Những phát ngôn gây "sốc cảm xúc""Yêu cầu TQ bồi thường cho ngư dân VN", "phải cấm bán tài nguyên thô ra nước ngoài", "trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám". Những ngày giữa tháng 10 này, có nhiều phát ngôn khiến người nghe phát... sốc vì xúc động, vui, buồn, bực bội.

Yêu cầu TQ bồi thường thiệt hại cho ngư dân VN

Chiều 21/10, Bộ Ngoại giao đã triệu ĐS Trung Quốc tại Việt Nam đến để trao công hàm phản đối việc nhân viên vũ trang Trung Quốc có những hành động vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam trên đường tránh bão cách đây hơn ba tuần. (VietNamNet, 21/10)Trong công hàm, Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm những nhân viên vũ trang có hành động đối xử thô bạo với ngư dân Việt Nam, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam, đồng thời có các biện pháp ngăn chặn không để những hành vi tương tự tái diễn.

Việc làm của Bộ Ngoại giao chắc chắn là hành động ấn tượng nhất của Chính phủ tuần vừa qua, vì nhiều ý nghĩa: Đây là phản ứng mạnh mẽ nhất nhằm bảo vệ ngư dân Việt Nam trước phía Trung Quốc, kể từ khi Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động và yêu sách đòi chủ quyền trên Biển Đông (khoảng hai năm trở lại đây).

Thái độ quyết liệt đó của Nhà nước là điều người dân đã hy vọng và mong đợi từ lâu.

Sẽ phải cấm bán tài nguyên thô ra nước ngoài

"Ta bây giờ phần lớn là bán tài nguyên, nên vừa rồi cũng có phê phán chỗ này chỗ kia. Đã đến lúc phải đi sâu vào chế biến và Chính phủ sắp tới chắc phải có quy định theo hướng cấm bán tài nguyên thô ra nước ngoài" - Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật thuế tài nguyên của QH. (Tuổi Trẻ, 22/10)

Những phân tích của Tổng Bí thư, tuy không đề cập trực tiếp và cụ thể tới những dự án bán tài nguyên gây tranh cãi, nhưng cũng là một tín hiệu gửi đến các cá nhân và tổ chức lâu nay vẫn giữ thứ tư duy làm giàu và phát triển nhờ xúc tài nguyên đi bán. Sẽ đến lúc mà thời kỳ phát triển dựa vào việc xuất khẩu các sản phẩm "săn bắn, hái lượm" được phải chấm dứt.

Nhân thân tốt vẫn cứ được chiếu cố

Những phát ngôn gây
Tổng TTCP Trần Văn Truyền

Mặc dù trong dư luận, đã có không ít ý kiến phản đối việc xét xử kết hợp "tình" và "lý", giảm nhẹ tội vì yếu tố "nhân thân tốt", nhưng Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền lại vừa một lần nữa khẳng định, người có nhân thân tốt vẫn cần được pháp luật chiếu cố.

Liên quan tới "nghi án" công ty PCI hối lộ quan chức Việt Nam, ông Truyền nhận xét:  "Nếu anh tiền án, tiền sự thì xử lý khác. Còn bản thân anh trước đó đến nay không làm gì có lỗi, tích cực, tận tụy, vì lý do nhất thời có hành động khác đi; hoặc cả gia đình từ xưa đến nay cống hiến cho Tổ quốc, cách mạng, chỉ vì một lỗi nào đó mình xử một người mà làm cả một dòng họ, gia đình bị ảnh hưởng thì cũng nên xem xét". (VietNamNet, 22/10)

Luật pháp, nếu thật sự công bằng và nghiêm minh, thì luôn xử lý đúng người, đúng tội, không có chuyện "xử một người mà làm cả một dòng họ, gia đình bị ảnh hưởng". Nói cách khác, người nào vi phạm pháp luật thì người đó sẽ bị xử lý, không ảnh hưởng gì tới dòng họ, gia đình, mà cũng không thể lấy dòng họ, gia đình ra làm khiên làm mộc che đỡ cho hành vi sai phạm của cá nhân.

Với cách xét xử theo hướng giảm nhẹ tội cho người có nhân thân tốt, không chừng tòa đang mở đường cho những nhân vật thuộc diện "con cháu các cụ" vi phạm pháp luật. Đã có "nhân thân tốt" lót cho rồi, sợ chi?

Ngoài ra, Tổng Thanh tra nói vậy thì lại hơi... tội nghiệp cho những người tuy đang tốt nhưng trong quá khứ chẳng may có tiền án, tiền sự.

Nhìn chung, ở địa vị Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền không nên đưa ra những nhận xét có thể tác động tới cơ quan tư pháp (vốn phải độc lập với hành pháp).

Đừng "làm khó" các nhà khoa học!

Các ý kiến phản hồi cho thấy Dự thảo thông tư "Hướng dẫn thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học công nghệ" do Bộ Khoa học - Công nghệ (KHCN) xây dựng đang có những quy định mang tính chất của "vòng kim cô" đối với các nhà khoa học.

Chẳng hạn, Dự thảo có quy định buộc các tổ chức nghiên cứu KHCN chỉ được nghiên cứu các lĩnh vực mà pháp luật cho phép (diễn giải đơn giản). Điều này thật ra rất khó thực hiện cho cả bên ra quy định lẫn bên tuân theo quy định. Bởi vì pháp luật phải liệt kê ra cả một danh sách những lĩnh vực cho phép nghiên cứu khoa học, trong khi lẽ ra chỉ nên lập danh sách lĩnh vực cấm nghiên cứu, đỡ phức tạp hơn.

Bên cạnh đó là việc Dự thảo quy định, thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận thành lập tổ chức KHCN chỉ là 5 năm, hết 5 năm phải đi đăng ký lại; nếu mất giấy phép phải làm lại các thủ tục từ đầu như khi cấp mới và phải có thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng...

Thủ tục này, so với việc thành lập doanh nghiệp, lằng nhằng hơn nhiều. Đối với các nhà khoa học - những người luôn cần được hưởng tự do để có thể sáng tạo - thì đây thật sự là mớ thủ tục hành chính làm họ mất thời gian và tâm sức.

Thế nên GS Trần Văn Tuấn (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, VUSTA) đã phải nhấn mạnh: "Nếu thực sự mong muốn khoa học nước nhà phát triển, nhà nước cần có niềm tin hơn vào các nhà khoa học và tạo điều kiện để họ phát huy hết năng lực của mình. Đừng làm khó các nhà khoa học". (Đất Việt, 21/10)

HN tái khởi động dẹp hàng rong vỉa hè

Sau hơn một năm Hà thành thực hiện các quyết định 02, 20 về xử lý hàng rong, vỉa hè trên hơn 60 tuyến phố nội đô, "cuộc đấu tranh" của chính quyền với hàng rong vỉa hè vẫn chưa chấm dứt.

"Tình hình vi phạm tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của Hà Nội đã tương đối trầm trọng. Không thể để Thủ đô đón 1.000 năm Thăng Long nhếch nhác thế này" - ông Hoàng Thanh Bình, Trưởng Phòng Cảnh sát trật tự Công an Hà Nội, tuyên bố. (VietNamNet, 20/10)

Ông Bình cho rằng nguyên nhân là do có sự chùng xuống của các lực lượng chức năng, nhất là đội ngũ chỉ đạo, khiến các lực lượng thực thi ở dưới vốn đã mỏng cũng buông vì không đủ sức.

Những phát ngôn gây

Ai cũng biết thành phần kinh tế cá thể, với tính chất cơ động, làm ăn nhỏ lẻ, rất dễ "làm loạn" đường phố bất cứ khi nào có thể, và khiến bộ mặt thành đô Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi bị "nông thôn hóa". Tuy nhiên, việc hàng rong vẫn duy trì sức sống rất dai dẳng, bất chấp mọi chiến dịch "đánh dẹp", cho thấy những gì chính quyền đang làm hình như chỉ là giải pháp tạm thời, phần ngọn, chứ không phải tận gốc rễ.

Vấn đề quan trọng ở đây là phương pháp và thời điểm dẹp bỏ hàng rong vỉa hè đã hợp lý chưa, người dân đã "tâm phục khẩu phục" chưa, đã có cách nào bố trí việc làm và mưu sinh cho những con người chỉ biết bám vỉa hè mà sống hay chưa?

Chính quyền, công an, dân phòng, quản lý thị trường, v.v. có thể bức xúc, xử lý quyết liệt, nhưng nếu chỉ làm để... lập thành tích chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thì e rằng cũng chỉ như bắt cóc bỏ đĩa. Mọi sự rồi sẽ đâu lại vào đấy, cố gắng lắm thì giữ được bộ mặt thủ đô sạch đẹp cho tới sau dịp 10/10/2010.

Kết cục buồn của vụ náo loạn ở An Khê

"Công an thị xã An Khê (Gia Lai) vừa chính thức công khai xin lỗi nhân dân trên địa bàn thị xã về thái độ, tác phong ứng xử của một số cán bộ, chiến sĩ công an xung quanh vụ náo loạn vừa qua tại thị xã An Khê có liên quan đến cái chết của ông Phạm Ngọc Đến, bị cảnh sát giao thông truy đuổi do không đội mũ bảo hiểm" - Trưởng công an thị xã An Khê Nguyễn Văn Thắng cho biết. (Tuổi Trẻ, 18/10)

Lẽ ra việc công an công khai xin lỗi dân như vậy có thể được chọn là một "hành động ấn tượng" của tuần, vì dù sao đó cũng là chuyện... hiếm. Tuy nhiên, cuối cùng, cách xử lý vụ việc đã khiến lời xin lỗi trở thành chưa đủ, và thậm chí câu chuyện còn là một ví dụ về sự vi phạm nguyên tắc "mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật".

Ấy là vì, công an có hành vi bạo hành đối với công dân, sử dụng vũ lực không thích hợp với mức độ sai phạm của dân và cuối cùng làm chết người, thì chỉ bị "kỷ luật cảnh cáo", "khiển trách", "bố trí lại công tác", và "xin lỗi". Trong khi đó, 11 công dân, do không kìm được sự phẫn nộ mà quá khích, "bạo hành" ngược lại với công an, thì bị khép vào tội "gây rối trật tự công cộng" và khởi tố.

Một cái kết không thỏa đáng.

"Trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám"

Những phát ngôn gây
GS Phan Huy Lê

GS sử học Phan Huy Lê vừa đưa ra một thông tin gây sốc, 64 năm sau sự kiện kho xăng của quân Pháp ở Thị Nghè bị đốt cháy (khoảng giữa tháng 10/1945) bởi một (hoặc một số) người được cho là "anh Đuốc Sống" Lê Văn Tám.

GS Lê cho biết, do không biết ai là người tổ chức và trực tiếp đốt kho xăng nên GS sử học Trần Huy Liệu đã dựng lên câu chuyện về thiếu niên anh hùng Lê Văn Tám.

Ông Phan Huy Lê nhấn mạnh: "Lúc bấy giờ, GS Trần Huy Liệu đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời, nên GS nói rõ là muốn tạo dựng nên một biểu tượng anh hùng để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta... Điều căn dặn của GS Trần Huy Liệu là: Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa". (Khoa học và Đời sống, 14/10)

GS Lê kể lại câu chuyện, đồng thời đề nghị thái độ ứng xử với biểu tượng Lê Văn Tám: "Tôi nghĩ rằng tất cả các đường phố, trường học, công viên... mang tên Lê Văn Tám vẫn để nguyên, vẫn được tôn trọng như một biểu tượng với nội dung giải thích đúng sự thật... Mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực".

Chắc chắn sẽ còn gây nhiều tranh luận và tốn nhiều giấy mực, nhưng - xét trên khía cạnh phải sòng phẳng với lịch sử, "trả lại cho Cesar những gì của Cesar" - có thể nói cách ứng xử mà GS Lê đề xuất là chừng mực và đúng đắn.

Còn về những sự thật lịch sử xoay quanh nhân vật Lê Văn Tám cũng như độ tin cậy của câu chuyện về GS Trần Huy Liệu, thì người dân Việt Nam có quyền đòi hỏi các nhà khoa học, các sử gia vào cuộc nghiên cứu để đưa ra câu trả lời chính xác.

Theo Vietnamweek.net.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC