"Quan chức còn sính ngoại, nói chi dân""Sẽ phải tổng kết cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt thế nào, khi mà nhà vị lãnh đạo nào cũng dùng toàn hàng… ngoại", Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam băn khoăn tại buổi tọa đàm Làm sao để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt hôm 12/10.

Xót xa giấc mơ "Thượng đế"

Các chuyên gia kinh tế, học giả tới dự tọa đàm đã đưa ra những góc nhìn với tư cách là người tiêu dùng (NTD).

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chua chát, "vị trí được là Thượng đế khi đi mua sắm thì quả thực, tôi không mấy khi cảm nhận được. Còn gọi, mỗi chúng ta phải là NTD thông thái thì quả là… mỉa mai".

Bà xót xa: “Làm sao có thể là Thượng đế, là thông thái được khi mà không có thông tin đầy đủ. Bước chân vào cửa hiệu, hoa mắt vì đủ thứ hàng, nhãn mác, song khó có thể biết được đâu là hàng  ta, đâu là hàng Tây, hàng Trung Quốc, nhưng nếu hỏi người bán về đơn vị sản xuất, về phẩm nhuộm có độc hại gì không thì… họ lườm nguýt ngay.”

“Tôi ở thành thị, cũng không dám mơ là NTD thông thái. Còn ở nông thôn, giấc mơ làm thượng đế còn xa vời lắm”, bà tâm sự.

Cho nên, các doanh nghiệp hãy làm sao tạo điều kiện để NTD thực sự là Thượng đế. NTD không thể nào mua hàng đắt mà chất lượng thấp, không thể bắt người tiêu dùng hi sinh tất cả quyền được lựa chọn hàng hoá, dịch vụ khi đi mua sắm được, bà Phạm Chi Lan đúc rút.

Lãnh đạo còn sính ngoại

Tuy nhiên, điều mà chuyên gia kinh tế bức xúc là thói quen tiêu dùng sính ngoại còn thể hiện ngay từ khâu chi tiêu công của cơ quan Nhà nước.

Ông Nguyễn Đức Thạc, Tổng thư ký Hội khoa học giáo dục và tâm lý bày tỏ, “Đến thăm 1 vị lãnh đạo cao cấp, tôi thấy văn phòng bày toàn đồ ấm chén Trung Quốc, trong khi ấy, ấm chén Bát Tràng thì bán ra ngoài”.

Ông nói, tấm gương sáng nhất cho cuộc vận động dùng hàng Việt phải là từ các nhà lãnh đạo. Các quan chức hãy tiêu dùng Việt Nam.

Về quan điểm này, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả thị trường (Bộ Tài chính) cho rằng, trong khẩu hiệu "Người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chúng ta coi người Việt Nam là người tiêu cuối cùng chưa chắc đã đúng.

Nhà nước chính là hộ tiêu dùng lớn nhất, vậy thì, Nhà nước hãy dẫn đầu. Chi tiêu mua công hãy ưu tiên cho hàng Việt Nam. Nước Mỹ kích cầu lớn như vậy nhưng cũng đã tuyên bố, chỉ được mua thép trong nước, ông Ánh nhấn mạnh.

Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trăn trở, "đối tượng tiêu dùng với số lượng hàng hóa nhiều, chất lượng cao, từ nước ngoài đưa về hiện nay không phải là người tiêu dùng bình thường. Chúng tôi sẽ tổng kết cuộc vận động này thế nào nếu như nhà của vị lãnh đạo nào cũng toàn hàng ngoại, đi xe máy Dylan, Spacy".

6 điểm yếu của doanh nghiệp Việt

Nói cho cùng, Nhà nước chỉ tạo dựng môi trường kinh doanh cho DN phát triển, người tiêu dùng không thể hi sinh tất cả quyền được lựa chọn hàng hoá của mình. Giành được thị trường hay không vẫn là do chính DN. 

20091013 03 04 33 0
DN phải biết chăm sóc lòng tin của NTD. (Ảnh: VNN)

Thấm thía vai trò này, ông Phí Ngọc Chung, TGĐ Công ty Trung Thành, nói: "cuộc vận động này là một cơ hội cho chính chúng tôi nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa. Khi NTD đã ủng hộ hàng Việt thì phần còn lại là DN phải đáp ứng được niềm tin ấy".

Ông cho biết, hiện nay, để tiếp cận NTD tốt, ông đã liên kết với các siêu thị lớn và xây dựng mạng lưới ở 50 tỉnh thành để phủ sản phẩm trên thị trường.

Ông Võ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công Thương)  cho hay, mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã quyết định dành 100 tỷ đồng để trở về thị trường nội địa. Hiệp hội da giày đặt mục tiêu 100 triệu đôi giầy cho nội địa… 

Việc quay trở lại thị trường nội địa như vậy sẽ không chỉ giải pháp tình thế khi xuất khẩu bị thu hẹp do khủng hoảng kinh tế mà phải là câu chuyện dài hơi.

Theo ông Phạm Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các DN Việt Nam muốn chiếm được lòng tin của NTD thì cần chú ý 6 điểm.
 
Đó là phải có sách lược về cải tiến mẫu mã hàng hoá, có tính ổn định về chất lượng hàng hoá, mức giá hợp lý, xây dựng được mạng lưới phân phối bán lẻ, hợp tác với doanh nghiệp khác, độ phủ của hàng hoá tại các phân khúc thị trường.

Trên thực tế, đây cũng là 6 điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam ngay tại sân nhà.

Ông Võ Văn Quyền nhấn mạnh, "cái quan trọng là DN phải nhận biết được thị trường, họ cần biết bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có. Chúng ta sẽ không thể thành công khi còn giữ tư duy hàng của mình không bán chỗ ngày thì bán ở chỗ kia".

"Nhất là khi, trong WTO, mình phải đối xử bình đẳng với hàng nước ngoài như hàng của mình, mình qui định những gì cho hàng ngoại thì DN trong nước cũng phải theo", ông bổ sung.

Còn như ông Vũ Trọng Kim, sản phẩm truyền thông sẽ đóng vai trò quan trọng cho cuộc vận động dùng hàng Việt, song, nó không phải là nghệ thuật quảng cáo hàng giả thành hàng thật.

"Sản phẩm" ấy phải giúp cho NTD thấy đâu là hàng Việt xứng với đồng tiền họ bỏ ra. Làm sao để tinh thần ấy tới từng nhà, từng người và để việc dùng hàng Việt là niềm tự hào, trân trọng, nâng niu.

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC