Ông bảo, từ khi vợ mất, ông ra thị trấn thổi đàn để bán cũng là đi chơi, 3 ngày mới bán được một cái đàn nhưng ông không chỉ lấy lãi để làm động lực bán hàng ở phố huyện, ông cần niềm vui cho tuổi già của mình.
Nghệ sĩ với đôi chân sưng tấy
Chuyện của ông lão người Mông năm nay đã 80 tuổi, có thể diễn giải tóm lại là như thế. Cả chục năm nay ông mưu sinh ở chân núi Hàm Rồng của thị trấn Sapa và thổi đàn môi, khi réo rắt, lúc trầm bổng. Du khách qua đường, có người cảm tiếng đàn môi của ông mà dừng lại đôi phút lắng nghe, cũng có người vùn vụt lướt qua.
Như nhiều người Sapa, ông lão cũng làm kinh tế, nhưng đồ lưu niệm thì đàn bà, con gái mới bán được, ông bán người ta không mua nên ông chọn cách dùng tiếng đàn môi để thu hút du khách, nhưng đó cũng không phải là cách giúp ông bán được nhiều hàng.
Khoảng 3 ngày ông mới bán được một chiếc đàn giá 30.000 đồng/chiếc, lãi 20.000 đồng cho 3 ngày ăn. Nhà ông có 2 người con trai, đều lập gia đình cả, một người còn ở với ông nhưng nghèo nên chẳng giúp được gì. Nhà còn có ruộng ngô, người con làm, nhưng thu hoạch phập phù.
Ông lão có tên là Hạng Chắng, râu tóc đã bạc và làn da thì đỏ au bởi giá rét của Sapa. Ngày nào ông cũng cuốc bộ 4 km từ bản Sa Pả xuống thị trấn lúc 6h sáng, khi trời còn sương mù dày đặc. Đôi dép ông đi cáu bẩn và đã bị rách, nhưng nó là niềm tự hào của ông: “Mua đắt lắm, 10 nghìn người ta mới bán”. Ông không có tất để đi, đôi chân lên cước nứt nẻ và sưng tấy.
Hồi còn trẻ, qua tiếng đàn môi mà ông “bắt” được cụ bà. Bà đẹp lắm. Ông ngồi trên hòn đá và tiếng đàn cứ du dương theo gió làm say mềm cả những cô gái H’Mông không uống rượu… rồi ông chỉ chọn cụ bà. Đến bây giờ, ông không nhớ tuổi của bà nữa, ông phát âm tên bà là Dậu.
Cách đây 10 năm, bà nằm xuống một thước đất, ông lại cất tiếng đàn môi u ám để nhớ bà. Hồi xuống chợ thổi đàn kiếm sống, ông đã 70 tuổi, nhưng vẫn còn nhiều phụ nữ Mông mê tiếng đàn của ông.
Người Mông chân chất, trái tim nương theo tiếng đàn, nhưng ông nghèo và già quá, nên họ không theo ông về nhà. Có thương yêu nhau thì cũng chỉ bưng bát rượu uống với nhau để trở thành bạn bè.
Gió no tiếng đàn, ông lão đói
Ông lão nghèo ngồi ngay chân núi “làm không công” cho du khách qua lại, bởi ông cứ thổi như thế nhưng không ai tặng lại ông thứ gì cả. Ông không biết nói tiếng Anh nên “Tây không hỏi được, không nói chuyện với nó được, nó không cho tiền”.
Đôi khi có ai đó bị tiếng đàn níu chân trước khi leo lên đỉnh núi thì họ dừng lại hỏi han ông, mua cho ông cái đàn vì muốn giúp ông lão hơn là vì họ thích chiếc đàn đó.
Nơi ông Chắng ngồi bủa vây bởi những khách sạn hạng sang. Sau lưng ông Chắng là khách sạn Công Đoàn loại 3 sao, trước mặt là khách sạn Hàm Rồng và khách sạn Victoria, những nơi sang trọng bậc nhất Sapa.
Chỗ ông lão ngủ là bậc thềm đá nơi ông thổi đàn, bán đàn, hoặc ông xuống chợ Sapa, chui tạm vào một cái lán nào đó khi người ta đã dọn hàng rồi co ro ngủ. 10 năm nay, cái “nghề” của ông Chắng chẳng giúp ông kiếm đủ ăn. Khi nào gió còn căng tiếng đàn của ông là lúc đó ông đang thổi, chỉ khi nào gió đói tiếng đàn của ông, là lúc ông được khách hàng hỏi han, mua hàng, hôm đó may ra ông được một bữa ăn tạm.
Mấy cô bán hàng người Mông, người Dao bảo, ông lão là người duy nhất ngày ngày thổi đàn môi ở thị trấn Sapa. Trước đây, cũng có hai người mù, một người thổi khèn, một người thổi đàn môi lang thang kiếm sống, nhưng người này ít thổi lắm, mà lâu rồi không thấy nữa, có khi họ bỏ nghề rồi.
Tối thứ 7, chợ tình Sapa dập dình “tình thương mại”. Muốn xem những chàng trai thổi khèn tình tứ bên cô gái H’Mông e ấp váy xập xòe, du khách phải “xì” tiền ra, nếu không là người H’Mông dỗi, họ không… diễn chợ tình cho xem nữa.
Ông lão Hạng Chắng nhấp môi thổi tiếng đàn đặc trưng của người Mông ngày này qua ngày khác, những chiếc đàn mang lại thu nhập chính, nhưng ông không xin tiền ai bao giờ.
Điệu nhạc mà ông lão thổi, ông lão không đọc được tên vì nó khó đọc lắm. Sapa thêm một buổi sáng sương mù, thêm một buổi chiều giá lạnh, tiếng đàn môi của ông lão thêm u sầu.
Theo VTCNews.