Những nạn nhân của trò lừa tiền tỷ qua mạngNhìn lại những vụ lừa đảo nổi tiếng trên Internet trong vòng 5 năm trở lại đây, nhiều người sẽ giật mình vì cái giá mà người dùng Internet tại Việt Nam phải trả cho bài học cảnh giác.

Năm 2006, anh Hoàng Việt Tiến (Hà Nội) bất ngờ nhận được email thông báo về việc trúng thưởng 250.000 bảng từ một chương trình xổ số của Anh. Với tiêu đề vô cùng hấp dẫn “Chúc mừng người chiến thắng”, email được gửi tới hộp thư điện tử của anh Tiến cùng với yêu cầu người nhận giải nộp 400 bảng vào tài khoản của một ngân hàng quốc tế. Khoản tiền này được lý giải là chi phí để thực hiện thủ tục thanh toán.

Vốn là một lập trình viên, tiếp xúc thường xuyên với mạng Internet, sau khi tham khảo bạn bè, người thân, anh Tiến quyết định không nộp khoản tiền nói trên và tự nhủ mình vừa thoát khỏi một cú lừa ngoạn mục. Tuy vậy, câu chuyện của anh vẫn là một bài học với tất cả những ai nhận được tin “trúng số” qua email suốt một thời gian dài sau đó.

Cũng trong năm 2006, một vụ lừa đảo ngoạn mục thực sự đã xảy ra trên diễn đàn TTVNOL. Lựa chọn một trong những chuyên mục được quan tâm nhất của diễn đàn, một thành viên nữ với nick-name Enrique81 cho biết mình có người thân tại Mỹ, có thể mua laptop và mỹ phẩm xách tay về nước với giá rẻ.

Các thành viên muốn mua hàng phải giao trước cho Enrique81 một nửa số tiền vào tài khoản ngân hàng (số còn lại sẽ được giao khi nhận hàng). Sau 5 ngày đăng tin, cô gái này đã thu được 18 triệu đồng từ “khách hàng”. Tuy nhiên, khi nhận được hàng qua đường bưu điện, những người nộp tiền cuối cùng đã nhận được bo mạch cũ và quần áo “sida” thay vì laptop và mỹ phẩm. Chủ nhân của nickname Enrique81 cũng từ đó biệt tăm trên diễn đàn.

Hai sự việc nói trên chỉ là khởi đầu cho nạn lừa đảo bùng phát trên mạng vào năm 2007. Thông qua môi giới, một doanh nghiệp (giấu tên) ký được hợp đồng mua nguyên liệu đã qua sử dụng với một công ty nước ngoài với giá hời. Phía môi giới khẳng định bên bán là một công ty danh tiếng, bản thân họ cũng đã tiếp xúc nhiều lần.

Do nhẹ dạ, doanh nghiệp nọ làm qua quít khá nhiều thủ tục, thậm chí nộp trước tất cả tiền hàng (trị giá 15 tỷ đồng) cho đối tác, và ung dung đợi ngày tàu hàng cập cảng. Khi hạn giao hàng đã qua mà lô hàng vẫn bặt vô âm tín, doanh nghiệp mới tá hỏa đi hỏi công ty vận tải. Lúc đó, doanh nghiệp mới ngã ngửa khi bên vận tải cho biết nhân viên giao nhận chiều đi (người xác nhận lô hàng đã được chuyển) của họ đã biến mất cùng bên bán. Đến lúc này, người môi giới mới thú nhận không hề biết bên bán là ai và chỉ liên hệ với họ thông qua trang web Alibaba.com…

Một vụ lừa đào đình đám khác bị phanh phui trong năm 2007 là vụ “buôn tiền”của một nhóm người tự xưng là đại diện của tập đoàn Colony Invest (Mỹ) và huy động tiền của người dân thông qua một website. Với mức lãi suất huy động 2,5-3% một ngày, bà Vũ Thị Thu Hằng và hệ thống của mình đã nhận tiền từ hàng chục nghìn người dân, tại nhiều tỉnh khác nhau mà không hề có biên nhận.

Người tham gia cũng không thể rút được tiền bởi phải gặp người quản lý, mất 10% số tiền và 25 USD phí giao dịch. Sau khi huy động được số tiền khổng lồ, những đối tượng này đánh sập trang web rồi biến mất. Cơ quan điều tra ước tính số tiền mà hàng nghìn người đã bị lừa khoảng 160 tỷ đồng.

Sang năm 2008 và 2009, người dùng mạng Internet tại Việt Nam đặc biệt đau đầu với nạn ăn cắp tài khoản và mật khẩu Yahoo Messenger nhằm phục vụ mục đích lừa đảo. Lợi dụng sự sơ hở cũng như lòng tin của chủ tài khoản, nhiều kẻ lừa đảo đã có được mật khẩu, giả danh và thu lợi bất chính.

Ban đầu, việc lừa đào ngày chỉ được thực hiện với quy mô nhỏ, như giả danh chủ tài khoản, nhờ người thân, bạn bè mua thẻ điện thoại, thẻ game…, vốn khá phổ biến trong giới sinh viên tại thời điểm đó. Tuy nhiên, vụ việc nghiêm trọng nhất phải kể đến trường hợp của Thu (Hà Nội), người bị kẻ gian lừa đến 105 triệu đồng vì giả danh bạn cũ, gom tiền mua laptop giá rẻ từ nước ngoài.

Đầu năm nay, các thành viên của một diễn đàn công nghệ thông tin lớn cũng xôn xao về nick name Psprince, người tổ chức đấu giá, bán một laptop Macbook Air. Sản phẩm này được trả giá cao nhất là 23 triệu đồng và người trả được yêu cầu gửi tiền vào tài khoản ngân hàng mang tên Nguyễn Chương Đỉnh.

Tuy nhiên, ngay sau khi người mua trả tiền, một số thành viên diễn đàn phát hiện Psprince không hề có laptop và bức ảnh được đăng trên diễn đàn được copy từ một website khác. Cùng lúc này, anh Nguyễn Chương Đỉnh cũng cho biết có người đã mua của anh một laptop HP và nghĩ rằng số tiền được chuyển vào tài khoản là do người đó thanh toán. Sự việc bị vỡ lở nhưng Psprince vẫn xuất hiện trên diễn đàn, thậm chí còn buông lời thách thức “Catch me if you can” (bắt tôi nếu có thể)…

Giữa tháng 7 vừa qua, cộng đồng mạng lại chứng kiến thêm một vụ lừa đảo quy mô lớn khác. 4 Việt kiều, đứng đầu là ông Phạm Ngọc Vân đã góp vốn thành lập công ty “ma” VFX Holdings và website vfxholdings.com. Nhóm này quảng cáo có “sàn giao dịch quốc tế trực tuyến” với nhiều ưu đãi và yêu cầu những người tham gia nộp tiền ký quỹ tối thiểu 2.000 USD.

Bằng thủ đoạn này, nhóm lừa đảo đã thu được trên 310.000 USD và 552 triệu đồng để chi dùng cá nhân. Ông Vân hiện đã bị cơ quan điều tra tại TP HCM bắt và tiến hành làm rõ hành vi.

Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC