Những ốc đảo sau lũHọc sinh chưa thể đến trường, người lớn chưa thể ra đồng, các cụ già, em bé vẫn phải giam mình trên gác lửng và sống qua ngày bằng những gói mì tôm... Đó là cuộc sống của nhiều xã ở Nghệ An, một tuần sau lũ.

Xóm 9 xã Hưng Phúc là một trong những điểm thấp trũng nhất của huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), mặc dù nằm trong đê Tả Lam nhưng nước lũ từ thượng nguồn đổ về cùng với lượng mưa lịch sử đã nhấn chìm nơi đây. Giao thông bị chia cắt hoàn toàn, giếng nước bị ngập sâu.

Chiều 24/10, một tuần sau mưa lũ, nóc nhà, rặng tre xóm 9 nhìn từ xa vẫn như ốc đảo giữa biển nước mênh mông. Ngoài những chiếc thuyền đơn sơ, người dân không còn phương tiện nào khác để đi lại.

Ngồi bần thần trên chạn (gác lửng) nhìn xuống căn nhà đang ngập nước lõm bõm, cụ bà Nguyễn Thị Mệnh (70 tuổi) buồn bã: "Chưa năm mô nước ngập như ri, các con cái muốn đưa tui đi sơ tán nhưng tui già rồi, có chết thì cũng chết ở nhà thôi”. Nghe mẹ chồng nói như vậy, chị Nguyễn Thị Tuyết không cầm được nước mắt: “Dân tôi quen với cảnh lụt lội nhưng các năm trước nước đến nhanh mà rút cũng nhanh. Năm ni, lụt to quá, phải sống trên chạn gần 2 tuần rồi, thiếu thốn đủ bề. Muốn nấu cho mẹ một bát cơm nóng sốt cũng không được".

Cũng như gia đình mẹ con chị Tuyết, hầu hết các gia đình trong xóm 9 đều chịu cảnh sống chung với nước ngập đến nửa nhà, có những hộ bị ngập lút mái, phải đi sơ tán. Toàn bộ sinh hoạt đều được chuyển lên chiếc gác lửng bằng gỗ.

"Người dân chỉ kịp đưa trâu bò đi gửi thôi chứ còn lợn gà và các vật dụng khác thì phải chịu ngập trong nước thôi", ông Nam, hàng xóm chị Tuyết, cho biết.

Sau 2 tuần đi tránh lũ, Trần Văn Thìn, sinh viên khoa kinh tế ĐH Vinh cứ ngỡ rằng nhà mình đã rút nước nên chèo thuyền trở về nhà để giúp bố mẹ lau dọn nhà cửa nhưng không ngờ cả làng vẫn ngập. "Nước rút chậm, chúng em đi học mà ruột nóng như lửa. Chắc bố mẹ phải đi vay thêm tiền để em ăn học chứ lũ lụt thế này bố mẹ cũng không không làm chi được", Thìn rầu rĩ.

Những ốc đảo sau lũ_0

Chị Tuyết, con dâu bà Mệnh, trước ngôi nhà ngập nước.

Những ốc đảo sau lũ_1

Một hộ dân đóng cửa sơ tán hơn 10 ngày nay.

Những ốc đảo sau lũ_2

Phương tiện đi lại của người dân nơi đây hoàn toàn dựa vào những chiếc thuyền đơn sơ.

Những ốc đảo sau lũ_3

Bình thường, em Trần Văn Thìn đi xe một mạch từ ĐH Vinh về nhà, song bây giờ bố con em chỉ có thể chèo thuyền.

Những ốc đảo sau lũ_4

Ông Nguyễn Văn Long vớt cá dọc ngõ xóm nước đen, ngập rác...

Những ốc đảo sau lũ_5

... và xác động vật chết nổi trương phềnh.

Sau gần 2 tuần ngâm trong nước, người dân vùng ốc đảo này đang phải đối mặt với cái đói, khát và ô nhiễm trầm trọng. Theo ông Nguyễn Văn Long, dù trời nắng nhưng nhà cửa vẫn bị ngập nên bà con vẫn phải sống nhờ mỳ tôm do lúa gạo ướt, không có chỗ phơi.

"Khổ nhất là nước sạch. Bình thường, người dân dùng nước mưa và nước giếng để sinh hoạt nhưng giờ tất cả các giếng nước và bể nước đều là nước lũ, người dân phải chèo thuyền đi sang các xã khác xin nước", ông Long nói.

Những can nước sạch được người dân dùng để nấu mì tôm và uống, còn lại tất cả các sinh hoạt khác đều phải dùng nước lũ. Sau 2 tuần phục vụ các nhu cầu như tắm rửa, giặt dũ, lau dọn nhà cửa... đến nay, nước lũ ở xóm 9 đã chuyển màu đen ngòm, bốc mùi hôi tanh. Thi thoảng, ở bụi cây, rặng tre lại nổi lên những xác động vật, gia cầm chết trương phình.

Không riêng gì xóm 9 mà hàng chục nóc nhà khác của xã Hưng Phúc, Hưng Lợi, Hưng Lam cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Người dân buộc phải dần thích nghi với cảnh bì bõm. Học sinh chưa thể đến trường, người lớn chưa thể ra đồng, các cụ già, em bé vẫn phải giam mình trên gác lửng và sống qua ngày bằng những gói mì tôm...

Chiều chiều, giữa dòng nước lũ bắt đầu chuyển màu đen, ngập rác, người dân trong xóm lại đưa thuyền đi giăng lưới, thả cá. Nhịp sống người dân vùng ốc đảo như ngưng đọng trong biển nước bao vây tứ bề.

Theo VnExpress.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC