Ông Dương Trung Quốc: Sao người lớn không hát quốc ca?Nhà sử học Dương Trung Quốc xúc động khi biết các cháu câm điếc cũng hát quốc ca bằng ngôn ngữ riêng. Ông đặt câu hỏi "tại sao người lớn không hát?".

Tại sao người lớn không hát quốc ca?

- Vừa rồi Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu các cấp ngành học phải hát quốc ca lúc chào cờ, ông nghĩ gì về quy định này?

Tôi nghĩ dù sao quy định này hết sức đáng hoan nghênh, tức là Bộ GD&ĐT nhìn thấy một thực trạng để từ đó khắc phục nó.

Có một điều như nghịch lý mà lỗi chính là ở người lớn: đó là trong khi các đối tượng thiếu nhi, học sinh  đều hát quốc ca thì một hiện tượng trở thành đặc tính của người dân hiện nay là rất ít khi hát quốc ca. Điều đó thật đáng buồn! Hình như người ta cảm thấy cái đó chỉ là hình thức, không cảm thấy là nhu cầu.

Tôi nhớ trong cuộc họp với UBTƯMTTQ mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có nói, trong số những điều ông bức xúc chính là không hát quốc ca. Chủ tịch nước kể câu chuyện khi ông đến một quốc gia Đông Âu, người ta cử nhạc quốc ca hai nước thì quốc ca nước ta không thấy hát, trong khi nước chủ nhà họ hát rất nghiêm túc, người đứng đầu nước bạn hỏi Chủ tịch Nguyễn Minh Triết "quốc ca các bạn không có lời à?". Qua câu chuyện, Chủ tịch nước nói đây là bức xúc phải được khắc phục vì đó là điều không bình thường.

Ở nhiều nước còn quy định hát quốc ca có tính chất luật pháp, ví dụ anh muốn vào nhập quốc tịch Hoa Kỳ chẳng hạn, thì một trong những điều kiện tiên quyết là anh phải hát được quốc ca bằng tiếng bản địa - nó không phải là hình thức mà là ý thức công dân.

Hiện nay các trường học các cháu còn hát quốc ca, tôi rất xúc động khi báo Tuổi trẻ đăng các cháu câm điếc cũng hát quốc ca bằng ngôn ngữ riêng của các cháu, vậy tại sao người lớn không hát?

- Theo ý ông, người lớn ở đây là...

Chúng ta rất cảm động thấy cầu thủ, vận động viên trước khi họ thi đấu hay được vinh danh họ hát quốc ca rất nhiệt tình, trong khi đó những cán bộ công chức nhà nước chứ chưa nói đến nhân dân thì hầu như rất ít quan tâm đến chuyện này, họ cho rằng ai hát thì hát, ai không hát chẳng có vấn đề gì cả.

Nếu chỉ theo dõi chương trình mở đầu mỗi ngày của VTV1 trong lễ kéo cờ thì chương trình đó cũng hát nhạc nền chứ bản thân những người đứng đó và công chúng có mặt ở đó cũng không hát quốc ca. Việc này cho thấy là "anh" đưa ra cái mẫu cho mọi người, rằng bản thân Đài Truyền hình Nhà nước cũng như thế, nên nó không hình thành ý thức chính trị, thậm chí ý thức văn hóa của người có trách nhiệm, của thủ trưởng cơ quan, của những cơ quan truyền thông.

Vì thế tôi thấy dẫu sao ngành giáo dục nhận ra những điều ấy và họ có tác động tích cực vào - tôi cho rằng đáng hoan nghênh và cũng cho thấy nghịch lý là trong việc này người lớn phải học trẻ con đi!

- Lâu nay mọi người vẫn nghĩ việc hát quốc ca, nhất là hát từ trong trường học là đương nhiên, nhưng Bộ GD&ĐT bây giờ đưa ra quy định này liệu có là... muộn?

Cho dù một quy định gọi là muộn, nhưng đừng trách Bộ GD&ĐT, mà đầu tiên phải hoan nghênh Bộ này. Nếu các cháu đã hát rồi thì tốt, giờ lại đưa ra một quy định nữa càng tốt hơn, để nhắc nhở, để củng cố.

Tôi cho rằng qua quy định này dư luận xã hội phải đặt vấn đề với người lớn, với những cơ quan nhà nước, với những nghi thức của các tổ chức nhà nước và xã hội, và trước hết theo tôi, Đài truyền hình phải sửa đi, vì chính ''anh'' tạo ra cái gương cho những người lớn...

- Như vậy, chào cờ mà nghe nhạc hoặc nghe hát qua băng đĩa là không nên, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng việc thu băng là cần thiết để đáp ứng nhu cầu nào đó nhưng mà cũng phải hạn chế sử dụng để chính mỗi công dân thể hiện ý thức của mình. Không nên biến băng đĩa thay thế cho việc hát trực tiếp. Cũng không nên lạm dụng việc hát quốc ca qua băng đĩa dẫn đến thành thói quen không hát không sao, không ai nhắc nhở.

Nếu không có ý thức và lại không ai nhắc nhở thì việc hát quốc ca cũng bị phai nhạt đi. Vấn đề không phải là hát hay mà là hát nghiêm túc, hát rất nhiệt tình.

- Hiện nay cũng không hiếm những người khi hát quốc ca còn không thuộc hết bài, hát còn ngượng ngập...

Ông Dương Trung Quốc: Sao người lớn không hát quốc ca?_0

Nếu mà quan sát người dân thì thấy rất ít hát quốc ca, trừ lực lượng vũ trang thì tôi không biết - nhưng trong những sinh hoạt cộng đồng lâu nay phần lớn người ta chỉ nghe nhạc. Đương nhiên có những lúc mà người ta chỉ cử quốc thiều, nhưng khi đã hát quốc ca là phải... hát!

Tất cả những người lớn hãy tự kiểm điểm xem mình có hát quốc ca không?

Đại biểu Quốc hội phải gương mẫu nhất trong hát quốc ca!

- Ông từng có ý kiến đề nghị chính các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng nên hát quốc ca trong các kỳ họp Quốc hội, xin ông nói rõ hơn về ý kiến này?

Phải hát chứ không phải là nên hát.

Ngay khi tôi tham gia Quốc hội, một trong những việc đầu tiên tôi đặt vấn đề với Quốc hội là chính Quốc hội hát quốc ca chứ không phải dùng nhạc sống như lúc đó. Phải nói ý kiến của tôi rất được các ĐBQH đồng tình, nhất là anh Vũ Mão bấy giờ là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và anh cũng rất am hiểu âm nhạc nên đã nhiệt tình đưa hát quốc ca vào chương trình kỳ họp.

Tôi nhớ nhiều ĐBQH đã học hát quốc ca, nhưng rồi cũng... chập chờn. Có một thời kỳ trong lịch họp gửi các ĐBQH ghi rõ là hát quốc ca, nhưng cũng có lúc lại ghi là quốc ca chung chung và có đám trẻ hát hộ, rồi sau đó lại điều chỉnh... Tức là chưa thành một cái nếp, mà cái nếp ở đây không phải chỉ là quy định, tôi cho rằng ý thức của  mọi người về quốc ca là hết sức quan trọng.

- Mọi người, trong đó nhấn mạnh tới ý thức của các ĐBQH, thưa ông?

Theo tôi đương nhiên trong họp Quốc hội phải hát quốc ca, ĐBQH phải gương mẫu nhất, thể hiện công dân của mình một cách đầy đủ nhất.

Và cũng đương nhiên toàn xã hội phải hát quốc ca. Tôi được biết ngay như ở Thái Lan có những thời kỳ mà trước khi vào xem phim người dân họ cũng hát quốc ca. Vì quốc ca bản thân nó là niềm tự hào, cũng là một sự nhắc nhở, quốc ca có lịch sử của nó, nhất là chúng ta đã trải qua chiến tranh, quốc ca mang lại rất nhiều nguồn lực sức mạnh trong cuộc chiến.

- Ý nghĩa của hát quốc ca là thể hiện lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm của người Việt Nam với Tổ quốc và nhân dân. Theo ông, làm thế nào để ý nghĩa này được thể hiện trọn vẹn nhất?

Thứ nhất là ý thức của người công dân, rõ ràng việc không hát quốc ca là không được tôi luyện bằng các quy định có tính chất bắt buộc và bằng cả tinh thần tự giác. Nhưng tôi cho là tính gương mẫu của người lớn. Nếu ở một cơ quan bất kỳ mà người đứng đầu hát quốc ca và yêu cầu mọi người hát quốc ca thì tôi tin rằng mọi người thể hiện tốt hơn rất nhiều.

- Theo ông, có cần phải tuyên truyền vận động với "người lớn" về việc hát quốc ca không?

Ý thức là vấn đề tối thiểu chứ không nói đến cần phải tuyên truyền, vận động. Phải coi như là một nguyên tắc, tất nhiên trong cuộc sống đa dạng nhưng khi là nguyên tắc mà ai không thực hiện thì tức là anh không thực hiện đúng nguyên tắc. Câu chuyện của Chủ tịch nước kể trước cuộc họp tôi cho là lời nhắc nhở rất đáng lưu ý.

Cứ xem tường thuật các sự kiện ở các nước, như ở Trung Quốc chẳng hạn, kể cả các ông lão thành cũng hát quốc ca một cách rất tự hào.

- Xin cảm ơn ông!

TH.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC