Những đứa trẻ mồ côi vượt khó học giỏi Chiều 24/4, lễ trao học bổng "khăn đỏ đến trường" được tổ chức tại Hà Nội, nhiều học sinh gây xúc động với bảng thành tích dày dặn dù không còn cha, mẹ.

Vũ Quỳnh Như (lớp 6B THCS Thuần Mỹ, Ba Vì, Hà Nội) 3 tuổi mất mẹ, lên 10 cha cũng vĩnh viễn ra đi.

"Mẹ mất lúc em còn bé nên không nhớ nổi khuôn mặt mẹ, còn cha bệnh nặng nên các bác sĩ trả về nhà. Cha mẹ chỉ có mình em nên sau đó ông bà nội đã đón em về nuôi nấng", cô bé 12 tuổi bùi ngùi kể.

Những đứa trẻ mồ côi vượt khó học giỏi _0
Vũ Quỳnh Như mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng 6 năm liền là học sinh giỏi toàn diện.

Em cho hay, ông bà nội đã ngoài 70 tuổi, không thể làm được nữa nên mọi chi tiêu trong gia đình và tiền học cho em đều trông chờ vào đồng lương hưu của ông. Ngoài giờ lên lớp, Như phụ giúp ông bà những việc vặt trong nhà. Nhiều lúc nhớ bố, nhớ mẹ em lại mang sách ra học để quên đi tất cả. Em phải cố gắng học thật giỏi để đỡ đần cho ông bà nội.

Từng đi thi học sinh giỏi toán, văn, thi viết chữ đẹp, Quỳnh Như có 6 năm liền là học sinh giỏi toàn diện. Em mơ ước, sau này sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người.

Mất bố cách đây 2 năm, Trần Thị Thúy Quỳnh (lớp 6B THCS Hiền Giang, Thường Tín, Hà Nội) hiện sống cùng mẹ và em gái. Dựa vào mấy sào ruộng không đủ trang trải, mẹ Quỳnh phải đi chở cát, đẩy gạch thuê cho các hộ dân trong làng. Thương mẹ, cứ ngoài giờ học Quỳnh lại tất bật lo việc nhà, từ nấu cơm, dọn dẹp, giặt giũ.

Những đứa trẻ mồ côi vượt khó học giỏi _1
Trần Thị Thúy Quỳnh mới học lớp 6 nhưng đã thành thạo việc đồng áng như cấy, gặt, làm cỏ lúa. 

Những ngày mùa, Quỳnh cùng mẹ ra đồng đi cấy, đi gặt và làm cỏ lúa. Quỳnh cho biết, những việc này em đã phải làm từ khi mới học lớp 3, công việc càng nhiều hơn khi bố em qua đời.

Luôn giành danh hiệu học sinh tiên tiến, Quỳnh cho biết: "Em thích học nhạc và mỹ thuật, sau này em muốn làm một ca sĩ, đem tiếng hát của mình phục vụ cho mọi người, đặc biệt là những người dân quê em".

May mắn hơn các bạn, Đặng Thị Thảo (lớp 4A, tiểu học Vân Nam, Phúc Thọ, Hà Nội) còn cả bố mẹ, nhưng em lại phải chịu nỗi đau khác khi bố mẹ chia tay từ khi em còn bé. Bố có vợ mới và có thêm em, Thảo được ông bà nội đón về nuôi.

"Ông của em đã 73 tuổi rồi, ông bà đều yếu. Em phải tự đạp xe đến trường. Những lúc nhìn thấy các bạn được bố mẹ đưa đón, em cũng nhớ mẹ lắm", Thảo sụt sùi.

Cô bé cho biết, sau khi chia tay bố, mẹ em đi làm ăn ở tận Sơn La, cứ Tết về thăm và mua cho em một bộ quần áo mới. Mặc dù thiếu sự chăm sóc của đấng sinh thành, nhưng năm nào Thảo cũng là học sinh giỏi. Em cho biết, sau này sẽ làm cô giáo, để dạy học sinh thật nhiều điều hay như cô giáo đã từng dạy em.

Chân bị liệt, tay bị teo tóp vì bị teo cơ, Khuất Đình Phương (lớp 6B THCS Tích Giang, Phúc Thọ, Hà Nội) phải đến trường trên đôi tay của mẹ. Hàng ngày, mẹ đèo em đến trường bằng xe đạp, rồi bế em vào lớp, cuối buổi lại đến đón em về.

Những đứa trẻ mồ côi vượt khó học giỏi _2
Tay chân đều bị teo cơ nhưng Khuất Đình Phương chưa bao giờ chán học, em muốn sau này có thể thành công như hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng. 

"Dù viết rất khó vì tay yếu nhưng em chưa bao giờ chán học. Càng không viết được em lại càng cố gắng hơn", Phương cho hay.

Cậu cho biết, khi lên lớp 1, chân tay cứ yếu dần cho đến lúc đôi chân không còn cử động được nữa. Cậu lo lắng, sợ sệt nhưng được mẹ luôn ở bên nên mọi nỗi sợ cũng qua.

"Anh Nguyễn Công Hùng còn bị nặng hơn em nhưng anh ấy vẫn là hiệp sĩ công nghệ thông tin. Em sẽ cố gắng để có thể được như anh ấy", Phương nói.

Có nhiều học sinh khác cũng chịu nhiều thiệt thòi, vượt khó học giỏi được nhận học bổng như Nguyễn Thị Quỳnh Ly (lớp 8A, THCS Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) dù mất cha nhưng luôn là học sinh giỏi, liên đội phó của trường; Nguyễn Thị Huyền Trang (lớp 1C, Tiểu học Dương Quang) có bố, mẹ, chị đều bị bệnh thần kinh, gia đình nghèo nhưng là học sinh giỏi và viết chữ đẹp...

Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC