Những đứa trẻ sinh ra trong trại giam"Bố ơi, bố vào đón con đi. Con muốn được về nhà đi học". Nguyễn Hoàng Biên cặm cụi bên bàn, nắn nót đưa bút.

Những con chữ nặng nhọc bung xòe trên trang giấy trắng. Vóc dáng nhỏ bé, đôi mắt sầu u uẩn, từ khi được các cô chú cán bộ nắn tay nắn chân dạy chữ, ghép vần, Biên đã lặng lẽ viết ra, không biết bao nhiêu những lá thư như thế.

"Mong bố, nhớ bố lắm, nhưng 12 tuổi rồi, đã thấy mặt bố bao giờ đâu. Thư viết xong lại âm thầm giấu vào cặp sách, vì làm gì có địa chỉ người nhận mà gửi", Trung tá Hoàng Văn Thịnh, Đội phó Đội giáo dục Trại giam số 5 buồn bã lắc đầu.

Con là món quà cuộc đời dành cho mẹ

Áo quần tươm tất, phong thái sáng sủa nhưng nét nhìn hoàn toàn không ăn nhập với tuổi 12, Biên là "anh cả" của hơn 10 đứa em trong nhà trẻ phạm nhân ở Trại giam số 5 - Yên Định - Thanh Hóa (trực thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp).

Cơn lốc vỡ hụi cuối thập niên 90 (thế kỷ XX) khiến mẹ Biên - thủ quỹ của một phường ở ngoại vi Việt Trì - Phú Thọ - cuốn theo vòng xoáy nghiệt ngã, bị vỡ nợ, phải ra Tòa, lĩnh bản án 20 năm tù. Lúc bị bắt, chị Nguyễn Thị Công mới thảng thốt nhận ra, mình đang mang trong người thêm một hình hài mới. Nhà đông con, tất cả còn lít nhít, chẳng muốn choàng tiếp gánh nặng trên vai chồng, chị từ chối hoãn thi hành án, chấp nhận sinh con trong trại giam.

12 năm, chập chững những bước chân đầu tiên trên mảnh đất Lam Sơn rực nắng, Biên lớn lên, dần cứng cáp. Suốt khoảng thời gian dằng dặc đó, chưa một lần cậu bé được bố vào thăm. Người cha đã bặt vô âm tín từ khi mẹ cậu bị bắt giam. Thời gian gối đầu lên nhau, chớp mắt đã qua một thế kỷ mới, chị Nguyễn Thị Công cũng chẳng còn nhận được tin tức gì của chồng.

Không quà cáp, không thư từ thăm hỏi, sự tủi phận biến khuôn mặt của nữ phạm nhân sinh năm 1960 thành hóa đá, cội cằn. Nỗi lòng của mẹ có lẽ tác động nhiều đến Biên, khiến cậu bé luôn neo trong trạng thái trầm mặc, đơn côi, già trước tuổi. Suốt một buổi sáng rạng ngời tiết xuân muộn, kệ cho mấy đứa em ríu ran liên hồi, chưa hề thấy Biên hé miệng cười.

Cả lúc đùa nghịch với các em bên xích đu, bập bênh ở sân chơi của nhà trẻ, gương mặt Biên vẫn buồn so. "Cậu nhóc này lớn rồi nên chững chạc, biết cảm nhận, biết buồn, chứ như con bé Bông kia, líu lo chân sáo suốt ngày", Trung tá Hoàng Văn Thịnh ái ngại.

Khác với vẻ cam chịu của Biên, bé Bông không ngừng toe toét, lách chách miệng mồm. "Con tên Tạ Ngọc Ánh, con 8 tuổi rồi", đôi bím tóc trĩu nặng, lúc lắc trước ngực, cô bé khá thân thiện cởi mở với cả những người lần đầu gặp mặt. "Dì Thanh tết tóc cho con đấy", cô bé hãnh diện khoe. Bông vẫn quen gọi tất cả các cô, các bác cùng được giam giữ với mẹ là "dì".

Váy xòe, áo bèo nhún, môi tô son hồng tươi tắn, bé Bông không ngừng làm dáng bên những bông thược dược rực rỡ ở khuôn viên phân trại 4. Cô bé đang là "hoa hậu nhí" của Trại, nguồn vui không riêng của mẹ mà rất nhiều nữ phạm nhân khác. "Con biết chữ a, chữ b, chữ c, nhiều chữ lắm", "thế Bông đánh vần tên mình đi", "con chưa biết, vì cô giáo chưa dạy", cô bé bẽn lẽn cười, dụi đầu vào ngực mẹ.

Phạm nhân Nguyễn Hải Yến còm cõi, héo hắt vì đang trong thời gian điều trị bệnh phổi. Cuộc đời của cô gái Hà Nội ẩn tuổi Giáp Dần là chuỗi những ngày tháng u ám, trễ nải. Bố mẹ bỏ nhau, Yến lầm lụi tự lo cho mình. Lấy chồng sớm, sinh con sớm, những mong gây dựng được tổ ấm, có chỗ dựa để thêm sức mạnh dấn thân trong kiếp mưu sinh. Tuổi trẻ chưa kịp đi qua, vị ngọt của tình yêu chưa kịp hưởng, Yến đã lại lao vào bi kịch mới.

Chồng mắc nghiện, con cái đua nhau ra đời, cuộc sống quá cơ cực, Yến liều mình đâm vào đường cụt. Năm 2002, cô bị bắt vì tội buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Lúc đó, thằng con trai út của Yến mới 7 tháng tuổi. Trên nó còn 1 anh 1 chị, lóc nhóc như nhau. Những ngày đầu trong phòng giam, cô luôn bị đeo đẳng bởi cảm giác khác lạ.

Thăm khám sức khỏe cho Yến, bác sỹ Trại tạm giam Công an Hà Nội thông báo: cô đang có thai. Yến hoảng hồn, kinh hãi. Cô không muốn con cô sinh ra trong tình cảnh này. Cô cũng không cố tình lấy đứa con để chạy trốn hình phạt của pháp luật. Yến nuốt nước mắt viết đơn, đề nghị được phá thai. Cô đã gửi đi nhiều bản cam kết có cả chữ ký của chồng và những người thân thiết nhất trong gia đình, cùng chung một nguyện vọng: được phá thai.

Thế nhưng, mầm sống trong người Yến hoàn toàn khỏe mạnh, sinh linh nhỏ bé vẫn phát triển bình thường. Các bác sỹ chối từ, không ai nỡ. Vô cùng nhiều người muốn được làm cha làm mẹ, nhưng ông Trời lại không đoái thương. Trong những ngày buồn tủi ấy, cả các điều tra viên đang thụ lý vụ án của Yến cũng động viên cô. Cán bộ Trại giam Công an Hà Nội không ngừng tiếp thêm cho cô nghị lực.

Cái thai ngày một lớn, Yến ngậm ngùi, thây kệ. Bé Bông ra đời, ngày 5 tháng 12 cùng năm đó. Như một sự an ủi tuyệt vời của số phận, bé Bông xinh tươi, lanh lợi ngay từ lúc lọt lòng. Yến thành án, vào Trại giam số 5, hai anh em bé Bông lũn cũn theo cùng.

Ở ngoài đời, không ai đủ sức thay Yến nuôi dưỡng các con cô. Giấy khai sinh của bé Bông cũng được cán bộ Trại giam số 5 đứng ra kê khai giúp. Chồng Yến bị bắt sau đó không lâu, cùng được giam giữ tại Trại giam số 5, bên phân trại 2. Vợ chồng con cái ở cách nhau một tấc đường, nhưng ít khi có cơ hội giáp mặt. Yến may mắn hơn chồng, vì được gần con. Gần 10 năm trôi qua, hai anh em bé Bông kịp quen mặt với hầu khắp các cô chú quản giáo.

Các cán bộ, chiến sỹ Trại giam số 5 cũng coi những đứa trẻ lành hiền, con các phạm nhân là một phần không tách rời của Trại, cái phần nhạy cảm, cần được nâng niu, chở che nhiều nhất, Phó Giám thị Trại giam số 5, Thượng tá Nguyễn Thị Can chia sẻ. 

Mong được sẻ san bớt những thiệt thòi

May mắn, hơn nửa năm trước, tháng 9/2009, dì ruột của Yến đã vào đón anh trai bé Bông về nhà chăm sóc. "Thằng bé đã được đi học rồi", Yến cười, khuôn mặt thoắt bừng sáng. Bé Bông là chỗ dựa tinh thần cho cô suốt chặng đường qua. Ngày qua ngày, Yến chỉ biết nhìn vào con mà sống.

Dẫu luôn dằn vặt, đã lỡ để con phải thiệt thòi từ lúc lọt lòng, chào đời trong thời khắc cay đắng, nhưng chứng kiến con bé càng lớn càng đáng yêu, thảng hoặc Yến lại giật mình khi chạnh nhớ đòi hỏi của mình dạo trước. "Chả còn cách nào bù đắp cho con nữa, ngoài việc thực hiện tốt nội quy của Trại, sớm được giảm án, để về với cuộc đời, với các con", Yến cất lời, hơi thở chầm chậm khó nhọc.

Nhắc đến chuyện học của con, phạm nhân Nguyễn Thị Công nghẹn giọng, nước mắt lưng tròng: Tôi chỉ mong nó được tới trường, học với các bạn ngoài xã hội, được mỗi năm lên một lớp. Cố đến lớp ba, lớp bốn, đợi ngày mẹ ra Trại, đón về tiếp tục tận hưởng nhịp sống bình thường của tuổi thơ: được cắp sách tới trường. Hơn ba mươi năm làm Cảnh sát Trại giam, chưa bao giờ tôi có thể thanh thản, ngoảnh mặt bỏ qua khi chứng kiến cảnh ngộ của nhiều phạm nhân nữ. Đàn ông mắc tội, đi cải tạo, vợ tay xách nách mang thăm nuôi là chuyện bình thường. Nhưng phụ nữ đến phiên mình nhập Trại, tôi ít thấy các chị ấy được hưởng sự chăm sóc đó lắm.

Chính vì vậy, Ban Giám thị Trại giam số 5 luôn cố gắng dành nhiều hơn một chút, sẻ san thêm cả về vật chất lẫn tinh thần cho các bé, để mẹ chúng yên tâm. Những thân phận như mẹ con bé Biên, chị Công hay cả bố mẹ con cái cùng trong trại giống nhà bé Bông không phải hiếm. Hầu hết các gia đình lâm cảnh khốn cùng, eo hẹp về kinh tế lại neo người, đành phó mặc những đứa con, đứa cháu bé bỏng của mình cho Trại.

Nơi ăn chốn ở của các cháu dần được cải thiện phần nào, bức bách lớn nhất vẫn chỉ là chuyện học". Các cháu không được theo học trường lớp chính quy, Trại đã làm đơn, làm đủ các thủ tục, đề nghị địa phương can thiệp, nhưng chưa thuyết phục nổi ngành Giáo dục nơi đây.

Nhiều lý do được đưa ra để gây khó thêm cho bước chân các bé tới trường. Nhưng đứa trẻ đến tuổi đi học, được qua các lớp xóa mù do cán bộ Trại tự hướng dẫn, rèn cặp. Bé Biên hiện thời đọc thông viết thạo, biết làm toán lớp 2, nhưng không hiểu sau này ra đời, cấp, ngành nào đứng ra chứng nhận cho trình độ của em.

Theo CAND.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC