Nhiều chị em làm việc văn phòng dành khoản thời gian không nhỏ mỗi ngày ở cơ quan để "đi chợ" online, đến mức trở thành fan ruột, rồi nghiện lúc nào không hay.
"Online shopping" đã từ lâu trở thành sở thích khó bỏ của giới nhân viên văn phòng, nhất là cánh chị em. Lúc ở nhà, cơm nước, con cái chiếm hết thời gian khiến họ không còn lúc nào thảnh thơi để đi mua sắm. Do đó, dân công sở tranh thủ lúc nghỉ trưa hoặc "tham nhũng" giờ làm việc để "đi chợ" ngay tại cơ quan.
Là một người mẹ bận rộn, chị Kim Chi (Tôn Thất Tùng) cũng chọn mua hàng qua mạng làm giải pháp để sắm đồ cho cả nhà. Ngày ngày, cứ đến cơ quan là chị phải lướt qua một loạt các trang rao vặt, cửa hàng trực tuyến rồi mới yên tâm ngồi làm việc. Đồng nghiệp gán cho chị biệt danh tín đồ online shopping vì cứ thỉnh thoảng, điện thoại của Chi lại réo lên í ới khi có người đến giao hàng tận cửa cơ quan.
Quần áo là mặt hàng được các tín đồ ghiền nhất. Mỗi khi có chị tìm được cửa hàng nhiều đồ đẹp, độc là hô lên. Ngay lập tức cả chục chị em khác rầm rập chạy qua, cùng chúi mũi vào một màn hình để bình phẩm cái váy này đẹp, cái áo kia đắt. Thường sau màn đi chợ ồn ào đó, một người sẽ có trách nhiệm ghi lại mã số, cỡ và số lượng theo yêu cầu từng người rồi gọi chủ hàng đem đồ đến công ty, để tiếp tục màn thử đồ nháo nhào trong... toilet.
Một chủ cửa hàng online tiết lộ, chị này rất "sướng" mỗi khi được yêu cầu mang đồ đến cơ quan. Hội chứng đám đông khiến chị em văn phòng mua rất nhiệt tình. Thành thử những người bán hàng khôn ngoan thường mang thêm nhiều mẫu mã khác không nằm trong danh sách đặt hàng, vì thể nào cũng có thêm được vài khách.
Ngoài ra, nhiều chị em nghiện mua sắm trên mạng vì trót làm tín đồ hàng xách tay. Người bán trực tiếp nhập hàng từ nước ngoài về và sau đó chủ yếu bán thẳng trên mạng chứ ít khi mở cửa hàng. "Mình đang cho con uống sữa Meiji của Nhật. Nhiều đại lý ở Hà Nội cũng có bán loại sữa này nhưng không hiểu sao mình vẫn thấy sữa xách tay thơm ngậy hơn. Thành ra mình thường phải vào mạng tìm xem ai mới ở Nhật về hoặc sắp đi Nhật để còn nhờ mua sữa", chị Chi cho biết.
Quần áo, nước hoa, mỹ phẩm xách tay `cũng được ưa chuộng. Hiện nay, các chủ hàng có khái niệm "hàng order", nghĩa là khách muốn mua thì phải đặt cọc, sau đó chủ hàng mới lấy hàng từ các hãng ở nước ngoài. Do giá của chúng thường đắt đỏ nên chủ hàng không dám "ôm" một lô mà chỉ đặt mỗi khi có yêu cầu (order) và tiền đặt cọc từ người mua. "Mình là fan ruột của các nhãn hiệu thời trang Hàn Quốc, nhưng lại không biết tiếng nên suốt ngày lượn lờ trên mạng tìm mấy cửa hàng nhận order hàng Hàn Quốc", Hoàng Lan, nhân viên một công ty truyền thông ở Hà Nội cho biết.
Trên mạng hiện nay không thiếu những lời rao như: "Nhận order từ tất cả các website từ Mỹ, lấy tiền công chỉ từ 3 đến 12 USD một món", hay "Nhận đặt hàng Victoria's Secret giá cạnh tranh". Nhiều người không rành phương thức thanh toán quốc tế nên cũng phải cậy nhờ chủ hàng trên mạng mua hộ từ Best Buy hay eBay.
Tuy mua sắm online giúp chị em tiết kiệm thời gian nhưng cũng là con dao hai lưỡi. Ví dụ đối với chị Kim Chi, công việc "đi chợ" trên mạng kéo dài suốt cả ngày từ sáng đến chiều. Cứ thỉnh thoảng khi ngứa tay, chị lại bỏ dở công việc để mò vào ngó nghiêng các cửa hàng ảo, đánh dấu những sản phẩm ưa thích. Khi quyết định ưng cái nào nhất, chị tiếp tục mất thêm thời gian gọi điện, mặc cả lên xuống rồi đi nhận hàng. Thỉnh thoảng nếu mua hàng ở xa phải dùng chuyển phát nhanh, chị có thể mất cả ngày để gọi điện hỏi chủ hàng xem đã gửi chưa, sao mà hàng lâu đến thế. Sở thích chiếm hết cả thời gian làm việc khiến không ít lần chị bị sếp chỉnh đốn.
Theo VNE.