Ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Căng thẳng chạy nước rútTăng tiết, tăng truy bài, khảo bài, tăng cường kiểm tra, thi thử... Áp lực đạt kết quả tốt nghiệp cao đang khiến nhiều trường THPT phải tăng tốc ôn tập bằng nhiều hình thức.

Còn hai tháng nữa để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng ngay sau khi môn thi tốt nghiệp được công bố, các trường THPT đã đồng loạt triển khai kế hoạch ôn tập. Trong những ngày cuối tháng 3, hầu hết các trường THPT trên địa bàn TP.HCM bắt đầu bước vào kỳ thi học kỳ 2 đối với những môn không thi tốt nghiệp nhằm dành thời gian còn lại tập trung vào việc ôn tập sáu môn thi.

Tranh thủ tiết chào cờ

Ngay sau khi có thông tin chính thức về sáu môn thi tốt nghiệp, đặc biệt năm nay có cả hai môn phải học thuộc là sử và địa, hoạt động truy bài, khảo bài diễn ra hầu như đều khắp các trường. Thời lượng học các môn này cũng được tăng lên kéo theo những điều chỉnh về thời khóa biểu.

Tại Trường THPT Nguyễn Trung Trực (Q.Gò Vấp), thầy Huỳnh Trọng Phúc, hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Nhà trường đã bổ sung giáo viên tổ sử, địa tham gia ôn thi, mỗi tiết khảo bài, kiểm tra thử sẽ có thêm giáo viên hỗ trợ kiểm tra tình hình học tập ngay tại lớp chứ không chỉ một giáo viên phụ trách một lớp như trước. Trường cũng tách học sinh còn yếu ra hai lớp đặc biệt để tiện theo dõi, phụ đạo, hỗ trợ các em ôn tập kỹ hơn”. Hiện hoạt động chào cờ đầu tuần ở trường này luôn dành 20 phút để tổ chức đố vui bằng những kiến thức ôn thi tốt nghiệp, câu hỏi do các tổ bộ môn biên soạn.

Cô Thanh Thủy, phó hiệu trưởng Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, cho biết: “Từ đầu tháng 4, ngoài hoạt động ôn tập như mọi năm, nhà trường tổ chức mỗi tuần ba tiết dò bài ba môn văn, sử, địa, kiểm tra miệng những kiến thức cơ bản để giúp học sinh nhớ bài”. Hiện học sinh diện ngoại trú, bán trú lớp 12 các trường THPT dân lập, tư thục đều đã làm thủ tục vào học nội trú tại trường để tiện cho việc ôn tập buổi tối. Theo một số ban giám hiệu, việc ôn tập thi tốt nghiệp đã được triển khai ngay từ đầu năm lớp 12. Thời gian từ tháng 4 trở đi chỉ tập trung phụ đạo cho những học sinh trung bình, yếu với lịch học dày hơn kéo dài đến khuya, cắt cử giáo viên một kèm một.

Giờ chào cờ sáng thứ hai đầu tuần tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1 luôn dành thời lượng khá dài cho học sinh khối 12. Ngoài hoạt động hướng nghiệp, tư vấn, giải đáp các thắc mắc ngành nghề cho học sinh, nhà trường liên tục nhắc nhở việc tập trung học tập, phụ đạo đầy đủ các môn thi tốt nghiệp.

Học ca ba

Tại Hà Nội, có nhiều trường dự kiến tăng trên 70 tiết/đợt ôn thi, bắt đầu từ khi công bố môn thi. Như vậy, học sinh ngoài việc tiếp tục học các môn khác để kết thúc chương trình, sẽ phải học bổ sung 5-6 tiết/tuần.

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội: “Do đầu vào của trường không cao nên việc ôn tập cho học sinh cần được tổ chức tốt hơn. Đến cuối tháng 3-2010, trường cơ bản kết thúc các môn học không thi để tập trung thời gian cho các môn sẽ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ. Do thiếu phòng học cho việc tăng tiết nên thời điểm này trường phải tổ chức học ca ba cho học sinh lớp 12 từ 17g-21g30”.

Thầy Nguyễn Đức Hải, hiệu trưởng Trường THPT Cầu Giấy, cho biết: “Về nguyên tắc, không được cắt xén chương trình, môn học nên thời gian này học sinh quá tải trong việc lo chạy hết chương trình, đồng thời ôn tập những môn thi tốt nghiệp. Dù vậy chúng tôi vẫn phải tăng tiết những môn sẽ thi để phụ đạo thêm cho học sinh”.

Cha mẹ cũng tham gia

Việc tổ chức ôn tập cho học sinh là cần thiết, nhưng áp lực thành tích từ một số nhà trường, áp lực do cha mẹ học sinh tạo nên và cách thức tổ chức ôn tập không khoa học, không phù hợp sẽ gây quá tải, căng thẳng cho học sinh.

Một học sinh lớp 12A4 Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM cho biết: “Từ tuần này trở đi, các bạn trong lớp đều đem theo tất cả đề cương sáu môn thi tốt nghiệp để tiện ôn tập. Trường em nhiều năm đạt thành tích 100% học sinh đỗ tốt nghiệp nên tất cả học sinh khối 12 đều phải thi đua giữ vững thành tích này”. Em đưa chúng tôi xem chiếc cặp chứa gần chục cuốn sách giáo khoa và sách tham khảo, chưa kể các loại vở, tài liệu, bài kiểm tra và nói thêm: “Tất cả đều phải bám theo sách giáo khoa, em mang tất cả sách theo bên người cho chắc ăn!”.

Gánh nặng bài vở ôn tập đè nặng lên cả thầy lẫn trò. Học sinh phải ôn tập một khối lượng kiến thức khá lớn trong thời gian gấp rút. Cô B.T., trưởng khối 12 ở một trường THPT, cho biết: “Lớp tôi có gần 50 em nhưng chỉ có một em thi khối C, còn lại hầu hết thi khối A, B và D. Các em than vãn rất nhiều về chuyện phải học quá nhiều môn cho hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học sắp tới. Hiện nhà trường đã tăng thời lượng hai môn sử, địa để giúp các em, đồng thời các tổ bộ môn này làm những đề cương tóm lược kiến thức để giúp học sinh ôn bài”.

Trước cổng Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, một phụ huynh có con học lớp 12 cho biết: “Cháu học ở trường nguyên ngày nên 21g tôi mới đón về. Buổi tối cháu học bài đến khoảng 1g-2g mới dám đi ngủ. Mẹ phải cùng cháu “gạo bài” để nhớ kiến thức các môn như sử, địa”.

Theo Tuổi Trẻ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC