"Tôi vừa đi xuyên từ đốt 2 qua đốt 1 và hoàn toàn khô ráo, kết nối giữa hai đốt đã cơ bản hoàn thành", ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây cho biết.
Theo ông Phúc, quá trình kết nối đã diễn ra nhanh hơn dự kiến khoảng 6 tiếng, nhờ thuận lợi từ thuỷ văn, tốc độ dòng chảy ổn định của sông Sài Gòn và đặc biệt là các kinh nghiệm có được từ việc nối thành công đốt 1 với đường dẫn phía quận 2 ngày 7-8/3.
"Ngay ngày mai, các đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện các công đoạn tiếp theo để hoàn thiện quá trình kết nối", ông Phú nói. Đốt hầm Thủ Thiêm số 2 được lai dắt thành công hôm qua đã được dìm xuống sông Sài Gòn từ 7h sáng nay. Khoảng 1h30 trưa nay, đốt hầm số 2 đã bắt đầu được kết nối với đốt số 1 ở độ sâu hơn 20 m dưới sông Sài Gòn.
"Khi ráp hai đốt hầm lại thì ở giữa sẽ có nước, nước sau đó sẽ được rút ra, áp lực nước rất mạnh từ bên ngoài sẽ đẩy đốt 2 sát với 1, sai số trong giai đoạn kết nối này chỉ là 4 mm", ông Vương Hoàng Thanh, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây phân tích thêm về kỹ thuật nối hầm .
Sau khi kết nối thành công đốt 1 với đốt 2, dự kiến đốt 3 sẽ được lai dắt và dìm vào ngày 4-5/5, đốt cuối cùng ngày 4-5/6.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết, sau khi hoàn thành vào tháng 2/2011, dự kiến hầm Thủ Thiêm sẽ cho xe gắn máy lưu thông, xe tải và xe quá khổ bị hạn chế do hầm chỉ phục vụ nhu cầu giao thông trong trục thành phố chứ không phải là đường vành đai.
Hầm Thủ Thiêm là công trình ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam thuộc dự án Đại lộ Đông - Tây ở TP HCM. Theo thiết kế, đường hầm bắt đầu chui xuống đất bởi 2 đoạn dẫn ở hai bờ quận 1 và quận 2, nằm dưới đáy sông cách mặt nước 24 m. Mặt cắt ngang hầm rộng 33,3 m bao gồm hai hướng lưu thông với 3 làn xe mỗi bên. Vận tốc thiết kế của hầm là 60 km một giờ.
Theo VNE.