Ngày 20/8, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội thảo công tác giáo dục liêm chính để phòng chống tham nhũng, tiêu cực - thực trạng và giải pháp.
Có tình trạng hình thành các "nhóm lợi ích", thậm chí còn chi phối công tác cán bộ
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) thời gian qua đã có bước tiến đột phá, "đã trở thành phong trào, thành xu thế”, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương nêu rõ phương châm "bốn không" trong PCTNTC gồm “không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng, tiêu cực.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Ảnh: A.Phước
Từ đó, hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực (nhốt quyền lực vào trong lồng thể chế); phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh, công bằng, công khai các hành vi tham nhũng tiêu cực để không dám tham nhũng tiêu cực.
Đồng thời giáo dục đạo đức, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trở thành nếp sống văn hóa của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trong các tầng lớp nhân dân đề không muốn tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó là xây dựng cơ chế để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trung thực, công tâm, liêm khiết, tận tụy; được trả lương và đãi ngộ phù hợp với cống hiến, tài năng để không cần tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, ông Phan Đình Trạc cũng lưu ý, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế, khoáng sản... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đặc biệt là có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây thất thoát tài sản nhà nước, hình thành các "nhóm lợi ích", thậm chí còn chi phối công tác cán bộ và hoạt động của cơ quan nhà nước, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình hình trên, theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương, là do công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực nhiều nơi còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả.
Trong đó, các giải pháp để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực chưa thực sự được quan tâm thực hiện tốt; công tác giáo dục đạo đức liêm chính, xây dựng văn hóa liêm chính chưa được tiến hành bài bản, sâu rộng, thường xuyên...
Xây dựng được một nhà nước liêm chính, một xã hội liêm chính
Tình hình trên đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để có giải pháp tăng cường công tác giáo dục liêm chính, trước hết là đối với cán bộ, đảng viên, những người đang nắm giữ quyền lực để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ gốc, từ sớm, từ xa.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những lời dạy rất giản dị, dễ hiểu mà vô cùng sâu sắc về đạo đức cách mạng. Trong tác phẩm "Cần, Kiệm, Liêm, Chính" năm 1949, Người viết: "Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người".
Trong nhiều văn kiện Đại hội Đảng và nhiều quy định của Đảng cũng nhiều lần đề cập đến vấn đề này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng để lại nhiều di huấn sâu sắc về giáo dục liêm chính: “Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực. Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ rằng: Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải làm gì, làm như thế nào, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị đến đâu để đưa những chủ trương, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, để xây dựng được một nhà nước liêm chính, một xã hội liêm chính, một quốc gia liêm chính, của dân, do dân và vì dân.
Theo ông Phan Đình Trạc, đây chính là mục tiêu của Đề án Bộ Chính trị giao và cũng là mục đích của cuộc hội thảo hôm nay.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị các các đại biểu làm rõ thêm nội hàm của văn hóa liêm chính; những hạn chế, yếu kém trong giáo dục liêm chính; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, đào tạo với những hạn chế, yếu kém đó và giải pháp khắc phục.
“Trong mối quan hệ giữa giáo dục tính tự giác học tập, rèn luyện đạo đức, văn hóa liêm chính với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm sai phạm để răn đe, nhắc nhở cán bộ, đảng viên "nhớ điều cấm, giữ giới hạn", cần giải quyết như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất”, ông Trạc gợi mở.
Ông Trạc cũng cho hay, ở một số nước, giáo dục, đào tạo liêm chính bắt buộc cho cán bộ, công chức, thậm chí là doanh nhân, được tổ chức thành các lớp, khóa học hàng năm và được đánh giá là thành công.
“Chúng ta có nên tổ chức chương trình/khóa/lớp học về liêm chính bắt buộc hằng năm cho cán bộ, đảng viên, công chức không? Cần tổ chức như thế nào? Cơ quan, tổ chức nào thực hiện là phù hợp?”, Trưởng ban Nội chính Trung ương đặt vấn đề.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị tăng cường, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục liêm chính trong chương trình đào tạo cho học sinh, sinh viên hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước liêm chính.
Cùng với đó có giải pháp tăng cường công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, chiến sĩ Công an qua đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; liêm chính trong xây dựng nền tư pháp phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; liêm chính trong đạo đức công vụ; liêm chính trong hoạt động kinh doanh; giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó cần xác định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đạo đức liêm chính, văn hóa liêm chính trong cơ chế kinh tế, thị trường.
Nguồn: VietnamNet