Kế hoạch phát "lộc" Đền Trần cho các đại biểu được Ban Tổ chức chuẩn bị trước để tránh tình trạng lấy lộc như mọi năm.

Phát lộc Đền Trần cho đại biểu vì sợ bị lấy, cướp? - 0

Một số đại biểu cầm "lộc" từ phủ Thiên Trường đi ra (Ảnh Zing).

Chiều ngày 2/3/2018, trước những thông tin dư luận đánh giá hình ảnh nhiều đại biểu thong dong cầm "lộc" từ phủ Thiên Trường - Đền Trần (P. Lộc Vượng, TP. Nam Định) đi ra trước hàng vạn con mắt ngóng chờ của người dân là rất phản cảm, bà Phạm Thị Oanh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội khai ấn có lời giải thích: "Không đại biểu nào tự lấy "lộc" cả mà do Ban tổ chức phát cho họ". Được biết, đại biểu tham dự lễ khai ấn là những cán bộ, đảng viên công tác tại trung ương, địa phương và một số tỉnh lân cận.

Bà Oanh giải thích: "Trước khi diễn ra lễ khai ấn vào đêm ngày 1/3/2015 (tức đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng), Ban tổ chức đã thống nhất như sau: để tránh tình trạng lấy lộc như các năm trước, sau khi lễ khai ấn xong sẽ tiến hành bao sái đồ thờ, chia lộc gồm bánh kẹo, hoa, quả để phát cho các đại biểu tham dự sau khi kết thúc chương trình".

"Có một số đại biểu tự mua hoa, vàng hương dân lên cúng lễ, sau đó, xin lộc chứ không phải là lấy lộc. Việc bao sái đồ thờ không phải năm nay mới có mà từ xưa đến nay vẫn vậy" - bà Oanh cho biết.

Trước thắc mắc của một số người dân về việc "lộc" phát cho các đại biểu có khác với "lộc" phát cho người dân, bà Oanh thẳng thắn: "Dân đông như vậy thì có muốn phát cũng không phát được. Chỉ có một số đại biểu vào tham dự lễ khai ấn được thôi. Thậm chí năm nay theo tinh thần gọn nhẹ nên cũng ít lộc được phát hơn các năm trước nên người có lộc, người không".

Vị này cho biết thêm: "Khi lộc được phát tới tay không có đại biểu nào từ chối. Còn đại biểu không có lộc cũng chấp nhận. Việc đi lễ cũng như cái duyên...".

Trước đó, nhà nghiên cứu văn hóa, GS.TS Trần Lâm Biền cũng thừa nhận, chuyện Ban tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần phát "lộc" cho một số đại biểu là có sự phân biệt. Nhưng theo ông Biền thì sự phân biệt này cũng là điều dễ hiểu, có thể chấp nhận.

"Trường hợp đại biểu được Ban tổ chức lễ hội Đền Trần phát lộc thì đó phải là người có công gây dựng, đóng góp vào sự bảo tồn và phát triển của Đền Trần. Còn người dân thường, không có đóng góp thì chuyện không phát lộc là điều hiển nhiên" - ông Biền nói.

 

Nguồn: Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC