Phú Yên: Gánh đại họa vì phá rừngSau cơn lũ kinh hoàng, người dân huyện Đồng Xuân (Phú Yên) điểm mặt nguyên nhân khiến vùng trũng này chịu đại họa thiên tai, có một phần lớn do rừng phòng hộ bị tàn phá!

Thảm cảnh

Con đường từ thị trấn La Hai đi qua các xã Xuân Quang 1, Xuân Quang 2 những ngày sau lũ bị trơ ra những đoạn lở lói nghiêm trọng. Qua khỏi thôn Đồng, nơi cả làng chịu đại tang sau thảm cảnh nước lũ cuốn 18 người trong một đêm, hiện ra trước mắt chúng tôi là những cánh rừng phòng hộ giờ chỉ còn trơ ra đồi trọc.

Theo giải thích của ông Trương Công Thìn – ở xã Xuân Quang 2 dẫn đường cho chúng tôi thì sau khi rừng phòng hộ bị đốn hạ với lý do… trồng lại rừng, toàn bộ rừng suối Thùng, suối Sổ (thuộc núi Hòn Bồ) không còn cây to, đó là điều kiện để nước đổ ra ào ạt từ các khe bên sườn núi xuống sông mỗi khi gặp mưa lớn. Tại thượng nguồn sông Kỳ Lộ, từng đoạn bờ sạt lở nghiêm trọng …

Theo ông Thìn, chuyện phá rừng để… trồng lại rừng bắt đầu từ đầu năm 2008 (Tiền Phong ngày 20/11/2008 đã phản ánh), khi những công nhân của một số Cty ồ ạt mang theo máy cưa vào hạ sát rừng. Dân thắc mắc thì được giải thích: lãnh đạo tỉnh đã cấp phép và cho Cty TNHH Bình Nam (trụ sở tại Bình Định) mua lại sổ đỏ của các hộ dân giữ rừng. Sau đó Cty này lấy cớ dọn thực bì để trồng mới đã phá hàng chục hec ta rừng.

Phú Yên: Gánh đại họa vì phá rừng_0
Thảm cảnh người dân xóm Đồng (Xuân Quang 2) hứng chịu. Ảnh: Nam Cường

Trên căn nhà đổ nát do mưa lũ, ông Nguyễn Bén - một cựu chiến binh thôn Phú Sơn (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân), bức xúc: “Chưa bao giờ tôi thấy cơn lũ nào hung dữ như vậy. Mà mưa đâu có to hơn những lần khác, tôi biết chắc lũ lớn do phá rừng mà ra. Không còn cây, nước lớn đổ từ các khe suối, gây lũ nặng”.

Ông Bén cũng là người dám nói thẳng về tình trạng mất rừng phòng hộ khi người dân Đồng Xuân được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về thăm hỏi và chia sẻ trong cơn lũ vừa qua. Ông Bén tiếc nuối: “Chỉ tiếc là tôi không được gặp Tổng Bí thư lâu hơn để trình bày rõ ràng. Năm 2008, tôi nhiều lần lên tiếng việc phá rừng đầu nguồn Đồng Xuân, tôi cùng nhiều người đã viết đơn kiến nghị khắp nơi, nhưng rồi tất cả rơi vào im lặng. Mới phá rừng chưa được hai năm, nay hậu quả thảm khốc đã rõ”.

Tại xóm Trường, trong những ngày đại tang, chị Năm - bức xúc: “Nếu còn rừng phòng hộ thì đâu đến nỗi lũ quét  dữ như thế !”.

Phú Yên: Gánh đại họa vì phá rừng_1

Ông Nguyễn Bén bức xúc trình bày về việc mất rừng phòng hộ.Ảnh: Nguyễn Thành


Trồng hay phá?

Ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 thừa nhận rằng, rừng phòng hộ trên địa bàn xã trong thời điểm này hầu như không còn, may ra chỉ còn 2 - 3 ha. Với một xã thung lũng như Xuân Quang 2, bao bọc xung quanh là núi, nhưng hiện chỉ còn chưa đầy ba hec ta rừng phòng hộ đầu nguồn thì mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng cũng là điều dễ hiểu.

Được biết, tháng 5/2008, quy hoạch chi tiết vùng trồng rừng kinh tế diện tích trên 3.000 ha tại huyện Đồng Xuân, Cty TNHH Bình Nam (Bình Định) là chủ dự án đầu tư trồng và chăm sóc hơn ba nghìn hec ta rừng kinh tế ở các tiểu khu 100; 102; 103; 104 xã Xuân Lãnh; tiểu khu 113; 114 xã Xuân Quang 1; tiểu khu 121; 123 xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân).

Mục tiêu của dự án là nâng độ che phủ, cải thiện môi trường sinh thái do rừng trồng mang lại, cùng vô số những điều rất tốt đẹp khác. Tuy nhiên, lợi dụng việc thực hiện dự án, Cty TNHH Bình Nam đã tận thu nhiều gỗ loại lớn với lý do phát thực bì để trồng lại rừng.

Trong quy hoạch chi tiết trồng rừng kinh tế tại Đồng Xuân, UBND tỉnh Phú Yên nêu rõ: Trồng rừng kinh tế tập trung phải có thiết kế trồng rừng do cơ quan có thẩm quyền lập và Sở NN&PTNT phê duyệt.

Tuy nhiên, khi quy hoạch chi tiết việc giao đất tại thực địa, cắm mốc thực địa, thiết kế rừng trồng theo lô, cơ sở hạ tầng, đường băng cản lửa…, chưa được thực hiện thì Cty này đã vội vã huy động hàng trăm nhân công phát dọn rừng tràn lan từ ngày 29/6/2008. Cty này cũng đã phát dọn rừng già, rừng khoanh nuôi; xâm chiếm luôn đất quốc phòng,  đất rừng của dân… 

Ông Nguyễn Phụ Nam – Phó GĐ Cty TNHH Bình Nam khẳng định: “Thực chất Cty bị thiệt hại về vật chất sau bão lũ nặng nhất. Chúng tôi phát rừng phía sau lưng chứ không phát phía trên nguồn”. Mặc dù vậy, ông Nam cũng thừa nhận:“Sẽ có tác động môi trường, làm gì thì cũng phải trả giá. Chúng tôi đã ngừng phát rừng cách đây hai tháng để đào hố trồng cây. Không ai ngờ mưa bão lại to đến vậy !”.

Theo Tiềnphong.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC