dấu”, “Cầu dài phết, mình rất thích”.

Những bút tích thú vị về cầu Long Biên_0

Ông Nguyễn Cảnh Chất, Trưởng ban cứu chữa cầu Long Biên đang viết lưu niệm

Có những câu thể hiện cảm xúc cuồng nhiệt hoặc sâu lắng hơn, dù chữ có phần nguệch ngoạc do gió thổi phần phật khi viết: “Không thể diễn tả nổi tôi yêu Hà Nội đến mức nào”, “Tôi rất xúc động vì được đi trên cây cầu lịch sử này. Tôi mong nó sống mãi cùng Thủ đô anh hùng”. Một người ký là Trần Đình Quân viết giản dị: “Thật hạnh phúc, vì ngày nào tôi cũng được nhìn thấy cầu Long Biên”.

Một số người làm thơ ca ngợi cầu Long Biên, số khác mượn thơ, lời bài hát có sẵn để diễn tả cảm xúc của mình, mặc dù có khi trích sai, như đoạn bút tích sau: “Khi ta ở là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” (Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên). Trong số những bài thơ, bài hát được trích, có Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Để gió cuốn đi của Trịnh Công Sơn. Có lẽ người viết muốn nhắn nhủ “Cần có một tấm lòng” với cầu Long Biên.

Khi cầu Long Biên được xây, nó chỉ là một cây cầu. Nhưng giờ đây, trong lòng người Hà Nội, cầu đã hóa tâm hồn.

Tình cầu, tình người

Nhiều đoạn bút tích cho thấy tình yêu cây cầu gắn chặt với tình yêu gia đình, đôi lứa, hoặc những kỷ niệm rất riêng tư của người viết. Ở đoạn giữa cầu, một người đề thơ: “Long Biên ơi tôi yêu cầu/ Nên đã chọn người đặt tên con/Yêu Long Biên - yêu cả con trai quý/ Vì cả tương lai, vì cả hòa bình”.

Đôi khi, những kỷ niệm với cầu Long Biện được thể hiện qua những dòng chữ đầy tinh nghịch: “Hà Nội 35 năm ngày trở lại. Vì cầu này tôi đã hôn được em”, “Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người, lòng như thầm hỏi tôi đang nhớ ai. T còi, nhớ HN không anh? Về đi! Ghét ghê!”. Nhưng hầu hết người dự hội viết những câu đầy nghiêm túc: “45 năm tôi lại đi trên chiếc cầu thân thương mà ngày xưa đi làm bằng xe đạp qua”, “The firs time I met u is on this bridge. Maybe u forgot but I still remembered!!!” (Tạm dịch: Anh gặp em lần đầu trên cây cầu này. Có lẽ em đã quên, nhưng anh vẫn nhớ).

Với ông Nguyễn Cảnh Chất, nguyên Trưởng ban cứu chữa cầu Long Biên thời chiến tranh chống Mỹ, lễ hội Ký ức cầu Long Biên giúp ông sống lại những năm tháng quá khứ. Đã 80 tuổi, nhưng ông đi bộ suốt chiều dài cây cầu, đến đoạn cuối mới nắn nót viết: “Nhớ lại những năm tháng anh dũng gian khổ cứu chữa cầu (1967-1972)”. Hỏi ông gian khổ thế nào, ông bảo: “Mỹ đánh bom nhiều lắm. Cứ đánh là chúng tôi chữa”.

Những bút tích thú vị về cầu Long Biên_1

Một trong những bút tích để lại trên tấm toan của Ban tổ chức

Nói thì đơn giản thế, nhưng ít ai biết việc sửa chữa và duy trì hoạt động của cầu Long Biên (trong điều kiện bị máy bay Mỹ bắn phá ác liệt) được đánh giá là một kỳ tích, không chỉ khiến các chuyên gia Nga, Thụy Điển thán phục, mà còn khiến chính những người trong cuộc sau này nghĩ lại phải ngạc nhiên (*). Vì thế, cầu Long Biên có vị trí rất đặc biệt đối với ông Nguyễn Cảnh Chất. Đến bây giờ ông vẫn muốn bảo vệ cầu. Ông nói: “Đã có lúc có người muốn bỏ nó đi. Vớ vẩn. Làm sao như thế được”.

Bao giờ được như xưa?

Ở khoảng 1/3 cây cầu, ai đó viết “Một phút sống lại thế kỷ 19”. Nhưng nhiều người chưa thỏa với một phút hay một ngày, mà muốn Long Biên trở lại hẳn dáng vẻ xưa. Một người ký là Hoàng Kim Đáng (tên một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng) bày tỏ: “Tôi mong ước có lại một cây cầu y chang cây cầu này, trên nền đất này, dòng sông này. Đó là cây cầu Long Biên - “Con Rồng Thép”…”. Một người khác, ký là Vũ Trực Thuyết, viết: “Mong muốn Hà Nội tôn tạo cầu Long Biên trở lại nguyên trạng… để trở thành điểm đến du lịch”.

Ông Lương Ngọc Hải ở phố Hàng Khoai (quận Hoàn Kiếm) không viết gì, chỉ đứng lặng ngắm, rồi bảo: “Tôi vẫn thấy thiếu thiếu cái gì đó. Tôi sống ở đây từ nhỏ, nên cầu Long Biên thân thuộc lắm. Hôm nay tôi chưa tìm lại được ký ức của tôi”. Những ai đi xem hội có thể hiểu được cảm giác hẫng của của ông Hải, vì khó có thể nói cách bài trí và các hoạt động quanh cầu đã tái hiện được không gian của thế kỷ thứ 19 như giới thiệu trước đó, chưa kể khâu tổ chức cũng còn nhiều điều cần góp ý.

Ông Hải nhận xét: “Lẽ ra trong một lễ hội, người dân phải là trung tâm, tham gia các hoạt động và tạo ra nội dung lễ hội. Còn ở đây, người dân chủ yếu đi xem”. Mặc dù vậy, ông không muốn phàn nàn với đơn vị tổ chức, vì “các lễ hội bây giờ hầu hết đều thế”.

Ông Hải lại trầm ngâm. Trên tấm toan cách chỗ ông đứng không xa, ai đó viết: “Bao giờ đến ngày xưa. Nhớ quá”.

Theo Đất Việt.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC