Diễu binh lớn nhất lịch sử, đêm pháo hoa hoành tráng tại Mỹ Đình, lần đầu tiên người dân được tận mắt xem bảo vật Hoàng cung và di tích Cấm thành Thăng Long... là những sự kiện đáng nhớ trong dịp đại lễ.
Lễ diễu binh, diễu hành lớn nhất trong lịch sử:
Đại bác, máy bay trực thăng và những hàng quân diễu binh thẳng tắp đã tạo nên không khí hào hùng tại quảng trường Ba Đình sáng 10/10. Cuộc diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sự Việt Nam có sự tham gia của hơn 30.000 người thuộc khối quân đội, công an, đoàn thể, quần chúng.
Chương trình gói gọn trong hơn 1 giờ đã thu hút hàng triệu người Việt Nam trong và ngoài nước theo dõi vào sáng 10/10. Hàng nghìn người dân đã thức trắng đêm, đứng chen chân các tuyến đường để chờ đón đoàn diễu binh, diễu hành và hò reo, hát vang "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng".
Màn diễu binh hùng tráng.
Biểu diễn nghệ thuật với màn pháo hoa ấn tượng:
Màn biểu diễn văn hóa nghệ thuật của 8.000 nghệ sĩ, diễn viên kết hợp với ánh sáng lazer, với lửa, cùng màn hình lead khổng lồ đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem tối 10/10. Đêm hội đã tái hiện chiều dài lịch sử suốt 1000 năm của Thăng Long - Hà Nội, giúp người dân hình dung một quá khứ hào hùng của dân tộc.
Màn pháo hoa trong đêm đại lễ 10/10.
Màn pháo hoa đặc biệt trên bầu trời sân vận động Mỹ Đình kéo dài 30 phút cùng với hiệu ứng lửa và âm thanh đã làm nức lòng người xem. Giá vé trước giờ trình diễn đã lên tới tiền triệu, còn sau buổi diễn các tuyến đường xung quanh đã tắc nghẽn đến 2h sáng. Nhiều người ngất xỉu, một số bé đã bị lạc phải nhờ công an tìm kiếm người thân.
Lần đầu tiên mở cửa khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long:
Sau 8 năm khai quật, khu khảo cổ của di tích Hoàng Thành tại 18 Hoàng Diệu đã mở cửa đón khách tham quan. Người dân đã được tiếp xúc, tận mắt chứng kiến một phần di tích tiêu biểu của Cấm thành Thăng Long từng bị chôn vùi dưới nền đất.
Phát lộ những di tích dưới lòng đất Hoàng thành.
Hàng trăm di vật cũng được trưng bày cùng mô hình sa bàn giúp người xem hình dung cuộc sống hoàng cung thời Đinh, Tiền Lê, thời Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Nguyễn cho đến thời đại Hồ Chí Minh.
Trong những ngày tháng 10, Hoàng thành Thăng Long đã chính thức được nhận bằng di sản văn hóa của UNESCO.
Lần đầu tiên giới thiệu bảo vật Hoàng cung:
Sau hơn 50 năm nằm trong bảo tàng, các bảo vật tượng trưng cho quyền lực của triều đình Lê, Nguyễn như kim ấn, ngọc tỷ truyền quốc, bảo kiếm... đã được giới thiệu tới công chúng.
Mũ vàng triều Nguyễn (thế kỷ 19) nặng hơn 700 gam.
Người dân được tận mắt ngắm nhìn những mũ vàng của vua chúa, các loại ấn vàng, ấn ngọc và những bảo kiếm bằng vàng gắn ngọc quý... giúp mỗi người hình dung về vương triều phong kiến xa xưa. Những bảo vật này không còn là điều bí ẩn với công chúng và cho thấy bảo vật của các triều đình phong kiến xưa vẫn được thế hệ ngày nay bảo tồn nguyên vẹn.
Con đường gốm sứ đạt kỷ lục Guinness:
Trên con đường gốm sứ ven sông Hồng dài gần 4km, đoạn tranh "Hoa văn Việt Nam trong dòng chảy lịch sử" dài 810m đã được Tổ chức Guinness thế giới trao chứng nhận "Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới".
Con đường gốm sứ là bức tranh đa sắc.
Thay thế dải tường bê tông xám xịt ngày nào, ven đê sông Hồng đã hiện hữu một bức tranh gốm trải dài rực rỡ sắc màu. Người xem có thể hình dung dòng chảy lịch sử của Thăng Long Hà Nội qua nhiều thời đại, những sắc màu hoa văn thổ cẩm đặc trưng của dân tộc và tranh gốm của các em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế với thành phố Hà Nội vì hoà bình. Nơi đây đã trở thành điểm tham quan của du khách đến thủ đô, là điểm chụp ảnh ưa thích của giới trẻ Hà thành.
Đại lộ dài nhất đất nước được thông xe:
Đại lộ Thăng Long dài 28km, từ ngã tư đường Phạm Hùng, đi qua địa huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất và đến ngã tư giao với quốc lộ 21 - đường Hồ Chí Minh. Đại lộ rộng 140 mét (gồm hai dải đường cao tốc 6 làn xe, hai dải đường đô thị 2 làn xe cơ giới…) được coi là đường cao tốc dài và hiện đại nhất Việt Nam.
Đại lộ Thăng Long dài 28km.
Đại lộ Thăng Long hoàn thành ngày 3/10 đã giải quyết nhu cầu đi lại của người dân phía tây nam thành phố, nối các khu đô thị, khu công nghiệp, huyện thị phía tây với trung tâm thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh.
Bảo tàng lớn nhất cả nước mở cửa:
Bảo tàng Hà Nội hình kim tự tháp ngược đã mở cửa sau 2 năm xây dựng. Đây là nơi trưng bày những hiện vật do cha ông để lại có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, giúp người dân thủ đô và bạn bè trong nước, quốc tế hiểu thêm về Hà Nội và đất nước Việt Nam khi đến thăm bảo tàng.
Bức tranh gửi tới mai sau được giấu trong bức tranh bằng đồng
Đặc biệt, ngay tại sảnh chính tầng một của bảo tàng đã trưng bày bức tranh bằng đồng, trong đó là bức thư khắc chữ để gửi tới tương lai, có kích thước 65x105 cm. Bức thư này sẽ được mở ra sau 100 năm tới.
Hàng trăm món quà quý tặng Hà Nội:
Trong dịp đại lễ, Hà Nội đã đón nhận nhiều món quà quý như tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn do nhân dân TP HCM xây dựng tại công viên Thống Nhất, bức tranh thêu tay dài hơn 30 mét (dài nhất Việt Nam) tái hiện lịch sử Việt Nam qua 3 triều đại Đinh - Lê - Lý do các thợ thủ công tỉnh Ninh Bình thực hiện, hay tấm bản đồ Việt Nam làm bằng 1000 con rồng vàng cao hơn 5m do các nghệ nhân Quảng Nam chế tác...
Bức tranh thêu tay dài hơn 30 m do các nghệ nhân Ninh Bình dành tặng cho Hà Nội.
Bạn bè quốc tế cũng trao tặng Hà Nội bằng những món quà thiết thực như hệ thống chiếu sáng các công trình văn hóa lịch sử có giá trị hàng trăm nghìn euro đã được Cộng hòa Pháp tài trợ, chương trình lễ hội rồng quy mô lớn do Tây Ban Nha thực hiện...
Theo VnExpress.