Truyền thông Việt Nam đưa tin cảnh sát Nhật bắt giữ một phi công của Vietnam Airlines (VNA) vào ngày 6/10 vì hành vi mang hàng hóa “chưa trả tiền” nhưng “hàng nằm trong người” ra khỏi cửa hàng, báo Tuổi Trẻ cho biết.
Báo này mô tả đại diện VNA tại Nhật đã đề nghị được đóng tiền phạt hành chính để bảo lãnh phi công vì “không cố ý lấy món đồ này” nhưng phía Nhật cho tới tối 07/10 vẫn chưa cho phi công, hiện chưa nêu tên, này tại ngoại.
"Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 7-10 về thông tin này, một lãnh đạo của Vietnam Airlines thừa nhận đã được báo cáo về sự việc.
"Theo biên bản tường trình mà phía VNA có được, nam phi công này sau khi chọn mua hàng hóa ở một cửa hàng gần khách sạn phát hiện mình không mang theo hộ chiếu. Ông này đề nghị với cửa hàng gửi hàng hóa và cả túi xách của mình lại cửa hàng để về khách sạn lấy hộ chiếu.
"Tuy nhiên khi ông rời khỏi cửa hàng thì bị máy báo động. Các nhân viên cửa hàng giữ lại kiểm tra thấy trong người ông có hàng hóa chưa thanh toán tiền. Ông này sau đó bị lập biên bản và cửa hàng bàn giao cho cảnh sát Nhật để điều tra hành vi này," báo Tuổi Trẻ đưa tin.
VNA ra qui định phi hành đoàn không mang vali to cho các chuyến bay tầm ngắn và trung.
Cũng liên quan tới phi công và VNA, vào ngày 10/03/2015, hải quan Hàn Quốc bắt giữ một cơ trưởng và một tiếp viên của VNA sau khi phát hiện hai người giấu 6kg vàng trong giầy khi đi qua kiểm tra an ninh tại sân bay quốc tế Gimhae (Busan).
Ngày 17/05/2015 Hàn Quốc mở phiên xử và đã đưa ra bản án 24 tháng tù giam đối với cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng và 12 tháng tù giam đối với tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong vì mang vàng nhưng không khai báo hải quan trên chuyến bay số hiệu VN426 từ Hà Nội đến Busan.
Đầu tháng Sáu năm nay, chính quyền Hàn Quốc đưa hai người này về Việt Nam để bàn giao cho Bộ Công an Việt Nam.
Hồi tháng Ba năm 2014, Tổng giám đốc VNA ra chỉ thị nói việc tổ bay mang hành lý, vận chuyển hàng hóa trên các chuyến bay quốc tế sai quy định đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của VNA và yêu cầu đoàn bay, đoàn tiếp viên “tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nước sở tại trong việc mua và vận chuyển hàng hóa đặc biệt đối với các đường bay đi Nhật Bản, Nga và châu Âu.
Người phát ngôn VNA khi đó nói với báo Tuổi Trẻ rằng sau nhiều vụ tiếp viên mang hàng lậu, bất hợp pháp từ nước ngoài về Việt Nam, hãng đã có biện pháp mạnh để hạn chế tối đa khả năng này.
Được biết trong quy chế nội bộ, 100% phi công và tiếp viên VNA phải ký cam kết không buôn lậu, không tiếp tay cho buôn lậu và bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu vi phạm.
Theo TUOITRE.VN