Không chỉ điêu đứng vì biển xâm thực “nuốt chửng” hàng chục căn nhà, người dân nhiều vùng ven sông, ven biển ở Quảng Bình còn khốn đốn vì hàng chục ha đất canh tác bị chìm xuống sông hoặc bị cát bồi trở nên hoang hóa.
Sóng vỗ, người khóc
Tuyến độc đạo làm bằng đất cấp phối dẫn vào thôn Bắc xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) đã bị trận lũ đầu tháng 10/2010 cuốn trôi mất dạng. Từ năm 2005, nhờ có con đường của Dự án GTNT 2 này mà người làng biển đỡ khốn khổ hơn khi đi chợ bán cá, mua rau. Còn bây giờ, người thôn Bắc muốn đến trung tâm phải vượt qua những bãi cát dài nham nhở như xưa.
Từ cửa sông Dinh, đoạn sạt lở kéo dài tới hơn 2km, có nơi biển xâm thực sâu đến 50m. Chị Nguyễn Thị Lạc (47 tuổi, ở thôn Bắc) là một nạn nhân của triều cường. Căn nhà chị đang yên lành ở sát cửa sông, chỉ sau vài đêm đã vỡ tan, vùi sâu trong lòng biển.
Từ mấy năm nay, biển không ngừng lấn làng, nhưng trận lũ đầu tháng 10 khiến thực trạng xâm thực càng trở nên hung hãn hơn bao giờ hết. Trước lũ, dân đã góp tiền đặt bi bêtông dọc cửa sông mong ngăn sóng, nhưng chỉ trong vòng một tháng biển đã tràn qua dãy bi, ăn sâu vào đất liền hàng chục mét, tiếp tục đe dọa làng biển nghèo này.
Khó khắc phục
Ông Võ Hồng Thái - Phó Chủ tịch xã Nhân Trạch - cho biết: ngoài thôn Bắc nằm ở bờ bắc cửa sông Dinh, thôn Dinh nằm ở bờ nam và vùng trung tâm xã cũng bị biển xâm thực mạnh có nơi sâu hơn 40m. Hiện xã đã tiến hành di dời tại chỗ 50 hộ với gần 300 nhân khẩu ra khỏi vùng bị xâm lấn.
“Việc gia cố bằng bao cát, cọc tre chỉ là phương án tạm thời, không thể ngăn chặn lâu dài. Để giải quyết rốt ráo cần xây dựng kè chắn sóng bằng bêtông, nhưng chi phí quá lớn vì làm một 1km đê biển mất chừng 25 tỷ đồng”.