Phong trào đua nhau cả làng đi lấy chồng Tây (là nói cho oai, chủ yếu là lấy chồng Đài, chồng Hàn) ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây, đã quá nhiều chuyện bi hài, nhưng không còn lạ lẫm với toàn dân thiên hạ xứ ta thời hội nhập nữa.
Nhưng vừa rồi, đọc trên báo chí nước nhà, thấy loan một cái tin ngồ ngộ, là người Cơtu ở xã A Tiêng, huyện Tây Giang, ở tận miền núi Quảng Nam, đua nhau đặt tên con theo tên các minh tinh màn bạc Hàn Quốc thì ngạc nhiên quá chứ hỉ; vừa thấy thương, vừa lại không nén được cười, cười như là mếu!
Báo nói rằng, anh Pơloong Huân, văn thư xã, có hai ái nữ, một nam quý tử, thì đều đặt tên con theo ba cái tên lai Hàn, chỉ vì quá nghiện phim “Mối tình đầu”.
Trưởng nữ nhà anh Huân, 8 tuổi, có mỹ tự là Pơloong San Ốc; thứ nữ là Pơloong San Ân; chàng út tí nheo (là hiện tại, không biết còn “trót dại” lần nào nữa không) thửa cái tên Pơloong San U.
Rõ ràng lai năm mươi phần trăm, đầu Cơtu chính hãng, đuôi đích thị “Tây” (chính xác là Hàn) lai.
Dân ta thường gọi “đầu Ngô mình Sở”.
Tưởng chỉ mỗi mình anh Pơloong Huân, do làm văn thư, có chữ nên mới tiến lên hội nhập quốc tế nhanh thế, ai dè, khi ông cán bộ tư pháp xã Bling Ria cho xem sổ hộ tịch thì, chao ôi, cả một sê-ri những cái tên nửa Cơtu nửa Hàn Quốc mới thành chuyện:
Pơloong San Diu, con anh Pơloong A Gương; Alăng Na Ra, con của Alăng Ân; Briu Thị Hy Su, con của Briu Nhỏ; Riah Thị Su U, con của Riah Như; Blúp thị Na Ru, con của Blúp Né.
Thôi thì những Giang Gun, Zơ Râm Sô Ra, Pơloong Hiên U… mà mới nghe, cứ tưởng đây là lò đào tạo diễn viên Hàn nhập cảng hoặc phim trường liên doanh giữa ta và Hàn, đã chọn miền rừng hoang dã này làm đất đóng đô, tiện cho những phim dã sử thời lập quốc xứ kim chi, xứ nhân sâm, lúc lỉu như ta giàu củ cải vậy.
Người ta phỏng vấn vì sao lại đặt tên con nửa Ta nửa Tây như thế, những ông bố Cơtu hồn nhiên và lãng mạn bảo, tại mê phim Hàn, mê cái mã các sao Hàn; nó ăn gì mà đẹp, mà nó chân dài, mà nó “thích lắm” nhe.
Và nếu Giàng cho đẻ nữa thì vẫn cứ tiếp tục đặt tên con theo Gun, Súc, Đông, Lee, U, Su, Na, Ku, Kiu, Kee…, thế mới hách.
Cái sự cười ra nước mắt ở đây là, những “sao” Hàn hóa ở A Tiêng là những nghệ sĩ nhí có quần thì không áo, có áo thì không quần, thậm chí khỏi cả quần cả áo, cứ sex thế mà vày bùn đất cho nó mát, nó sướng, nó thiên nhiên!
Một lần, trò chuyện với một người bạn Hàn Quốc đầu thập niên 2000 ở Seoul, khi nói về hàng vạn cô gái Việt làm dâu xứ Hàn ra sao, ông hóm hỉnh:
Biết đâu, tổng thống tương lai của Hàn Quốc lại có năm mươi phần trăm dòng máu Việt.
Ừ thì lấy chồng Hàn, những bà mẹ trẻ còn có động lực đổi phận, còn mong những đứa con lai có thể lên đến chức tổng thống. Thế còn những đứa con Cơtu nghèo khó ở tận miền rừng Quảng Nam, mang những cái tên Hàn, họ mong điều gì nhỉ?
Thường thường, ở những vùng đất phương Đông từng là nhượng địa cho phương Tây như Hồng Kông, Ma Cao, hay các quốc gia từng là thuộc địa lâu năm của phương Tây, các kiều bào định cư ngoại quốc, có những cái tên nửa bản địa nửa lai Tây cho nó phù hợp, nó “kêu”, như Michael Chang, Johnny Bùi…
Hoặc hàng loạt những đứa con lai từ Đài Loan, Hàn Quốc buộc phải theo mẹ về quê ngoại ở Tây Nam Bộ do những cuộc tình môi giới sớm phải tan đàn xẻ nghé, có những cái tên Lee, Úc, Súc… Thế cũng đã nghe buồn về nguồn quê, gốc gác lắm rồi trong những ai còn nặng tình xứ sở, huống gì cả một hiện tượng A Tiêng!
Quả thực, câu chuyện đặt tên con ở A Tiêng là một câu chuyện lạ. Nó phản ảnh một thực tế không thể chối bỏ, ấy là việc phim Hàn đã đánh bật phim ta ở ngay lãnh địa ta.
Nó không chỉ là chuyện thị trường nội quốc đang đói phim hay, phim đúng gu, mà việc phim Hàn đã ảnh hưởng đến cả việc đặt tên con của đồng bào ở một vùng sâu, vùng văn hóa tưởng như sâu gốc bền rễ nhất, truyền thống nhất, tĩnh tại nhất đã nói về sự bó gối của các nhà điện ảnh.
Nó cũng là câu hỏi lớn cho các nhà văn hóa, quản lý văn hóa, các chính sách cải thiện đời sống và khai thông dân trí cho vùng sâu.
Những cái tên đầu Cơtu, đuôi Hàn có thể chỉ giản dị ban đầu là mê phim Hàn, mong con mình, dù chỉ trong tưởng tượng được như bóng hình các diễn viên Hàn.
Nhưng có thể sẽ là nỗi buồn dai dẳng của những cuộc xâm thực văn hóa, mà dần mất đi tính bản địa, tính dân tộc lúc nào không biết, trong thế giới hội nhập ngày càng mãnh liệt.
Mà rõ ràng, Việt Nam là mảnh đất mầu mỡ cho công nghệ giải trí nước ngoài lấn sân chơi.
Những show diễn của ca sĩ, diễn viên Hàn lúc nào cũng cháy vé, dù giá khá đắt trong những năm vừa qua minh chứng cho điều đó.
Bỗng thương những chàng Pơloong san U, những nàng Briu Thị Hy Su biết mấy!
Nguồn: Báo Lao Động online