Ngày 20/10 - ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã đến. Đây có thể coi là "ngày phụ nữ Việt Nam", ngày mà tất cả cộng đồng xã hội, đấng mày râu thể hiện tình yêu, sự quan tâm của mình đối với những người phụ nữ mà mình yêu quý.
Đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử. Nhưng chúng ta không khỏi chạnh lòng khi biết rằng: những phẩm chất tốt đẹp ấy đang được thể hiện sáng ngời trong khúc ruột miền Trung.
Trong những ngày này, các tỉnh miền Trung ngập chìm trong bão lũ. Vùng quê vốn đã nghèo khó nay lại càng tan tác tiêu điều vì những cơn đại hồng thuỷ liên tiếp xảy ra. Nhà cửa, ruộng vườn tan hoang trong dòng nước lũ. Bao công sức bấy lâu ki cóp, chắt bóp của bà con đã tan theo bọt nước. Điện mất, không nước uống, không thức ăn, không có lấy bộ quần áo khô để thay đổi... Tất cả mọi người dân miền Trung đang oằn mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Lũ chưa qua, bão lại ập tới....
Có lẽ, người chịu thiệt thòi, đau khổ nhất là những người phụ nữ và trẻ em vùng lũ. Cái đói, cái rét luôn rình rập quanh họ. Mưa vẫn tiếp tục rơi, sau những ngày dầm mình dưới dòng nước lũ, gia đình chị Nghĩa (thôn Đồng Miêu, xã Văn Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) trở về nơi trước đây đã từng là tổ ấm thân yêu của mình. Nhìn cảnh hoang tàn ấy, chị bật khóc nức nở " Bọ mi ơi!Răng mà khổ ri hè!" Với chị, những ngày tháng 10 này chỉ để lại trong kí ức những mất mát, đau thương!
Chứng kiến cảnh những bà mẹ vật vã trong tuyệt vọng giữa dòng nước lũ khóc con, những đứa con mất mẹ đang quằn quại đau đớn, ta mới thấu hiểu hết những mất mát, những nỗi đau mà lũ lụt gây ra. Những đám tang trong cơn đại hồng thuỷ mới xót xa làm sao!
Một cô gái 18 tuổi vừa bị lũ cuốn trôi khi cố níu giữ những vật dụng trong nhà khi dòng lũ cuồng điên. Em chết, chết ở cái tuổi 18 đẹp nhất, chết vì thân con gái sao cưỡng nổi sức tàn phá của cơn lũ ác. Đó là ngày thứ ba, gia đình em bới bèo tìm em. Tìm trong tuyệt vọng. Phận con người trong lũ sao mà mỏng manh, nhỏ nhoi đến thế.
Dù đói rét, phải chịu cảnh hoang tàn, nhưng những người phụ nữ vẫn kiên cường bám trụ. Họ vẫn hết lòng vì con. Cái đói, cái rét không thể làm vơi đi tình mẫu tử thiêng liêng. Câu nói của chị Nguyễn Thị Hồng (trú xóm 10, xã Hương Thọ)"Cho tôi một thùng mì tôm với, cháu nó mấy ngày nay chưa có gì bỏ vào bụng" đã làm không biết bao nhiêu người rơi lệ.
Khi đã ăn gói mì tôm cho đỡ đói, chị Hồng nói như để thanh minh mà lòng ta sao thấy nặng trĩu "Lúc đó rối quá nên chỉ kịp bồng con lên thuyền với suy nghĩ nước dâng thuyền nổi, nhưng nếu hôm đó nước dâng cao quá nóc nhà thì cả 4 mẹ con đội nóc nhà đi rồi. Giờ quần áo chìm hết, thằng Hùng còn nhỏ cứ kêu lạnh mà không có đồ thay. Thương con lắm nhưng không biết làm sao các chú à"
Vâng vượt lên tất cả, họ vẫn sống, vẫn tiếp tục chống chọi với dòng lũ dữ dẫu biết rằng sức người quá bé nhỏ.
Có được mì tôm đã vượt qua cơn đói, chị Cúc xót xa: "Nhà bị lũ cuốn trôi hết rồi may chừa lại cho mấy cái cột và mái ngói".
Mẹ về nhà, dáng đi thất thểu, xiêu vẹo như người mất hồn. Nước rút rồi, nắng đã ấm lên nhưng lòng người như tím tái. Mẹ chạy xộc vào nhà lôi từng bao lúa ướt sũng ra sân: “Gắng phơi để còn hạt mà ăn con ạ”. Bàn tay mẹ nhăn nheo, đôi mắt thâm quầng. Cuộc sống áo cơm ngày thường cũng đã làm nên bao cơ cực, nay cơn vần vũ của đất trời càng làm đôi vai mẹ nặng thêm. Con pha gói mì tôm bằng bát nước ít ỏi xã vừa cứu trợ: “Gắng ăn đi mẹ, hai ngày nhai mì sống rồi còn gì”. “Ăn uống gì con, thứ gì cũng mặn đắng, kể cả nước mắt”. Cơn lũ ấy chưa qua, cơn lũ sau lại ập tới. Không biết lúc này mẹ ra sao...
Lũ qua, lũ lại đến... mẹ ơi!
4 đứa trẻ đã ra đời trên dòng nước lũ ở xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) là minh chứng tỏ sức sống phi thường của những người dân vùng lũ. Tiếng trẻ khóc vì khát sữa làm ai nghe thấy cũng phải nao lòng. Mẹ mấy ngày nay chỉ nhai toàn mì tôm sống, làm gì có sữa cho con!
Người mẹ trẻ nhất Trần Thị Tuyết mấy hôm nay ít sữa nên đứa bé khóc suốt
Sự đùm bọc, đoàn kết, chia sẻ từng mẩu bánh quy, từng gói mì tôm,... đã tạo lên sức mạnh để họ vượt qua tất cả.
Nhưng miền trung không đơn độc! Cả nước đang hướng về khúc ruột miền trung với tấm lòng sẻ chia chân thành và sâu sắc nhất. Những người con đất Việt sẽ chung tay cùng đồng bào miền Trung gồng mình chống lũ. Chỉ một chiếc bánh quy, một gói mì tôm trong lúc này cũng sẽ góp phần giúp đồng bào ta đỡ khổ.
Lũ đã chồng lên lũ! Bão lớn lại ập về! Có lẽ Những người phụ nữ miền Trung đêm nay có lẽ vẫn đang ngâm mình trong nước. Rồi mai này, những đứa trẻ vùng lũ sẽ lại tay trắng đến trường: Không nhà cửa, không sách vở, bút mực...và có thể không được đến trường.
Có lẽ, ngay lúc này, chúng ta nên hành động để những phụ nữ và trẻ em khúc ruột miền Trung vượt qua sự khốc liệt của "giặc lũ". Bởi "sống trong đời sống phải có một tấm lòng" để sẻ chia và đồng cảm!
Theo TTO.