Những người làm việc tại phòng Tham vấn của dự án "Ngôi nhà bình yên" viết và kể lại rằng có nhiều người già tìm đến đây cầu cứu với tình trạng thương tích đầy người, rách rưới và tủi hờn.
Họ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Cũng tại đây, nhiều người đã được xoa dịu vết thương tinh thần, chăm sóc sức khỏe… Và có những sự “hồi sinh chầm chậm”
Bạo hành của những "chồng con" cục cằn
Bà H (75 tuổi) tìm đến trung tâm và bắt đầu kể chuyện, trong suốt buổi nói chuyện bà khóc nức nở. Sinh ra ở một vùng quê nghèo khó, khi lớn lên bà lấy phải người chồng cục cằn thô lỗ. Sống với chồng gần 60 năm, bà không nhớ nổi mình đã bị đánh bao nhiêu lần. Những cách hành hạ kiểu như lấy điếu cày đập, chân đá, xích quật... Bà cam chịu vì có những con nhỏ.
Gia đình với vô vàn biến cố, người con trai trưởng của bà do ly thân với vợ nên cũng trở về sống cùng gia đình. Mẹ thương con nên che chở nhưng cậu con trai thứ vốn lo lắng rằng: “Anh về, anh sẽ chiếm đất” nên cho rằng “Mẹ vào hùa với anh cả làm mất quyền lợi của mình”… Cậu con trai thứ lúc đó lại đối nghịch với bà, anh ta hùa với cha chửi bới đánh đập mẹ.
Tuổi già lại thêm nhiều bệnh tật, gan nhiễm mỡ, huyết áp cao, phù tim… Bà phải nhập viện, chăm bà ở viện có người con cả và cô con út. Bà kể lại rằng: “Cậu cả thì tốt nhưng cậu ấy nghèo. Cô út thì thương nhưng bị bố dọa quấy quả, chửi bới gia đình chồng”. Thế là vì thương con nên bà nhận phần cô độc. Bà cắn răng cam chịu một mình để các con bớt khổ và được yên trước cha.
Thế nhưng không dừng ở đó, tháng 11/2008, lúc không có ai ở nhà, bà bị chồng đánh đuổi ra khỏi nhà. Bà H đi lang thang, những người gặp bà khi ấy kể lại rằng, đôi chân tím bầm, đôi mắt mỏi mệt và tinh thần thì tuyệt vọng. Rồi được mọi người giới thiệu bà cũng tìm đến “Ngôi nhà bình yên” để được giúp đỡ.
Bạo hành của người con có học
Chuyện của bà B. cũng chua chát không kém. Con bà là người được học hành tử tế, từng là học sinh giỏi quốc gia, sau khi học ở Việt Nam xong còn đi du học… Sau khi học nước ngoài xong anh ta có ý định ở lại đó lấy vợ và lập nghiệp, vì thương con, vợ chồng bà đã bán căn nhà duy nhất ở Hà Nội cho con tiền mua căn nhà ở nước ngoài.
Hai vợ chồng bà sang nước ngoài để sống cùng cậu con trai. Thế nhưng sau hơn 2 tháng thì chồng bà mất. Sau này cậu con trai làm ăn thất bát nên cũng “chán nước ngoài”, chia tay vợ. Anh ta về Việt Nam mở công ty làm ăn riêng và lấy vợ Việt Nam.
Mâu thuẫn nảy sinh giữa bà và cô con dâu Việt Nam vì bà chậm chạp mà cô con dâu lại chanh chua. Vì mâu thuẫn này không ít lần anh con trai tát bà, cô con dâu xỉ nhục bà. Đau đớn hơn, họ có một đứa con đã lớn tuổi mà không biết nói cũng “đổ tại bà”.
Mỏi mệt tràn lên mi, lên mắt và thân hình những người phụ nữ phải cam chịu bạo hành (Ảnh chụp lại từ nguồn tư liệu của “Ngôi nhà bình yên”) |
Gần 70 tuổi, bao nhiêu tiền bạc dốc hết cho con. Sống cuộc sống hằng ngày với các công việc từ nấu cơm, đi chợ, dọn nhà, giặt giũ cũng vì con. Hàng tháng bà còn có khoản lương hưu tự lo đủ cho mình… Thế nhưng vẫn bị con hành hạ về cả thể chất lẫn tinh thần. Bà từng nghĩ mình sẽ dùng thuốc ngủ để chết. “Không chết được”, nhưng trước những dọa dẫm của con dâu, con trai bà bỏ nhà đến nhà chị gái sống. Sau đó được đưa đến “Ngôi nhà bình yên” để được giúp đỡ.
Những cụ già ám ảnh và những cuộc “hồi sinh chầm chậm”
Hai câu chuyện chua chát trên là một phần trong bức tranh về bạo lực gia đình tại Việt Nam. Những người phụ nữ đó điều đã tìm đến “Ngôi nhà bình yên” để được trợ giúp toàn diện.
“Ngôi nhà bình yên” là một mô hình nhà tạm lánh của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển. Là nơi lưu trú và hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực gia đình và nạn nhân bị buôn bán trở về. Nơi đây cung cấp dịch vụ toàn diện cho nhóm người nói trên. Hoạt động được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Quỹ Ford, Cơ quan hợp tác phát triển Thụy Sĩ (SDC), Unicef…
Người phụ nữ trong “câu chuyện thứ nhất” - bà H đến “Ngôi nhà bình yên” khi sức khỏe suy sụp bởi đã 3 ngày đi lang thang, bị bỏ đói và tinh thần hoảng loạn. “Chúng tôi đã thu xếp cho bà chỗ ở an toàn, tư vấn tâm lý, chăm sóc tâm lý và điều trị vết thương. Vui vì những đêm dài bà H đã ngủ ngon hơn… Ngoài ra chúng tôi còn phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương như Hội liên hiệp phụ nữ, Hội người cao tuổi, các cơ quan pháp luật để xây dựng kế hoạch an toàn bảo vệ bà” bà Vũ Kim Thanh (Chuyên gia tư vấn của “Ngôi nhà bình yên” cho biết).
Những sản phẩm thủ công được những phụ nữ bị bạo lực làm khi sống và học nghề tại “Ngôi nhà bình yên” |
Còn trường hợp bà B bị bạo hành do một người con có học. Bà một mực cho rằng không muốn sự can thiệp của địa phương vì lo ảnh hưởng đến danh dự của con. Nhiều đêm bà mất ngủ khi lo lắng hành vi của con trai, con dâu có thể bị xử lý… Cán bộ Trung tâm phải khuyên nhủ nhiều và tính đến nước thuê nhà riêng để bà ở sau khi ra khỏi trung tâm.
Mỗi số phận, mỗi cuộc đời sẽ phải lựa chọn một phương pháp xử lý và tiếp cận khác. Chỉ biết rằng trong những lúc bơ vơ, tuyệt vọng những người phụ nữ cả đời thiệt thòi kia có một chỗ bám víu, nương tựa… để chờ những cơ hội được sống và hồi sinh chầm chậm.
Theo VNN.