Nỗi niềm trước ngày thông xe cầu Cần ThơNhững ngày này, nhiều công nhân, hành khách mang cảm giác bâng khuâng, hoài niệm khi đứng trên bến phà Hậu Giang thân thuộc. Một tuần nữa (24/4) cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á sẽ thông xe, khép lại sứ mệnh của bến phà.

Ở tuổi 57, thủy thủ Nguyễn Ngà đã có hơn 35 năm gắn bó với bến phà Hậu Giang. Những ngày giữa tháng 4, ông vẫn miệt mài quay mỏ bàn phà, sắp xếp xe đậu đúng làn và hướng dẫn lên xuống phà Việt Đan 1... Trình tự như thế cứ lặp đi lặp lại, như một thói quen trong cuộc sống. Nửa cuộc đời gắn bó, nghĩ đến ngày thông xe cầu Cần Thơ, ông Ngà cảm thấy bồi hồi, bịn rịn.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Năm của phà J.100 chia sẻ: "Tôi biết là không thể dùng phà mãi được, phải có cầu cho thuận tiện đi lại, có cầu thì đời con cháu sau này mới hơn đời của mình. Nhưng nghĩ đến những chuyến phà không còn nữa, tôi thấy có gì đó trống vắng, hụt hẫng trong lòng".

Suy nghĩ của ông Nam cũng chính là tâm trạng chung của hàng trăm công nhân, thuyền trưởng, thủy thủ, thợ máy đang công tác tại cụm phà Hậu Giang.

Nỗi niềm bâng khuâng khó tả cũng hiện diện cả trong những hành khách trên những chuyến phà Hậu Giang. Làm việc tại TP HCM, thỉnh thoảng mới có dịp về thăm quê ở Thốt Nốt, Cần Thơ, chị Hoàng Kim chia sẻ, ngày trước mỗi khi đến bến phà, chị thấy hơi... phiền vì mất thời gian chờ đợi. Không hiểu sao, giờ lại thấy nao nao.

"Ngày trước, đứng trên phà chỉ mong sao phà mau cập bến để về nhà sớm. Giờ thì tranh thủ đứng nhìn trời, nhìn sông, cảm giác như mình sẽ không còn được như thế này nữa. Đây có thể là lần cuối, tôi được đi phà", chị Kim trùng giọng.

Những ngày này, vẫn là cái nắng oi nồng của miền Tây Nam bộ, cũng cảnh người người chen nhau trước cách cổng sắt đợi phà cập bến, tiếng lao xao của người bán hàng rong mời mọc... nhưng sự khó chịu, cáu gắt không còn. Ai nấy dường như đang cố gắng níu giữ những cảm giác gần như là cuối cùng tại bến phà thân thuộc.

"Mời mấy người đi phà mua cây chewing gum, gói thuốc, họ hoặc vui vẻ mua, hoặc từ chối nhẹ, chứ không có làm ngơ hay khó chịu. Chắc họ biết, mấy ngày nữa không còn bị làm phiền thế này...", chị Hoa, bán hàng rong tại vị trí đợi phà nói.

Chị cười nhưng ánh mắt ngân ngấn. Người phụ nữ 2 con vốn chỉ biết chào mời thuốc lá, kẹo cao su, kiếm tiền nuôi gia đình trên những chuyến phà giờ đang lo lắng việc mưu sinh khác.

Nỗi niềm trước ngày thông xe cầu Cần Thơ_0

Ít ai qua sông Hậu lại bỏ qua việc thưởng thức trái bắp luộc mềm dẻo, thơm ngon và có vị ngọt đặc trưng. Chính tại khu vực phà đã khai sinh ra "Xóm Bắp", chuyên cung cấp thức ăn dân dã cho khách qua phà.

"Chắc chắn gia đình tôi sẽ không bỏ nghề nấu và bán bắp. Phà không còn, tôi sẽ tìm chỗ ngồi trong một chợ nào đó mà bán, chắc cũng sống được...", chị Trần Thị Phương, một người bán bắp trên phà, nói giọng buồn buồn.

Theo ông Trương Thanh Phao, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh, Vĩnh Long, có 235 hộ với gần 1.000 người hành nghề mua bán ở khu vực bến phà Cần Thơ. Khi phà không còn hoạt động thì số hộ này sẽ không còn việc làm.

"Để ổn định cuộc sống cho bà con, trước mắt, chúng tôi thống nhất đưa ra 3 giải pháp: giới thiệu họ vào các khu công nghiệp trên địa bàn làm công nhân; cho vay vốn để chuyển đổi nghề; giới thiệu thanh niên vào học nghề miễn phí tại các trung tâm", ông Phao nói.

Nỗi niềm trước ngày thông xe cầu Cần Thơ_1

Từ đầu tháng 3, Ban Giám đốc cụm phà Hậu Giang đã xây dựng đề án về nhân sự. Được sự chấp thuận của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức lễ công bố thành lập công ty TNHH một thành viên quản lý và khai thác cầu Cân Thơ trên cơ sở chuyển giao từ cụm phà Hậu Giang. Công ty này sẽ giải quyết nhân sự cho các lao động của phà Hậu Giang sau khi thông cầu.

Ông Phan Quang Dự, Giám đốc cụm phà Hậu Giang cho biết: "Cụm phà đã giải quyết vấn đề lao động một cách minh bạch, rõ ràng. Đơn vị mới cần khoảng 200 người, như vậy sẽ còn 100 lao động không có việc. Số này sẽ được giải quyết theo chế độ".

Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC