Những cụ già vượt nghìn cây số dự đại lễ Đi từ TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa... ra thủ đô, những cụ ông, cụ bà chỉ mong muốn được dự lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được xem diễu binh, diễu hành trên đường phố.

Gần 13h, ông Đinh Xuân Nghiêm, 64 tuổi, vẫn mải mê ngắm đường phố nhộn nhịp, ngắm người người qua lại. Ông chưa kịp ăn trưa vì còn chờ thợ ảnh đến để nhận ảnh lưu niệm đã chụp. Đây là lần đầu tiên người cựu chiến binh năm xưa mới có dịp được đến thủ đô, đứng bên hồ Gươm lịch sử.

"Tôi hồi hộp, háo hức như đứa trẻ bắt đầu đi học. Biết là 8h khai mạc nhưng tôi đi từ 6h sáng. Lên đến đây thấy đông vui quá nhưng tiếc là tôi không được vào trong vì không có giấy mời", lão nông trồng cà phê, ca cao này cho hay.

Những cụ già vượt nghìn cây số dự đại lễ _0

Ông Đinh Xuân Nghiêm khoe món đồ bằng đồng mới mua được.

Từ Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nghiêm đã ra Hà Nội được hai ngày. Số tiền chi phí cho chuyến đi này ông đã gom góp từ mấy tháng trước. Trước Tết năm ngoái được truy lĩnh 7,4 triệu đồng tiền tham gia kháng chiến, cộng với 500.000 đồng tiền Tết, ông đã dành tất cả cho chuyến đi Hà Nội đúng vào dịp đại lễ.

Ông Nghiêm cho hay, tháng 2/1964 từ vùng đất mỏ Quảng Ninh, ông lên đường nhập ngũ và chưa một lần được đặt chân đến Hà Nội. Hòa bình lập lại, ông cưới vợ rồi định cư trong Nam song luôn ao ước được một lần đến thủ đô. "Nghe nói đến đại lễ tôi háo hức lắm. Tôi nghĩ nếu chờ đến dịp thứ hai, khi thủ đô 2000 năm tuổi thì xương tôi chắc đã hóa thạch mất rồi", ông Nghiêm cười.

Không được vào khu vực đại lễ nhưng ông Nghiêm vẫn cùng hàng nghìn người đứng ngoài rào chắn để nghe các vị lãnh đạo phát biểu khai mạc, nghe các tiết mục văn nghệ sôi động bên trong. Xong phần lễ chính, ông đến tất cả điểm du lịch quanh hồ Gươm ngắm cảnh. Ông còn mua một hình lưu niệm chùa Một Cột bằng đồng về làm quà cho gia đình.

Những cụ già vượt nghìn cây số dự đại lễ _1

Bà Loan (trái) cùng anh trai và chị dâu dạo phố

Vượt gần hai nghìn cây số từ TP HCM ra Hà Nội, bà Hoàng Thị Ngọc Loan (70 tuổi) đang thong dong dạo bờ hồ cùng anh trai và chị dâu đã ngoài 80 tuổi. Bà cho biết, từ mấy tháng nay đã mong ngóng đến đại lễ, giờ ra đây thấy Hà Nội phồn vinh, rực rỡ cờ hoa thì phấn chấn lắm.

Quê gốc Gia Lâm (Hà Nội), bà Loan theo chồng vào Nam đã được 20 năm, thi thoảng lại về thăm quê. "Mỗi lần về là một lần thấy Hà Nội đổi thay. Từ những ngôi nhà nhỏ, hẹp mỗi năm lại thấy khang trang hơn. Đường ngày càng to hơn, rộng hơn và nhiều xe cộ hơn", bà Loan vui vẻ nói.

Bà cho biết, buổi sáng nghe nói bị cấm đường, lại không có vé mời nên ông bà chọn cách ngồi nhà theo dõi chương trình khai mạc đại lễ qua TV. Ngay khi chương trình kết thúc, ông bà từ Gia Lâm sang hồ Gươm chơi phố.

"Thấy các cháu thiếu nhi, rồi thanh niên quấn băng rôn, mặc áo có dòng chữ "Tôi yêu Việt Nam" mà lòng phấn chấn quá. Lại nhớ thời chúng tôi cũng sát cánh bên nhau, quyết tâm chiến đấu bảo vệ tổ quốc", ông Bùi Văn Nghĩa, anh trai bà Loan ngậm ngùi.

Những cụ già vượt nghìn cây số dự đại lễ _2

Hàng nghìn người ngồi nghỉ bên bờ Hồ tiếp tục buổi vui chơi ngày khai mạc đại lễ.

Ở cách trung tâm chỉ chừng 30 km, nhóm bạn thân của bà Nguyễn Thị Vinh (Giáp Bát) cho hay, các bà đã đón xe từ rất sớm, lên đến bờ Hồ chỉ mới hơn 6h. Đã ngoài 80, con cháu bận đi làm nên không đưa đi chơi được, các bà đành tự tổ chức để thỏa mãn ao ước được chứng kiến giây phút thủ đô tròn 1000 tuổi.

Chỉ vào túi đồ đeo bên mình, bà Vinh cho hay trong đó chứa nước, bánh ngọt dự trữ sẵn để nếu không đi bộ tìm được quán ăn sẽ ăn tạm để chơi hồ Gươm, phố cổ, chợ Đồng Xuân đến tối mới về.

Hòa chung với không khí của ngày đại lễ, hàng nghìn người dân từ khắp mọi miền tổ quốc đã tập trung về khu vực hồ Gươm để tận mắt được xem sân khấu hoành tráng bên tượng đài Lý Thái Tổ mô phỏng chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn.

"Xem bộ phim tư liệu về các đời vua nhà Lý trên máy chiếu lớn trước cửa Bưu điện bờ hồ mà thấy xúc động quá. Ông cha ta đã rất mưu trí giữ được đất nước, hy vọng thế hệ trẻ sẽ xây dựng nước ta ngày càng giàu đẹp hơn", người đàn bà năm nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, nói.

Theo VnExpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC